Sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong hai năm qua đã góp phần làm giảm bớt áp lực cho hệ thống ngân hàng trong việc cung ứng vốn dài hạn cho nền kinh tế. Qua đó, giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và cải thiện khả năng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, nếu không liên tục củng cố và hoàn thiện hệ thống chính sách quản lý vận hành tương xứng với quy mô phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì sự phát triển nhanh của thị trường này có thể tạo ra những rủi ro tiềm ẩn lớn cho cả hệ thống tài chính. Xung quanh câu chuyện này, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam.
Thưa ông, tính riêng năm 2020, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt mức kỷ lục 429,5 nghìn tỷ VND, tăng 28,3% so với năm 2019, không ít ý kiến khuyến cáo thị trường đang nóng và tiềm ẩn rủi ro lớn, quan điểm của ông như thế nào?
Hai năm trở lại đây, sự phát triển đột phá của thị trường trái phiếu doanh nghiệp về mặt quy mô đã gây ra sự chú ý lớn đối với xã hội nói chung, cả với các cơ quan quản lý và với nhà đầu tư. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, hai năm liên tiếp 2019-2020, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công vượt tổng giá trị trái phiếu Chính phủ phát hành trên thị trường. Đây là một bước ngoặt lịch sử của thị trường trái phiếu.
Tuy nhiên, điều này cũng làm nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu thị trường trái phiếu doanh nghiệp có đang phát triển an toàn, bền vững, hay đang tiềm ẩn những rủi ro cho nhà đầu tư nói riêng và cho cả thị trường tài chính và nền kinh tế nói chung ?
Có 2 phương thức phát hành trái phiếu cơ bản là phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng. Khi chọn phương thức phát hành riêng lẻ, theo thông lệ quốc tế, tổ chức phát hành thường chỉ được phép tiếp cận để chào bán trái phiếu cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có hiểu biết và năng lực tự đánh giá rủi ro của trái phiếu. Trong khi đó, nếu chọn phương thức phát hành ra công chúng, thì tổ chức phát hành có thể chào bán trái phiếu tới mọi đối tượng nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư không chuyên nghiệp, là đối tượng ít hiểu biết và không có nhiều khả năng tự đánh giá rủi ro của trái phiếu.
Vì vậy, để bảo vệ nhà đầu tư và tạo sự phát triển lành mạnh, bền vững cho thị trường, chính sách về điều kiện, chuẩn mực phát hành, thủ tục phát hành, nghĩa vụ công bố thông tin minh bạch, niêm yết trái phiếu... đối với các doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu ra công chúng sẽ được quy định rất chặt chẽ. Đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo hình thức riêng lẻ cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp, các quy định này thường sẽ được kiểm soát lỏng và thoáng hơn.
Trong thời gian vài năm gần đây, ở Việt Nam, bên cạnh các chính sách lỏng hơn về điều kiện, thủ tục phát hành…, chúng ta còn cho phép các trái phiếu doanh nghiệp chọn phương thức phát hành trái phiếu riêng lẻ được chào bán ra công chúng cho cả các nhà đầu tư không chuyên nghiệp trên thị trường thứ cấp sau một năm kể từ ngày phát hành. Cùng với đó, một mặt Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng và tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của ngân hàng thương mại chặt chẽ hơn.
Mặt khác, lãi suất tiền gửi ngân hàng có xu hướng giảm nhanh đã thúc đẩy nhu cầu của các nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư không chuyên nghiệp nói riêng tìm kiếm các cơ hội để đa dạng hoá kênh đầu tư có lãi suất cao hơn. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam đã đẩy mạnh phát hành trái phiếu theo phương thức phát hành riêng lẻ để huy động vốn.
Thêm vào đó, một số ngân hàng thương mại đã cung cấp dịch vụ trở thành kênh bán buôn, bán lẻ trái phiếu doanh nghiệp và một số công ty chứng khoán đã mạnh dạn cung cấp dịch vụ tạo lập thị trường đảm bảo thanh khoản cho các trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường thứ cấp tạo thuận lợi rất lớn cho các nhà đầu tư trái phiếu nên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tăng nóng trong hai năm qua.
Câu hỏi đặt ra là, hàng nghìn nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp đã đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp được phát hành theo phương thức riêng lẻ hiện nay có thực sự hiểu về các rủi ro tiềm ẩn đối với khoản đầu tư vào các trái phiếu này của họ hay không? Với lượng vốn của xã hội đổ vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành theo phương thức riêng lẻ lớn như hiện nay, liệu chúng ta nên lái dòng vốn của xã hội vào các sản phẩm đầu tư chuẩn mực và an toàn như thế nào?
Ông đánh giá thế nào về khung khổ pháp lý đối với hoạt động của thị trường trái phiếu hiện nay?
Thời gian qua, những thay đổi pháp lý quan trọng đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm Nghị định số 81/2020/NĐ-CP ngày 9/7/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 04/12/2018 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2020.
Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế và Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán sửa đổi năm 2019 sẽ có những tác động lớn đến sự phát triển của thị trường này, cũng như ảnh hưởng đến các lựa chọn chiến lược về kênh huy động vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp.
