Công ty TNHH MTV Muối Việt Nam (Visalco) vừa tổ chức phiên IPO (chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng) tại sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với kết quả bất ngờ: Dù giá khởi điểm khá cao 21.300 đồng/cổ phần nhưng số cổ phần nhà đầu tư đặt mua vẫn gấp 3 lần số cổ phần mang ra chào bán.
Theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt, sau cổ phần hóa Visalco có vốn điều lệ hơn 63,69 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 65% vốn. Tại phiên IPO, DN chào bán công khai cho nhà đầu tư bên ngoài gần 1,3 triệu cổ phần, tương ứng 29% vốn điều lệ sau cổ phần hóa. Còn lại bán cho người lao động gần 265 nghìn cổ phần.
Đây là doanh nghiệp ngành muối duy nhất đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán vào thời điểm này.
Visalco là doanh nghiệp (DN) 100% vốn Nhà nước, thuộc tổng công ty Lương thực Miền Bắc. Hiện tại, công ty này hoạt động khá bết bát khi doanh thu hàng năm từ hơn 100 tỷ đến gần 200 tỷ nhưng vẫn không đủ bù đắp chi phí.
Báo cáo tài chính năm 2020 của Visalco ghi nhận, tính đến 31/12/2020 Visalco còn lỗ lũy kế 24,7 tỷ đồng. Tổng tài sản tính đến cuối năm 2020 giảm 20 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, còn gần 62 tỷ đồng. Nợ phải trả gần 39 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu còn hơn 23 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu đã chiếm 47,8 tỷ đồng.
Tại kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2021-2023, công ty dự kiến các năm này sẽ thoát lỗ, dù lãi chỉ dự kiến khiêm tốn khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm, doanh thu 100-110 tỷ đồng mỗi năm.
Theo giới phân tích, mặc dù kinh doanh thua lỗ nhưng phiên IPO vẫn đắt hàng vì một lý do quen thuộc đối với các DN Nhà nước khi IPO, đó là nhà đầu tư ít quan tâm đến tình hình kinh doanh của công ty mà "để mắt" đến "đất vàng".
Được biết, hiện Visalco đang quản lý, sử dụng 3 lô đất ở Hà Nội, bao gồm lô đất rộng hơn 389m2 tại phường Hàng Bồ (quận Hoàn Kiếm); lô đất rộng 91m2 tại số 77 Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng) và lô đất hơn 3.341m2 tại phường Bồ Đề (quận Long Biên).
Tại Thái Nguyên, DN có lô đất rộng 2.538m3. Tại Hòa Bình là lô đất 653m2. Tại Nghệ An, công ty quan lý loạt lô đất với tổng diện tích hơn 1,566 triệu m2, phần lớn là cánh đồng sản xuất muối, kho chứa muối, kho trung chuyển. Trong khi đó, diện tích các cánh đồng muối khai thác thực tế còn lớn hơn cả diện tích được trình bày.
Từng có một DN ngành muối niêm yết cổ phiếu
Muối Khánh Hòa từng là DN ngành muối duy nhất giao dịch trên sàn chứng khoán sau khi đưa gần 3,74 triệu cổ phiếu KSC lên giao dịch trên Upcom từ cuối tháng 5/2010. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm, cổ đông Nhà nước là SCIC lúc đó sở hữu 33% vốn điều lệ đã quyết định thoái vốn. Có 70 nhà đầu tư mua hết 1,24 triệu cổ phiếu này từ SCIC.
Thời điểm đó giá cổ phiếu KSC trên thị trường chỉ 4.500 đồng/cổ phiếu mặc dù DN này kinh doanh ổn định với doanh thu hàng chục tỷ mỗi năm.
Cổ phiếu KSC vẫn tồn tại trên thị trường nhiều năm sau đó nhưng nhà đầu tư hầu như không đưa cổ phiếu ra giao dịch. Một số giao dịch khác phần lớn là thỏa thuận giữa các cá nhân. Giá cổ phiếu KSC chủ yếu được điều chỉnh qua các lần trả cổ tức. Và đến những năm sau này, thậm chí thị giá còn thấp hơn cả số tiền trả cổ tức khiến cho Sở GDCK Hà Nội áp dụng cơ chế riêng, không điều chỉnh thị giá ngày trả cổ tức.
Minh Minh