Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2020 - Ảnh: ĐÀO MY
Nhiều tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp.
Ông Vũ Bá Phú (cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại)
Bài toán khó đó là bởi sức ép cạnh tranh trong chuỗi sản xuất toàn cầu ngày càng khốc liệt, đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải luôn đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.
Những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam ngày càng phát triển, nhưng yêu cầu của thị trường cũng khắt khe hơn về chất lượng, đòi hỏi các doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa để cung cấp các giá trị độc đáo, khác biệt.
Từ sản phẩm truyền thống ra sân chơi lớn
Đối với những doanh nghiệp như Secoin - vốn là sản phẩm gạch bông truyền thống của Việt Nam từ những năm 1910, sự phát triển theo thời gian luôn đòi hỏi vừa giữ được nét văn hóa, vừa đổi mới với thời cuộc.
Ông Đinh Hồng Kỳ - chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Vật liệu xây dựng Secoin - cho biết lợi thế của sản phẩm gạch bông Secoin là giá trị nghệ thuật độc đáo được làm nên từ bàn tay của nghệ nhân, gắn với lịch sử, văn hóa qua nhiều thế hệ.
Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ và nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, sự giao thoa văn hóa khiến cho gạch bông Việt Nam đứng trước yêu cầu phải đổi mới, thích nghi mà vẫn giữ được nét riêng vốn có.
Không chỉ đầu tư công nghệ sản xuất, ông Kỳ cho hay Secoin còn hợp tác với các nhà thiết kế nổi tiếng trên thế giới đến từ Mỹ, châu Âu để tạo ra các bộ sưu tập độc quyền. Đặc biệt, Secoin hợp tác cùng Tập đoàn đá quý Swarovski để phát triển dòng gạch handmade Secoin kết hợp đá quý.
Với sự đầu tư bài bản, đến nay các sản phẩm gạch bông Secoin của Việt Nam đều đáp ứng các chuẩn mực kinh doanh toàn cầu như hệ thống quản lý chất lượng, thực hiện vai trò trách nhiệm xã hội, an toàn lao động, chế độ cho người lao động, sản phẩm thân thiện với môi trường...
"Làm sao để những viên gạch do chính người Việt Nam thiết kế và làm ra đến được tay người tiêu dùng dưới chính tên thương hiệu Việt Nam?" - ông Kỳ nhấn mạnh đến những giá trị được kết tinh trong sản phẩm, đó là giá trị kỹ thuật để tạo nên chất lượng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và trang trí, giá trị nghệ thuật, giá trị kinh tế với giá thành cạnh tranh, giá trị môi trường và giá trị xã hội. Nhờ vậy, đến nay sản phẩm Secoin có mặt ở nhiều thị trường như Nga, Na Uy, Mauritius, Nam Phi, Malaysia, Lebanon, Nhật Bản, Pháp...
Nhìn trong mối quan hệ giữa thương hiệu quốc gia với truyền thông thương hiệu doanh nghiệp khi năm 2020 giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã được định giá 319 tỉ USD, tăng 29% so với năm 2019, ông Nguyễn Thanh Sơn - chủ tịch MVV Group - đặt vấn đề với những sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam, làm thế nào để doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế mà giá trị thương hiệu quốc gia nói chung và chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam mang lại?
Văn hóa thương hiệu là cốt lõi
Điều này có ý nghĩa quan trọng không những với doanh nghiệp có tuổi đời lâu năm như Secoin, hay những doanh nghiệp đang xây dựng và phát triển thương hiệu để vươn ra sân chơi quốc tế.
Theo ông Sơn, trước hết doanh nghiệp cần phải đánh giá hiện trạng năng lực truyền thông, khả năng tận dụng đòn bẩy Thương hiệu quốc gia trong hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp. Trong đó chú ý đến trụ cột như vị thế dẫn dắt, tầm nhìn, hình ảnh lãnh đạo, trách nhiệm xã hội, quan hệ báo chí và truyền thông nội bộ khi gắn với ba tiêu chí "Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong" của chương trình.
Để khai thác hiệu quả những giá trị mà chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam mang lại, ông Vũ Bá Phú - cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) - cho hay trong quá trình hội nhập Chính phủ rất quan tâm đến vai trò của thương hiệu.
Thực tế, sau gần 18 năm triển khai chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, những thương hiệu sản phẩm có chất lượng không chỉ được tôn vinh, mà nhận thức và hành động để xây dựng và phát triển thương hiệu còn được nâng cao hơn.
"Với sự hỗ trợ của chương trình, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp" - ông Phú nói.
Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh: để nâng cao hiệu quả hơn nữa, chương trình sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức, kiến thức về xây dựng, quản trị thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm góp phần giúp sản phẩm Việt Nam nói chung và sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam nói riêng có vị thế tốt hơn trên sân chơi toàn cầu.
Còn theo ông Lê Quang Vũ - giám đốc Công ty Blue C, văn hóa doanh nghiệp của một Thương hiệu quốc gia phải thể hiện được tầm nhìn đại diện cho Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp cần phải xây dựng môi trường làm việc mà ở đó khuyến khích, đề cao và hành động để xây dựng các giá trị của Thương hiệu quốc gia Việt Nam: "Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong".
TTO - Ngành nhượng quyền ở nhiều nước có đóng góp đáng kể vào GDP, ảnh hưởng quan trọng đối với nền kinh tế. Rất nhiều nơi xem đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp 'xuất khẩu' thương hiệu là một trong những cách để tăng giá trị thương hiệu quốc gia.
Xem thêm: mth.82331249091401202-man-teiv-aig-couq-ueih-gnouht-iv-hnid/nv.ertiout