Tờ South China Morning Post đưa tin Hội đồng châu Âu ngày 19-4 đã thông qua “Chiến lược hợp tác của Liên minh châu Âu (EU) với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AĐD-TBD)”, động thái cho thấy EU đang sẵn sàng tăng cường sự hiện diện nhằm củng cố trọng tâm và hành động của mình tại khu vực này.
Chiến lược trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, cũng như giữa lúc Washington kêu gọi các đồng minh tăng cường can dự trong khu vực nhằm đối phó Trung Quốc theo chiến lược “AĐD-TBD tự do và cởi mở”.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: REUTERS
Tài liệu chiến lược dài 10 trang đã nêu bật một loạt các lĩnh vực hợp tác giữa EU với AĐD-TBD, bao gồm thương mại và đầu tư, biến đổi khí hậu, cũng như các tuyến đường hàng hải tự do và cởi mở tuân theo luật pháp quốc tế.
Theo tuyên bố hôm 19-4, EU cũng sẽ tiếp tục phát triển quan hệ đối tác trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng, bao gồm giải quyết vấn đề an ninh hàng hải, thông tin sai lệch, khủng bố và tội phạm có tổ chức.
Tuy nhiên, tuyên bố không đề cập cụ thể Trung Quốc hoặc những lo ngại đã được nêu ra liên quan các hành động hàng hải hung hăng của nước này trong khu vực.
EU cũng sẽ hợp tác với các đối tác khu vực trong việc giảm thiểu các tác động của đại dịch COVID-19 đối với kinh tế và con người, đồng thời hướng tới việc đảm bảo phục hồi kinh tế - xã hội toàn diện và bền vững.
South China Morning Post dẫn lời ông Thomas Gnocchi - người đứng đầu Văn phòng EU tại Hong Kong và Ma Cao - cho biết mục tiêu chung của chiến lược là tăng cường trọng tâm chiến lược, sự hiện diện và hành động của châu Âu ở AĐD-TBD, “bởi vì chúng tôi có lợi ích mạnh mẽ trong khu vực”.
“Khu vực AĐD-TBD là một khu vực rất rộng. Điều quan trọng là về mặt tăng trưởng kinh tế - 2/3 tốc độ tăng trưởng kinh tế trên thế giới đang diễn ra trong lĩnh vực này và 3/4 nền kinh tế lớn nhất đang ở trong khu vực này” - ông Gnocchi nói.
“Về biến đổi khí hậu, hơn một nửa lượng khí thải CO2 là từ khu vực này, và đó là lý do tại sao việc tham gia trên các mặt trận khác nhau với AĐD-TBD là rất quan trọng” - ông Gnocchi nói thêm.
Theo ông Gnocchi, EU cũng sẽ có cách tiếp cận thực dụng khi làm việc với các quốc gia trong khu vực.
“Với một số quốc gia, chúng tôi sẽ chú trọng hơn về việc hợp tác trong lĩnh vực môi trường, và sau đó chúng tôi sẽ thúc đẩy chương trình nghị sự. Với những quốc gia khác, chúng tôi có thể ưu tiên vấn đề khác, chẳng hạn về an ninh" - ông Gnocchi cho biết.
Ông Gnocchi cho biết EU sẽ hợp tác với Trung Quốc trong một số vấn đề, lấy biến đổi khí hậu làm ví dụ điển hình.
Theo tài liệu chiến lược, EU cũng muốn ký một hiệp ước đầu tư - Hiệp định toàn diện giữa EU và Trung Quốc về đầu tư - với Trung Quốc mà cả hai bên đã đồng ý về nguyên tắc hồi tháng 12-2020.
Tuy nhiên, ông Gnocchi lưu ý rằng vấn đề nhân quyền vẫn là một rào cản giữa hai bên, vì “khá rõ ràng rằng về nhân quyền, chúng ta không có một tầm nhìn chung về cách nhìn nhận vấn đề này”.
Chiến lược AĐD-TBD của EU được đưa ra sau khi Brussels hồi tháng 3 đã áp đặt các lệnh trừng phạt lên các quan chức Trung Quốc với cáo buộc lạm dụng nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ tại khu vực Tân Cương - một phần của các biện pháp phối hợp với Mỹ, Anh và Canada.