vĐồng tin tức tài chính 365

Trận mưa sau lễ động thổ Hòa Phát Dung Quất: Đất hoang thành nhà máy thép lớn nhất Đông Nam Á

2021-04-20 11:07

Ngày 24/02/2017, anh Bùi Văn Hữu – Giám đốc Nhà máy điện nhiệt dư, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất bổ nhát cuốc đầu tiên xuống khu đất trống tại Bình Sơn (Quảng Ngãi), động thổ xây dựng khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất - dự án mà Chủ tịch Tập đoàn đã khẳng định: Sẽ đưa Hòa Phát từ người cao 1m7 lên 3m4.

Trận mưa sau lễ động thổ Hòa Phát Dung Quất: Đất hoang thành nhà máy thép lớn nhất Đông Nam Á - Ảnh 1.

Anh Bùi Văn Hữu – Giám đốc Nhà máy điện nhiệt dư và nhát cuốc động thổ

Anh Hữu tuổi Quý Hợi, mệnh Thủy, được cho là tuổi đẹp để "lãnh" sứ mệnh nặng nề này. Sau buổi lễ động thổ, mưa như trút nước, anh Mai Văn Hà – Giám đốc công ty Thép Hòa Phát Dung Quất viết trên Facebook: "Lễ lạt vừa xong, trời mưa thế này thì nhà có chốt chặt cửa, bọn tiền bạc nó cũng phá mà xông vào".

Cũng không biết do "ý trời" hay do ý chí của con người nhiều hơn, chỉ 1 năm sau, trên vùng đất hoang vu ấy, một nhà máy thép công suất 600.000 tấn/năm - hạng mục đầu tiên của khu liên hợp quy mô 5 triệu tấn/năm - đã cho ra sản phẩm. Đến tháng 1/2021, toàn bộ dự án gồm 2 giai đoạn đã hoàn thành và đi vào hoạt động đồng bộ.

Khu liên hợp tại Dung Quất không chỉ giúp Hòa Phát tăng gấp đôi công suất, mà còn có ý nghĩa lớn hơn khi sản xuất ra các loại thép mà Việt Nam chưa từng làm được như thép cán nóng và thép công nghệ cao dùng để chế biến sâu cho các ngành công nghiệp khác như ô tô.

Theo số liệu mới công bố, trong quý I/2021, Hòa Phát sản xuất 2 triệu tấn thép thô, chính thức trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á, vượt qua Formosa Hà Tĩnh. Ông Trần Đình Long giờ là tỷ phú đô la giàu thứ 3 Việt Nam trong danh sách của Forbes.

Dự án treo 10 năm và nghi ngờ của dư luận

Thép Dung Quất vốn là một dự án của Tycoons Worldwide Steel (Đài Loan) với vốn đầu tư đề xuất ban đầu là 1 tỷ đô la Mỹ. Nó nằm trong làn sóng các dự án công nghiệp nặng tỷ đô đổ vào Việt Nam ở giai đoạn 2006-2008 - khi nước ta gia nhập WTO. Một số dự án nổi tiếng thời đó là tổ hợp thép tại Hà Tĩnh của tập đoàn Tata Steel (Ấn Độ) với tuyên bố 5 tỷ đô, tổ hợp thép Cà Ná Ninh Thuận do tập đoàn Lion Group (Malaysia) liên doanh Vinashin với tuyên bố vốn 10 tỷ đô.

Tổ hợp Dung Quất phải trải qua nhiều lần thay đổi phương án đầu tư, đổi tên thành Guang Lian Dung Quất nhưng vẫn án binh bất động cho đến năm 2016, khi Hòa Phát quyết định bước vào. Trong khi đó, Tata Steel rút lui và Cà Ná Ninh Thuận - vài năm trước đây được sôi động nhắc đến trong câu chuyện với Tập đoàn Hoa Sen nhưng đã lắng xuống.

Cuối năm 2016, từ trên máy bay nhìn xuống, khu liên hợp Thép Dung Quất Hòa Phát chỉ là một khu đất bỏ hoang. Người dân vẫn còn thả cho bò ăn cỏ trên khu vực này.

