Trung Quốc đứng ở vị trí thứ ba sau Bahamas và Campuchia trong một xếp hạng về độ chín muồi của dự án phát hành tiền kỹ thuật số bán lẻ do ngân hàng trung ương thực hiện.
Theo hãng tin Bloomberg, báo cáo từ công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) cho biết hiện có hơn 60 ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang cân nhắc phát hành tiền kỹ thuật số. Trong đó, các dự án tiền kỹ thuật số bán lẻ - dùng trong các hoạt động thanh toán của người dân - đang chiếm ưu thế tại các nền kinh tế mới nổi. Ngược lại, các dự án tiền kỹ thuật số bán buôn – dùng trong thanh toán liên ngân hàng – có xu hướng trội hơn tại các nền kinh tế phát triển.
Báo cáo trên nói rằng Bahamas và Campuchia đang là hai nước có điểm số cao nhất ở mảng tiền kỹ thuật số bán lẻ, vì dự án tiền số của các nước này đã chính thức "lên sóng", trong khi dự án của Trung Quốc mới đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Cũng theo báo cáo, đến nay mới chỉ có 23% số dự án tiền kỹ thuật số bán lẻ do ngân hàng trung ương triển khai đạt tới giai đoạn thực thi, và có tới gần 70% dự án tiền kỹ thuật số bán buôn đang chạy thử nghiệm.
"Tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành sẽ đóng góp quan trọng vào việc hiện đại hóa hệ thống tiền tệ quốc tế, đồng thời định hình lại cấu trúc thanh toán và tài chính toàn cầu", báo cáo viết. "Những đồng tiền kỹ thuật số này sẽ tạo ra nhiều cơ hội để đẩy mạnh kỹ thuật số hóa tại các doanh nghiệp và định chế tài chính, trong quá trình tích hợp những đồng tiền kỹ thuật số đó vào hạ tầng thanh toán và tài chính".
Các ngân hàng trung ương bắt đầu đẩy mạnh nỗ lực phát hành tiền kỹ thuật số khi chứng kiến Bitcoin ngày càng trở nên phổ biến và sau khi Facebook công bố dự án tiền ảo có tên Libra, hiện đã đổi tên là Diem.
Đến nay mới chỉ có 23% số dự án tiền kỹ thuật số bán lẻ do ngân hàng trung ương triển khai đạt tới giai đoạn thực thi, và có tới gần 70% dự án tiền kỹ thuật số bán buôn đang chạy thử nghiệm.
Trung Quốc hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số, còn các quốc gia khác cũng đang triển khai dự án của riêng mình. Những nền kinh tế như Thụy Điển và Liên minh châu Âu (EU) đang bắt đầu có những bước dẫn trước. Dù vậy, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát tín hiệu sẽ không vội phát hành một đồng USD kỹ thuật số.
Mục tiêu của Trung Quốc khi phát hành đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số là để sử dụng nội địa và việc nước này đẩy mạnh quốc tế hóa Nhân dân tệ không nhằm thay thế đồng USD – một quan chức cấp cao của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tuyên bố hôm 18/4.
Đồng tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Campuchia được phát hành vào tháng 10 năm ngoái, có tên là Bakong – một sản phẩm từ sự hợp tác với công ty công nghệ tài chính Nhật Bản Soramitsu. Campuchia đã triển khai một ứng dụng trên điện thoại di động, cũng có tên là Bakong, để thực hiện các giao dịch bằng đồng tiền kỹ thuật số này, với đầu vào là đồng Riel của Campuchia hay đồng USD. Chính phủ Campuchia hy vọng tiền số Bakong sẽ làm gia tăng sự bao trùm tài chính, đặc biệt là đối với những người dân chưa có tài khoản ngân hàng vốn chiếm đa số ở nước này.
Về các dự án tiền ảo bán buôn, Thái Lan và Hồng Kông đang là hai nền kinh tế đi đầu, theo xếp hạng của PwC, tiếp theo là Singapore, Canada và Anh.
Báo cáo này cũng nói rằng hơn 88% dự án tiền kỹ thuật số quốc gia đang trong giai đoạn thử nghiệm hoặc thực thi trên toàn cầu sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain), công nghệ hậu thuẫn đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới Bitcoin. Theo báo cáo, các dự án này không nhất thiết phải dùng blockchain, nhưng đây là công nghệ giúp đảm bảo an toàn trong quá trình chuyển tiền, minh bạch trong kiểm toán, và gia tăng độ tương thích với các tài sản kỹ thuật số khác.
"Công chúng sẽ là một trong những đối tượng hưởng lợi lớn nhất của các dự án tiền số do ngân hàng trung ương phát hành, bởi những đồng tiền kỹ thuật số này sẽ cho phép họ lần đầu tiên tiếp cận với dạng số hóa của tiền tệ ngân hàng trung ương", trưởng bộ phận tiền ảo toàn cầu tại PwC, ông Henri Arslanian, phát biểu. "Và đó là một cột mốc lớn trong sự tiến hóa tiền tệ".
Xem thêm: nhc.26720845191401202-os-tauht-yk-neit-hnah-tahp-hcir-cur-gnou-gnurt-gnah-nagn-06-noh/nv.fefac