Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh đến tác phong của các đại biểu, ứng cử viên đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp khi tiếp xúc với cử tri, nhân dân - Ảnh: HÀ THANH
Sáng nay 19-4, tại Hà Nội khai mạc hội thảo khu vực phía Bắc "Nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và việc thúc đẩy bình đẳng giới".
Chương trình do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với nhóm Nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam và Ban công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, diễn ra trong hai ngày 19-4 và 20-4.
Tại hội thảo trình bày một số thông tin, kỹ năng cơ bản dành cho nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND, thực hành một số kỹ năng cơ bản dành cho nữ ứng cử viên đại biểu như kỹ năng tiếp xúc với báo chí, công chúng và cử tri và phiên toàn thể về chương trình hành động.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Trần Thanh Mẫn, phó chủ tịch thường trực Quốc hội, nhấn mạnh vai trò nòng cốt của nữ đại biểu Quốc hội trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật và ngày càng có nhiều đóng góp tích cực trong hoạt động ngoại giao, nghị viện.
Khai mạc hội thảo khu vực phía Bắc "Nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và việc thúc đẩy bình đẳng giới" sáng nay 19-4 - Ảnh: HÀ THANH
Ông cho biết trước khi hiệp thương lần 3, theo số liệu tổng hợp của Hội đồng bầu cử quốc gia, có 888 người do địa phương giới thiệu, trong đó tỉ lệ ứng cử đại biểu Quốc hội cơ cấu nữ đạt 48,65%, HĐND cấp tỉnh là 41,76%, cấp huyện là 42,36% và cấp xã là 39,05%.
Ông mong muốn tỉ lệ nữ trúng cử đạt yêu cầu của nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tại hội nghị, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội chia sẻ thêm về tác phong khi tiếp xúc với cử tri và nhắc đến bốn từ "hiền hòa bình dị" trong mỗi đại biểu để làm sao gần gũi nhân dân.
"Ví dụ ngày thường đi lễ đi hội đi đô thị, siêu thị mình mặc đồ như thế nào, nhưng đi xuống dân thì phải mặc đồ như thế nào cho phù hợp với phong cảnh đồng quê, của người dân", ông Trần Thanh Mẫn nói.
Ông cũng chia sẻ thêm đã từng có phản ảnh về đại biểu che dù, che lọng, về cách ăn mặc nên phải hết sức chú ý. Hay như xuống địa phương nhiều khi phải ăn cơm với địa phương thì "có gì ăn nấy", tiếp xúc cử tri thấy người dân ngồi dưới nóng nực không có nước uống thì cũng phải tế nhị.
Cùng với đó, trình bày chương trình hành động sao cho ngắn gọn, "đúng tầm của mình", có cả "nếu trúng cử đại biểu hoặc không trúng cử" vẫn làm tốt nhiệm vụ, chức trách của mình với Đảng, với nhân dân.
Tại hội thảo trình bày một số thông tin, kỹ năng cơ bản dành cho nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND - Ảnh: HÀ THANH
Bà Nguyễn Thúy Anh, chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, phó chủ tịch thường trực nhóm Nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam, cho biết còn khoảng một tháng nữa là đến cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, tỉ lệ nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp phải đảm bảo tối thiểu 35%.
Để đạt được tỉ lệ tối thiểu này và cao hơn nhiệm kỳ trước là thách thức lớn, do đó bà cho rằng phải có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, mạnh mẽ, quyết tâm chính trị cao và quan trọng là sự nỗ lực, cố gắng của chính nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.
"Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị là nội dung quan trọng, then chốt không chỉ đem lại bình đẳng cho cả nam và nữ trong lĩnh vực này mà còn tạo cơ hội cho phụ nữ nói lên tiếng nói đại diện cho giới mình, phát huy kinh nghiệm, quan điểm của mình trong quyết định chính sách", bà Thúy Anh nhấn mạnh.
TTO - Sáng 17-4, tại hội nghị hiệp thương lần thứ 3, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã thông qua danh sách 159 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2021-2026.
Xem thêm: mth.14322859091401202-nad-pag-ihk-id-hnib-aoh-neih-nac-ioh-couq-ueib-iad/nv.ertiout