Tác phẩm 'Chân dung Madam Phương' của họa sĩ Mai Trung Thứ vừa được gõ búa với mức giá 3,1 triệu USD, phá kỷ lục cách đây hai năm của danh họa Lê Phổ. Đây là tác phẩm có giá công khai cao nhất của nền mỹ thuật Việt Nam.
Bức tranh xuất hiện trong phiên đấu giá mang tên Beyond Legends: Modern Art Evening Sale của Sotheby’s Hong Kong diễn ra lúc 17h30 ngày 18/4.
Ngay từ khi được nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong ước tính tác phẩm sẽ đạt mức giá từ 900.000 - 1,2 triệu USD, giới nghệ thuật Việt Nam đã rúng động bởi đây là bức tranh Việt có mức giá ước chừng cao nhất từ trước đến nay. Tín hiệu này cho thấy giá sẽ được đẩy lên rất cao, nếu tính thêm cả thuế phí thì bức tranh sẽ nhận về mức giá kỷ lục.
Kết quả cuối cùng trong phiên đấu giá ngày 18/4 đã chứng thực nhận định trên: Tại mốc đấu giá 2,573 triệu USD, người điều khiển đã gõ xuống chiếc búa chung cuộc. Sau khi tính thuế phí, mức giá cuối cùng cho bức tranh là 3,1 triệu USD.
Theo kinh nghiệm của nhà nghiên cứu Phạm Long, Chân dung Madam Phương có thể do một nhà sưu tập Việt Nam mua. "Đây là một tác phẩm đẹp và hiếm hoi trong thời kỳ đầu của Mai Trung Thứ. Bức tranh có giá trị sưu tập hơn là giá trị đầu cơ. Vậy nên giới sưu tầm trong nước sẽ có hứng thú với tác phẩm này. Tôi hi vọng một ngày không xa, bức tranh sẽ được trưng bày tại Việt Nam".
Họa sĩ Mai Trung Thứ (1906 - 1980) hay Mai Thứ, là một trong những họa sĩ tốt nghiệp khóa đầu tiên (1925 - 1930) của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Hầu hết cuộc đời ông sống ở Pháp. Ông được xếp vào nhóm "Việt Nam tứ kiệt" ở châu Âu cùng 3 danh họa Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm.
Họa sĩ Mai Trung Thứ là người có nhiều đóng góp quan trọng trong việc hình thành nên những bản hòa sắc phong phú cho tranh lụa Việt Nam. Đề tài của ông thường xoay quanh phụ nữ, trẻ em và cuộc sống thường ngày.
Chân dung Madam Phương trưng bày lần đầu tại Trường cao d8ẳng Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1930. Sau đó, tác phẩm được tuyển chọn để tham dự Triển lãm quốc tế thuộc địa năm 1931 ở Paris.
Từ đó đến nay, tác phẩm Chân dung Madam Phương thuộc sở hữu của bà Đỗ Thị Lan (hay còn được biết đến với cái tên Madam Dothi Dumonteil). Bà cùng với chồng mình Pierre Dumonteil - một nhà sưu tập nghệ thuật có tiếng - đã sở hữu nhiều tác phẩm của các danh họa Việt Nam.
Bức tranh vẽ Madam Phương nằm trong bộ sưu tập Les Souvenirs d’Indochine: The Madame Dothi Dumonteil Collection (tạm dịch: Ký ức Đông Dương: bộ sưu tập của Madam Dothi Dumonteil). Tác phẩm này từng xuất hiện trong nhiều phân cảnh của bộ phim Mùi đu đủ xanh (1993) của đạo diễn Trần Anh Hùng. Hiện tác phẩm vẫn đang ở trong tình trạng tốt. (Theo Tuổi trẻ)
Trong hơn một tháng qua, kể từ khi Sotheby’s thông báo tác phẩm 'Portrait of Mademoiselle Phuong' của hoạ sĩ Mai Trung Thứ sẽ có mặt tại sự kiện Modern Art Evening Sale 18/4 (Hồng Kông), những người yêu thích nghệ thuật Đông Dương đầu thế kỷ XX mới biết đến một bộ sưu tập tranh Việt quý giá thuộc sở hữu của nhà Dumonteil.
Madam Dothi là ai?
Madam Dothi Dumonteil (Đỗ Thị Lan), sinh ra vào đầu thập niên 50 trong một gia đình truyền thống ở Huế. Sau khi mất người thân trong cuộc chiến hỗn loạn tại quê nhà vào khoảng những năm 1960, Madam Dothi được đưa đến Pháp vào năm 12 tuổi và nhận được nền giáo dục rất tốt tại Collège de Chavanne d’Empaillé ở thành phố Angoulême (Pháp).
Trước khi kết hôn, Madam Dothi là một người mẫu thời trang cao cấp, được trình diễn trên sàn catwalk của các nhà Couture danh tiếng lúc bấy giờ như Chanel, Pierre Cardin, Dior và là một trong những nàng thơ của nhà thiết kế Yves Saint Laurent.
Đến khoảng thập niên 80, cùng với chồng của mình – Pierre Dumonteil, Madam Dothi đã sáng lập và tạo dựng nên danh tiếng của Galerie Dumonteil ở 3 "kinh đô nghệ thuật" chủ chốt của thế giới, lần lượt ở Paris, Thượng Hải và New York.
