Thi công đường cao tốc Cam Lộ - Mai Sơn thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam - Ảnh: UÔNG VIỆT DŨNG
Nội dung trên được nêu trong văn bản vừa được Thủ tướng gửi Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND 13 tỉnh, thành phố có dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đang triển khai, gồm: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu 2 bộ và chủ tịch UBND 13 tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng (cuối năm 2019) về giải phóng mặt bằng dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đảm bảo nguồn cung vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án; nghiêm cấm tình trạng trục lợi, đầu cơ, nâng giá.
Trước đó, đầu tháng 4-2021, báo cáo Thủ tướng về thực hiện dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ Giao thông vận tải cho biết dự án có 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654km, đi qua địa bàn 13 tỉnh thành, có nhu cầu sử dụng vật liệu rất lớn. Khối lượng đất đắp nền đường khoảng 60,7 triệu m3, khối lượng đá các loại khoảng 21,5 triệu m3, cát các loại khoảng 10,8 triệu m3.
Theo Bộ Giao thông vận tải, khi lập dự án, thiết kế kỹ thuật, tư vấn thiết kế đã khảo sát, đề xuất sử dụng các mỏ vật liệu theo đúng quy định. Các nhà thầu, nhà đầu tư cũng khảo sát các mỏ vật liệu, xác định nguồn cung cấp cho từng gói thầu, dự án mình quan tâm để chào giá trong hồ sơ dự thầu.
Tuy nhiên, thời gian qua, tại một số dự án, một số nhà thầu sau khi trúng thầu và triển khai thi công có phản ánh về việc một số mỏ vật liệu đã được tư vấn chỉ ra trong hồ sơ không đáp ứng được khối lượng cung cấp theo nhu cầu của dự án...
TTO - Đất nước ta có 3/4 diện tích là đồi núi nhưng nhiều dự án đường cao tốc Bắc - Nam đang thi công có nguy cơ thiếu đất đắp nền đường. Lý do là các mỏ đất đang khai thác không đủ trữ lượng, mỏ chưa khai thác cần 6 - 8 tháng để cấp phép.