Nếu muốn được tiếp cận, huy động vốn một cách dễ dàng thuận lợi hơn từ công chúng, bao gồm cả nhà đầu tư chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp thì doanh nghiệp bắt buộc phải lựa chọn phương thức phát hành trái phiếu ra công chúng và phải đáp ứng cũng như tuân thủ các tiêu chuẩn về điều kiện phát hành, công bố thông tin, quản trị doanh nghiệp, niêm yết trái phiếu minh bạch, chặt chẽ hơn. Còn nếu doanh nghiệp lựa chọn phương thức phát hành trái phiếu riêng lẻ với các tiêu chuẩn về điều kiện phát hành, công bố thông tin thấp hơn, thì chỉ được chào bán trái phiếu tới đối tượng là các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Khung khổ pháp lý đã có, vậy làm thế nào để đẩy nhanh tiến trình đưa chính sách vào cuộc sống, thưa ông?
Mục tiêu chuyển dần hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam từ lượng sang chất của các văn bản pháp luật mới hiện nay theo tôi là đang đi đúng hướng. Chúng ta cần một mặt đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức của tất cả các thành phần tham gia thị trường gồm doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức trung gian tài chính, cơ quan quản lý...
Mặt khác, phải nhanh chóng hoàn thiện nâng cao năng lực của hệ thống cơ sở hạ tầng quản lý, phục vụ thị trường như cấp phép phát hành, hệ thống giao dịch - thanh toán thứ cấp, xếp hạng tín nhiệm, trung tâm thông tin và định giá trái phiếu độc lập, hệ thống thanh tra - kiểm tra - giám sát...để đưa các qui định mới vào áp dụng thực chất trong các hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường.
Khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động bền vững, viễn cảnh về bức tranh thị trường tài chính sẽ như thế nào, thưa ông?
Về logic thì khi đó thị trường tài chính Việt Nam sẽ phát triển lành mạnh, bền vững và thực hiện hiệu quả hơn chức năng dẫn vốn góp cho kinh tế và xã hội phát triển hiệu quả hơn.
Nhìn tổng thể, tái cấu trúc thị trường tài chính sẽ có ba trụ cột chính là thị trường tín dụng ngân hàng, thị trường cổ phiếu và trái phiếu. Nếu một thị trường tài chính có cấu trúc "kiềng ba chân" vững vàng, có đủ các kênh dẫn vốn ngắn hạn, dài hạn, cả vốn nợ và vốn chủ sở hữu đầy đủ, thì sẽ phát huy hiệu quả và thực hiện đúng chức năng của thị trường tài chính.
Tuy nhiên, ngân hàng chỉ huy động ngắn hạn, nhưng lại cho vay dài hạn, dẫn đến một thời gian dài, hệ thống ngân hàng Việt Nam rơi vào tình trạng lúc nào cũng căng thẳng về thanh khoản. Tỷ lệ cho vay trung và dài hạn ở các ngân hàng thương mại Việt trong một giai đoạn dài, rất cao, dẫn đến tình trạng hệ thống ngân hàng thương mại ọp ẹp, yếu đuối, dễ chịu những biến động, khủng hoảng.
Nền kinh tế Việt Nam trong một thời gian dài khi nhắc đến thị trường tài chính chỉ nói đến một hệ thống các ngân hàng thương mại, chứ không đầy đủ các thành phần, cấu phần của thị trường tài chính đầy đủ, bao gồm thị trường vốn nói chung, thị trường cổ phiếu, trái phiếu. Ngân hàng thương mại phải "gánh" luôn ba chức năng, vừa cung cấp vốn ngắn hạn, vừa cung cấp vốn dài hạn, vừa vốn chủ, vừa vốn nợ, thậm chí là "tay không bắt giặc".
Ngoài ra, thời kỳ thị trường vốn chưa phát triển, chuẩn mực hệ thống ngân hàng thấp, năng lực quản trị của đội ngũ yếu kém, hệ thống cơ sở vận hành thị trường yếu kém, dẫn đến nợ xấu ngân hàng tăng mạnh. Những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả lại không tiếp cận được vốn hiệu quả. Những bài học về việc bơm vốn cho các doanh nghiệp không hiệu quả như Vinashin, Vinalines..., đã dẫn đến phình trương nợ xấu. Những "ung nhọt" này của nền kinh tế không dễ dàng cắt gọt đi được, không những lãng phí nguồn lực, mà còn gây cản trở đến sự phát triển chung của nền kinh tế và xã hội.
"Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2020 đạt kỷ lục ở mức 429,5 nghìn tỷ VND, tăng 28,3% so với năm 2019. Với kênh tín dụng ngân hàng chỉ tăng trưởng ở mức 12,1% trong năm 2020, nguồn vốn huy động của doanh nghiệp qua kênh trái phiếu doanh nghiệp đã đóng góp lớn cho việc khai thông nguồn vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Quy mô phát hành mới này đã giúp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt quy mô 950,3 nghìn tỷ VND trong tổng số hơn 1,2 triệu tỷ đồng đã phát hành năm năm qua, tương đương 15,1% GDP và 10,3% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng".
Nguồn: Báo cáo "Triển vọng Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam 2021" của Công ty cổ phần FiinGroup.
Xem thêm: mth.26340114191401202-gnoul-gnud-id-peihgn-hnaod-ueihp-iart-nov-nad/nv.ymonocenv