Ngày 19/4/2021, tại Hà Nội, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) phối hợp với Báo điện tử VTC News tổ chức buổi tọa đàm: "Toàn cảnh ngành bán hàng đa cấp tại Việt Nam".
Theo số liệu thống kê, tính đến hết năm 2020, cả nước có 22 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp hoạt động hợp pháp. Hiện hoạt động này bán trên 7.000 sản phẩm, chủ yếu 80% là thực phẩm chức năng.
Doanh thu từ hoạt động đa cấp đạt hơn 15.400 tỷ đồng năm 2020. Số thuế các doanh nghiệp đã nộp về ngân sách nhà nước đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động.
Tiềm năng là vậy, nhưng theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), ở Việt Nam đa cấp vẫn chưa phải là mô hình kinh doanh phổ biến. Đa số người Việt Nam có cái nhìn không thiện cảm đối với mô hình kinh doanh theo mạng này.
Lý do theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), bên cạnh các doanh nghiệp hoạt động đa cấp chính thống, còn có rất nhiều doanh nghiệp lợi dụng hình thức kinh doanh theo phương thức này để thu hút đầu tư, hoạt động bất hợp pháp. Có thể kể như hoạt động của hệ thống Gold Time Coffee, dự án "OWIFI", My Aladin… hay các mô hình đầu tư tài chính, ngoại hối như Lion Group, Liber Forex...
Các hoạt động đa cấp biến tướng không có giấy chứng nhận kinh doanh bán hàng đa cấp; sử dụng mô hình bán hàng đa cấp để huy động vốn, tiền ảo; không có hàng hóa hoặc hàng hóa chỉ là công cụ để lôi kéo người tham gia; nói quá thông tin về cơ hội làm giàu, khởi nghiệp để dụ dỗ người khác tham gia…
Đặc biệt, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, những mô hình này thường yêu cầu người tham gia mua hàng, đặt cọc, nộp tiền mới tham gia; trả hoa hồng cho việc tuyển dụng. Đồng thời, đưa thông tin gian dối về hoa hồng tiền thưởng, sản phẩm; duy trì nhiều hơn 1 mã số đối với 1 người tham gia; từ chối quyền lợi của người tham gia; mua bán, chuyển giao mạng lưới người tham gia…
Không chỉ vậy, theo ông Long, nhiều người chưa biết rõ phương thức kinh doanh đa cấp nên bị lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhiều cá nhân tham gia bán hàng đa cấp là do tâm lý số đông, quen biết nhau, truyền miệng về phương thức trả hoa hồng siêu lợi nhuận của doanh nghiệp, sau đó họ lôi kéo nhau vào kinh doanh đa cấp, mua bán nhiều loại sản phẩm.
Để tạo môi trường kinh doanh đa cấp lành mạnh, ông Tuấn nhìn nhận, trước hết doanh nghiệp đa cấp chân chính phải bảo vệ chính mình. Bằng việc đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh sản phẩm đến tay người tiêu dùng, chứ không phải chỉ tiêu thụ trong hệ thống.
Đồng thời, quản lý chặt chẽ các hoạt động, tăng cường đào tạo để nhà phân phối kinh doanh đúng pháp luật. Giám sát, theo dõi thị trường, thông tin những bất thường của thị trường tới Bộ để xử lý kịp thời.
Về phía cơ quan quản lý, ông Tuấn cho biết, thời gian tới Bộ sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật, sửa Nghị định 40 về hoạt động kinh doanh đa cấp. Tăng cường phối hợp xử lý các doanh nghiệp kinh doanh không đúng các quy luật pháp luật.
Song song, các cơ quan truyền thông cần tăng cường cung cấp thông tin để người dân nhận biết được doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
Xem thêm: mth.75405626191401202-0202-gnort-yt-00451-noh-uht-hnaod-tad-pac-ad-gnod-taoh/nv.ymonocenv