Trong nhiều tháng qua, nhiều chính khách và tổ chức dân sự đã kêu gọi Mỹ cùng các đồng minh phương Tây tẩy chay Olympic Bắc Kinh - thế vận hội mùa đông năm 2022 tại Trung Quốc - để phản đối chính sách mà chính quyền Bắc Kinh thực thi tại khu tự trị Tân Cương.
Theo tờ The Washington Post, hơn 180 tổ chức phi chính phủ đã cùng lên tiếng kêu gọi tước quyền của Trung Quốc đăng cai Olympic năm 2022. Một số nhà lập pháp đảng Cộng hòa cũng nhiều lần kêu gọi Washington tẩy chay Olympic Bắc Kinh.
Tuy nhiên, tờ South China Morning Post chỉ ra rằng Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn nếu lựa chọn tẩy chay sự kiện thể thao tại Bắc Kinh. Ông Gal Luft - đồng Giám đốc Viện Phân tích An ninh toàn cầu (IAGS, một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận tại Mỹ) - cho rằng quyết định tẩy chay Olympic Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ khiến Washington tự chuốc lấy thất bại.
Mỹ khó lôi kéo đồng minh cùng tẩy chay Trung Quốc
Theo ông Luft, Mỹ cần tìm kiếm đủ đối tác và các nước này cần có ảnh hưởng đủ lớn ở các môn thể thao mùa đông để gia tăng sức nặng cho quyết định tẩy chay Trung Quốc.
Một buổi tập dượt chuẩn bị cho Olympic Bắc Kinh 2022. Ảnh: OLYMPIC.ORG
Các đồng minh bền chặt như Canada, Anh, Úc được coi là đối tác khả thi nhất nhưng chỉ có Canada được xếp vào nhóm "cường quốc" thể thao mùa đông. Các nước dẫn đầu thế giới về thể thao mùa đông như Na Uy, Đức, Áo… khó có khả năng tẩy chay thế vận hội, còn các đồng minh châu Á như Nhật, Hàn Quốc đều không mạnh về các môn thể thao mùa đông và sẽ gặp nhiều khó khăn nếu chọn đứng về phía Mỹ.
Đặc biệt, Nhật khó công khai tẩy chay Olympic Bắc Kinh trong thời gian này, khi mà thế vận hội mùa hè sẽ diễn ra trong vài tháng tới tại Tokyo, bất chấp những trở ngại do đại dịch COVID-19. Chính phủ Nhật hiểu rằng việc tẩy chay Olympic Bắc Kinh sẽ dẫn tới sự tẩy chay "trả đũa" đối với Olympic Tokyo - ông Luft phân tích.
Hai kỳ thế vận hội mùa hè năm 1980 (ở Nga) và 1984 (ở Mỹ) là tiền lệ xấu về việc chính trị hóa thể thao. Năm 1980, Mỹ khởi xướng làn sóng tẩy chay Olympic Moscow để phản đối việc Liên Xô xâm lược Afghanistan và bốn năm sau, Liên Xô và các đồng minh đã tẩy chay Olympic Los Angeles.
Mỹ và các đồng minh có thể sẽ đối mặt nguy cơ bị tẩy chay "trả đũa" theo cách tương tự. Ông Luft liệt kê một loạt sự kiện thể thao như Giải Vô địch bóng đá thể giới năm 2026 (ở Mỹ và Canada), thế vận hội mùa hè năm 2028 (ở Mỹ), thế vận hội mùa đông năm 2030 (ở Canada) có thể là đối tượng bị Trung Quốc tẩy chay. Úc - nước đang nỗ lực giành quyền đăng cai thế vận hội mùa hè năm 2032 - cũng phải đắn đo trước quyết định tẩy chay Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Mỹ còn phải cân nhắc nguy cơ đánh mất vị thế "cường quốc" thể thao vào tay Trung Quốc và các đối thủ cạnh tranh khác. Các vận động viên Mỹ không tham gia Olympic Bắc Kinh đồng nghĩa với việc sàn đấu được nhường lại cho các đại diện của châu Âu - những nước thường chiếm ưu thế về thể thao mùa đông - hay của Nga và chủ nhà Trung Quốc.
Bài toán khó về tác động được-mất sau quyết định tẩy chay
Dù vậy, vẫn có cơ hội cho Mỹ thể hiện sự phản đối của mình. Cây bút Nicolas Kristof của tờ New York Times đề xuất rằng Mỹ có thể cho phép các vận động viên tham gia Olympic Bắc Kinh, song các quan chức Mỹ sẽ không tham dự các sự kiện của thế vận hội. Đây được gọi là hành động "tẩy chay về chính trị".
Ông Kristof cũng gợi ý các công ty Mỹ từ chối tài trợ cho sự kiện thể thao do Trung Quốc tổ chức nhưng The Washington Post và South China Morning Post đã chỉ ra điểm yếu của đề xuất "tẩy chay về kinh tế" này.
Địa điểm thi đầu môn trượt tuyết nhảy xa của Olympic Bắc Kinh năm 2022 được xây dựng tại Trương Gia Khẩu, phía tây bắc Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: AFP
Bà Bonnie Glaser, chuyên gia về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), phân tích rằng cách Bắc Kinh phản ứng trước việc các hãng thời trang quốc tế ngừng sử dụng bông vải Tân Cương cho thấy Trung Quốc sẵn sàng hành động tương tự chống lại các nước tẩy chay Olympic Bắc Kinh.
Hàng loạt thương hiệu Mỹ tài trợ cho Olympic như Coca-Cola, Dow, General Electric, Visa… hay các nhãn hàng Nike, Apple, McDonald's, Starbucks… có thể trở thành đối tượng bị tẩy chay ở Trung Quốc, tương tự những gì H&M và một số hãng thời trang khác đã chịu trong vụ "bông vải Tân Cương".
Câu hỏi quan trọng nhất là liệu việc tẩy chay Olympic Bắc Kinh có thể buộc Trung Quốc thay đổi chính sách ở Tân Cương hay không. Ông Luft lo ngại việc Mỹ khởi xướng tẩy chay thế vận hội tại Trung Quốc sẽ phản tác dụng. Ông Luft dự đoán việc tẩy chay Olympic Bắc Kinh khó ảnh hưởng tới chính sách của Trung Quốc, trong khi quyết định này có thể khiến Mỹ tự phơi bày "sự đơn độc" của chính mình khi không thể lay chuyển các đồng minh.