Chồng của Madam Dothi, Pierre Dumonteil là một chuyên gia nghệ thuật, nhà sưu tầm và nhà đấu giá. Ông đã thực hiện các nghiên cứu lịch sử nghệ thuật tại École du Louvre (Học viện nghệ thuật thuộc Bảo Tàng Louvre), đồng thời lấy bằng thạc sĩ Luật tại đại học Paris. Tất cả để chuẩn bị cho việc trở thành một đấu giá viên. Ông bắt đầu công việc tại nhà đấu giá Hôtel Drouot (Paris) khi chỉ mới 19 tuổi, và cũng ở thời điểm đó, khởi đầu cho bộ sưu tập nghệ thuật của nhà Dumonteil.
Sau một thời gian làm việc tại nhà đấu giá, Pierre Dumonteil tiếp tục dành thời gian học hỏi tại một công ty luật với tư cách là cố vấn pháp lý về nghệ thuật. Trong vài năm tiếp theo, chàng trai trẻ này nhanh chóng lấy được chứng chỉ Thẩm Định Viên về điêu khắc và tranh sơn dầu quốc gia Pháp thế kỷ XX và XXI. Và không lâu sau đó, Pierre Dumonteil kết hôn với Dothi, bắt đầu mở ra cơ nghiệp kinh doanh phòng tranh của gia đình mình.
Sự ra đời của Galerie Dumonteil
Galerie Dumonteil được thành lập vào năm 1982 (tại Rue de l’Université, Paris), tập trung vào nghệ thuật Hiện Đại và Đương Đại của Pháp trong thời kỳ chiến tranh với chuyên môn về điêu khắc tượng hình. Nổi tiếng quốc tế qua việc tập trung trưng bày các tác phẩm Art Decor chủ đề thiên nhiên và động vật, nhưng ngay từ đầu, Galerie Dumonteil cũng có định hướng bảo tồn tinh thần của các giai đoạn nghệ thuật diễn ra giữa những cuộc thế chiến.
Kể từ đầu những năm 1990, Galerie Dumonteil bắt đầu giới thiệu tác phẩm của các nghệ sĩ Đương Đại, đặc biệt là những người sáng tác dựa trên chủ đề động vật và thiên nhiên, chẳng hạn như Daniel Daviau (b.1962, Sarlat, Pháp) và Eric Pillot (b.1968, Paris, Pháp).
Ngay khi bắt đầu bùng nổ thị trường nghệ thuật Đương Đại Trung Quốc, khoảng năm 2008, Galerie Dumonteil mở rộng phạm vi hoạt động của mình sang nền nghệ thuật Châu Á, thành lập một không gian trưng bày tại quận Từ Hối của Thượng Hải. Tại đây, Galerie Dumonteil đã giới thiệu các nghệ sĩ Đương Đại và Hiện Đại của Châu Âu đến công chúng Châu Á, đồng thời thúc đẩy sự tham gia của các nghệ sĩ Châu Á để tiếp cận giới thưởng lãm nghệ thuật quốc tế.
Chi nhánh thứ 3 của Galerie Dumonteil đặt tại Manhattan (New York), đưa tên tuổi của cặp đôi gallerist nhà Dumonteil trải rộng cả 3 thị trường nghệ thuật lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, không giới hạn phạm vi đối với nghệ thuật Châu Âu và Châu Mỹ, phòng trưng bày Galerie Dumonteil còn đại diện cho các nghệ sĩ đã thành danh và mới nổi của Việt Nam lẫn Trung Quốc, chẳng hạn như Wang Keping, Weng Jijun và Yu Nisky.
Sự ra đi của Madam Dothi Dumonteil
Cách đây 8 năm, Madam Dothi Dumonteil đã qua đời ở tuổi lục tuần, khép lại một cuộc đời rực rỡ được vây quanh bởi ánh sáng nghệ thuật. Sự rời đi của Madam Dothi Dumonteil được tờ Le Figaro [*1] chính thức đưa ra trong một bài báo ngày 18 tháng 7 năm 2013, và AMA (Art Media Agency) cũng thông báo tin này trong một tài liệu độc quyền gửi đến các khách hàng của mình (#112, 25/7/2021).
Trong suốt thời gian gắn bó với nghệ thuật của mình, bên cạnh chuỗi công việc bận rộn tại các phòng trưng bày đặt ở 3 thị trường nghệ thuật quan trọng của thế giới, Madam Dothi từng hợp tác với nhiếp ảnh gia Marc Carol Lavrillier trong dự án hiện thực hóa các danh mục cho công ty nội thất Roche & Bobois với tác phẩm mang tính biểu tượng của 50 nhà thiết kế. Một năm trước khi qua đời, tại Galerie Dumonteil Paris, Madam Dumonteil đã nhận được "Huân chương Chevalier des Arts et des Lettres" từ thị trưởng Christophe Girard.
Sự tái xuất của Madam Phương
Bức chân dung của Madam Phương đã được triển lãm lần đầu tiên tại trường Mỹ Thuật Đông Dương vào năm 1930, trước khi sang Paris tham dự Triển Lãm Quốc Tế Thuộc Địa năm 1931.
Tác phẩm cũng xuất hiện trong các phân cảnh của phim "Mùi Đu Đủ Xanh" năm 1993 (đạo diễn Trần Anh Hùng), như một biểu tượng văn hóa trong tác phẩm điện ảnh đại chúng nổi tiếng của Việt Nam.
Giờ đây, sau 90 năm, Portrait of Mademoiselle Phuong vốn từng là hồi ức Việt Nam và chứa đựng tình cảm sâu sắc của Madam Dothi đối với quê hương đất nước, đã công khai tái xuất tại phiên đấu giá của Sotheby’s ở Hồng Kông vào ngày 18/4.
Xu
Nhà đầu tư