Hạn mặn ở ĐBSCL được... ‘đẩy lùi’ nhờ mưa trên diện rộng
Trung Chánh
(KTSG Online) – Mưa xuất hiện trên diện rộng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong những ngày qua là một trong những yếu tố quan trọng giúp kéo giảm tình hình hạn, mặn ở khu vực này.
Hai yếu tố thượng nguồn tác động đến xâm nhập mặn ở ĐBSCL đang diễn biến ra sao?
Mưa xuất hiện trên diện rộng giúp đẩy lùi tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL. Ảnh minh họa: Trung Chánh |
Báo cáo của Viện khoa học thuỷ lợi miền Nam cho thấy, trong tuần từ ngày 8-4 đến 14-4-2021, mưa đã xuất hiện trên khắp ĐBSCL, trong đó, tập trung ở vùng ven biển Tây với luỹ tích lượng mưa từ 40-60 mm.
Theo dự báo của Viện khoa học thuỷ miền Nam, trong tuần từ ngày 15 đến 21-4, mưa sẽ tiếp tục xuất hiện trên khắp ĐBSCL với luỹ tích lượng mưa từ 40-60 mm, trong đó, mưa tập trung lớn nhất ở vùng Tứ Giác Long Xuyên với luỹ tích lượng mưa khoảng 60-80 mm.
Thực tế, ghi nhận của KTSG Online cho thấy, hai ngày qua (18 và 19-4) mưa lớn đã xuất hiện ở nhiều địa phương ĐBSCL như: Tiền Giang, Long An, Bến Tre, TP Cần Thơ, Vĩnh Long…
Ngoài mưa, hai yếu tố ảnh hưởng đến xâm nhập mặn ở ĐBSCL, đó là lượng trữ nước trong Biển Hồ (Tonle Sap) và dòng chảy đến trạm Kratie (đầu châu thổ sông Mekong).
Theo đó, báo cáo của Viện khoa học thuỷ lợi miền Nam cho thấy, tuần qua, dòng chảy thượng nguồn sông Mekong có xu hướng tăng nhẹ, dòng chảy đầu nguồn sông Cửu Long cũng tăng nhẹ theo triều.
Tại trạm Kratie, trong tuần mực nước tăng nhẹ 0,16 mét so với tuần trước đó. Mực nước ghi nhận lúc 7 giờ ngày 15-4 tại trạm Kratie là 7,55 mét, cao hơn 1,27 mét vo với trung bình nhiều năm, cao hơn 0,43 mét so với năm 2020 và cao hơn 0,19 mét so với năm 2016.
Tại hồ Tonle Sap, dung tích đạt 1,68 tỉ m3, thấp hơn 0,23 tỉ m3 so với trung bình nhiều năm, cao hơn 0,08 tỉ m3 so với 2020 và cao hơn 0,27 tỉ m3 so với 2016.
Chính những yếu tố trên đã góp phần "đẩy lùi" mặn ở các cửa sông ĐBSCL, mà cụ thể, xâm nhập mặn ở sông Vàm Cỏ Đông trong tuần từ ngày 8 đến 14-4 là 65 km, giảm 10 km so với tuần trước đó (từ 1 đến 7-4); sông Vàm Cỏ Tây là 81 km, giảm 7 km; trên sông Cái Lớn cũng giảm 2km. Tại các cửa sông chính trên sông Cửu Long tuy chưa giảm, nhưng tình hình hạn, mặn đã không còn phức tạp.
Báo cáo của Viện khoa học thuỷ lợi miền Nam cho thấy, xâm nhập mặn trên tất cả các cửa sông ở ĐBSCL hiện đều thấp hơn cùng thời điểm này của mùa khô năm 2016 và 2020, từ 1 đến 54 km, tuỳ khu vực cửa sông và năm.
Xem thêm: lmth.-gnor-neid-nert-aum-ohn-iul-yad-coud-lcsbd-o-nam-nah/155513/nv.semitnogiaseht.www