Tuy có vai trò đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bị cáo, luật sư bào chữa đôi khi vẫn bị chỉ trích là đại diện cho kẻ xấu. Dù vậy, luật sư bào chữa vẫn tự hào về công việc của mình.
1. Không để cảm xúc lên trên quy trình tố tụng
Dù rõ ràng có tội, một số bị cáo vẫn có quyền lợi được pháp luật công nhận. Vì thế, luật sư không để cảm xúc cá nhân tác động tới việc bào chữa cho bị cáo.
"Tôi chưa từng ủng hộ những tội ác mà thân chủ tôi bị cáo buộc thực hiện", Chris Tritico, luật sư từng đại diện cho Timothy McVeigh, kẻ đánh bom thành phố Oklahoma vào năm 1997, cho biết. "Tôi không ủng hộ việc ông McVeigh đánh bom tòa nhà làm 168 người chết nhưng ông ấy cần được bảo vệ quyền lợi. Người làm luật sư phải sẵn sàng đứng lên để bảo vệ cho những người như McVeigh".
2. Quan hệ với thân chủ rất quan trọng
Rất khó để có thể tìm được điểm chung với người bị cáo buộc phạm tội nghiêm trọng có mức phạt lên tới chung thân hoặc tử hình. Nhưng các luật sư bào chữa thường tìm cách thực hiện điều này để việc bào chữa hiệu quả hơn.
Chẳng hạn, luật sư Tritico cảm thấy McVeigh khá thân thiện. "Tôi muốn Tim quý tôi và ngược lại. Tôi muốn anh ta tin vào những quyết định của tôi. Chuyện ấy không phải lúc nào cũng xảy ra".
3. Bào chữa cho người vô tội có thể khó khăn hơn nhiều
Thoạt nhìn, bào chữa cho người vô tội có vẻ dễ hơn so với bảo vệ người có tội. Nhưng theo Bryan Gates, một luật sư bang North Carolina, nếu tin rằng thân chủ bị oan sai, luật sư bào chữa sẽ gặp áp lực lớn hơn. "Không luật sư nào muốn thấy cảnh thân chủ bị kết án, nhưng khoảnh khắc ấy sẽ còn đau đớn hơn gấp bội khi mình biết họ bị oan", Gates nói.
4. Không đi đi lại lại ở phiên toà như mọi người vẫn tưởng
Một trong những cảnh quen thuộc nhất trên màn ảnh là khi luật sư bào chữa đi lại, vung tay, và đập bàn để trình bày quan điểm trước bồi thẩm đoàn. Quy định mỗi nơi mỗi khác nhưng theo Gates, ít nhất tại bang North Carolina, luật sư không hay đứng lên trong phiên tòa.
"Chúng tôi phải xét hỏi mọi nhân chứng trong lúc ngồi tại bàn dành cho luật sư. Chúng tôi không thể đi lại quanh phòng hoặc đứng dựa thanh chắn. Đa số thẩm phán sẽ không để luật sư múa may trước mặt bồi thẩm đoàn", Gates nói.
5. Nghiên cứu lý lịch của bồi thẩm viên
Cả bên bào chữa và cơ quan công tố đều muốn thành viên bồi thẩm đoàn có thiên hướng đồng ý với mình, nhưng lợi thế thường nghiêng về phía công tố. "Bồi thẩm đoàn tới tòa trong tâm trạng sẵn sàng kết tội vì thông thường không ai ủng hộ tội phạm", luật sư Jeffrey Lichtman, người từng đại diện cho John Gotti Jr. – con trai trùm mafia John Gotti, cho biết.
Khi phỏng vấn ứng viên bồi thẩm đoàn, Lichtman nói với tốc độ nhanh để khiến đối phương bộc lộ định kiến cá nhân bất lợi cho bị cáo. Với những ứng viên có vẻ có tư tưởng cởi mở hoặc có thiên hướng chống cảnh sát, Lichtman sẽ không xét hỏi vì lo ngại công tố viên sẽ biết và loại ứng viên đó.
Ra tòa, Lichtman cố gắng nghiên cứu lý lịch các bồi thẩm viên. Dựa vào đó, ông trình bày luận điểm bào chữa sao cho phù hợp với sự kiện từng xảy ra trong đời bồi thẩm viên để tạo được sự đồng cảm giữa họ và thân chủ.
6. Luôn chú ý ngôn ngữ cơ thể của bồi thẩm đoàn
Nắm được ngôn ngữ cơ thể của bồi thẩm viên có thể giúp luật sư điều chỉnh luận điểm bào chữa. "Khi chất vấn nhân chứng, nếu có bồi thẩm viên quay đi chỗ khác, tôi sẽ chú ý xem mình vừa làm gì khiến người này phản đối. Sau đó, tôi sẽ cố gắng khắc phục vấn đề ấy", Lichtman cho biết.
"Nếu có thể khiến bồi thẩm viên nào đó bật cười, tôi biết rằng người ấy ít nhất đang để ngỏ quyết định tuyên trắng án. Tôi sẽ dành nhiều thời gian thuyết phục người này", Lichtman nói.
7. Cố đứng sát thân chủ
Hình ảnh luật sư đứng sát thân chủ khi phán quyết được đọc có thể để thể hiện sự đoàn kết, nhưng đó không phải lý do duy nhất. Luật sư Tritico kể khi mới vào nghề, ông có một thân chủ bị buộc tội cướp tài sản nghiêm trọng. Dù được khuyên thỏa thuận nhận tội, vị thân chủ vẫn muốn ra tòa và cuối cùng bị kết án.
Khi nghe tòa tuyên án 40 năm tù, Tritico bỗng thấy thân chủ gục ngã bên người mình. "Từ đó trở đi, tôi luôn nắm chặt tay thân chủ để tránh chuyện tương tự lặp lại", Tritico nói. Đôi khi, chính luật sư là người cần giúp đỡ vì cảm xúc khi biết thân chủ bị tuyên tử hình rất mãnh liệt.
8. Đôi khi là "nhà tạo mẫu" cho thân chủ
Nếu thân chủ thích mặc quần bò thủng gối và áo phông nổi bật, luật sư bào chữa thường phải dặn đối phương đổi trang phục. "Làm thế không phải để đánh để lừa người khác. Nếu có người để kiểu đầu moi, tôi sẽ đưa họ đi cắt lại tóc, mua quần âu và áo sơ mi. Bạn cần thể hiện sự tôn trọng trước tòa án", Tritico nói.
9. Một ngày tại phiên tòa hình sự có thể trôi qua rất chậm
Một phiên tòa hình sự không trôi qua nhanh chóng như thường thấy trong phim. "Các buổi xét xử không hề thú vị. Chúng thường kéo dài và rất nhàm chán", Gates nói. Một số phiên tòa có thể kết thúc sau 3-5 ngày, nhưng một số vụ án khác kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng.
10. Thích những vụ án không có cơ hội thắng
Trong những vụ án mà cơ quan công tố muốn truy tố bị cáo đến cùng, luật sư bào chữa có thể không thấy được cơ hội thắng. Đây cũng chính là điều thu hút những luật sư như Lichtman.
"Khi tôi nhận bào chữa cho trùm ma túy Joaquin Guzman, nhiều đồng nghiệp gọi để nói thật điên rồ. Nhưng tôi làm luật sư để làm gì nếu không muốn nhận những vụ án thách thức?", Lichtman nói. Vụ án càng khó, Lichtman càng chuẩn bị kỹ lưỡng.
Quốc Đạt (Theo Mental Floss)
Xem thêm: lmth.2354624-ym-us-taul-ehgn-gnort-tam-ib-01/ten.sserpxenv