Trận mưa sau lễ động thổ Hòa Phát Dung Quất: Đất hoang thành nhà máy thép lớn nhất Đông Nam Á - Ảnh 3.

Thông tin Hòa Phát sẽ đầu tư lại dự án thép bỏ hoang tại Dung Quất cũng khiến các cổ đông của doanh nghiệp thi nhau đặt câu hỏi chất vấn với Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long và TGĐ Nguyễn Tuấn Dương tại Đại hội cổ đông thường niên 2017. Bất chấp sự tự tin của ban lãnh đạo Tập đoàn, nhiều người vẫn rất e ngại về khả năng thu xếp 60.000 tỷ đồng vốn đầu tư cho dự án, e dè khi tỷ lệ nợ tăng vọt, về áp lực tài chính và nghi ngờ khả năng tiêu thụ sản phẩm.

Dẫu vậy, như ông Long có nói, Hòa Phát cứ như xe lu, lừ lừ chạy. Dự án cũng diễn ra đúng như kế hoạch.

Trận mưa sau lễ động thổ Hòa Phát Dung Quất: Đất hoang thành nhà máy thép lớn nhất Đông Nam Á - Ảnh 4.

Toàn cảnh khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất khi bắt đầu khởi công

Khi Hòa Phát Dung Quất chính thức được cấp phép, gần 200 cặp vợ chồng kỹ sư, công nhân đang làm việc tại nhà máy Hòa Phát Hải Dương đã xung phong về Quảng Ngãi, sống tại khu ký túc xá dành cho công nhân.

Trận mưa sau lễ động thổ Hòa Phát Dung Quất: Đất hoang thành nhà máy thép lớn nhất Đông Nam Á - Ảnh 5.

Chỉ một thời gian ngắn, vùng đất bỏ hoang đã trở thành một đại công trường. Các kỹ sư và công nhân xây dựng ngày đêm thi công.

Trận mưa sau lễ động thổ Hòa Phát Dung Quất: Đất hoang thành nhà máy thép lớn nhất Đông Nam Á - Ảnh 6.

Đại dự án này là tương lai nhưng cũng là áp lực rất lớn của Hòa Phát. Trong một cuộc họp Đại hội cổ đông, ông Long nói: "Ngồi ở đây nhưng đầu tôi thi thoảng vẫn nghĩ về Dung Quất".

Trận mưa sau lễ động thổ Hòa Phát Dung Quất: Đất hoang thành nhà máy thép lớn nhất Đông Nam Á - Ảnh 7.

Ông Trần Đình Long và ông Nguyễn Tuấn Dương đến thăm Dung Quất Hòa Phát.

Tháng 8/2018, dây chuyền số 1 của dự án Dung Quất bắt đầu chạy. Đầu tháng 7/2019, dây chuyền cán thép số 2 (thuộc giai đoạn 1, dự án Dung Quất) bắt đầu hoạt động, cùng thời điểm với lò cao số 1 chạy thử.

Đến nay, khu đất hoang ngày trước đã trở thành khu liên hợp gang thép lớn nhất Đông Nam Á.

"Chúng tôi thèm khát sau này Việt Nam có thể làm một nhà máy ngang tầm như vậy"

Một ngày mùa đông năm 2002, ông Dương và ông Long sang Nhật Bản tham quan nhà máy thép Kobe Steel có tổng công suất 6 triệu tấn/năm. Nhà máy nằm kề biển, có cảng rất lớn với một con tàu có trọng tải 100.000 tấn. Nguyên liệu được vận chuyển lên kho và nhà máy sản xuất bằng băng chuyền. Hệ thống đường nội khu rộng, có đèn xanh đèn đỏ không khác gì cao tốc.

"Nhìn nó kỳ vĩ và thật sự choáng ngợp. Chúng tôi thèm khát sau này Việt Nam có thể làm một nhà máy ngang tầm như vậy", ông Nguyễn Tuấn Dương kể lại trong một bài phỏng vấn trước đây.

Bây giờ, giấc mơ của 2 ông bạn chí cốt đã thành hiện thực.

Trận mưa sau lễ động thổ Hòa Phát Dung Quất: Đất hoang thành nhà máy thép lớn nhất Đông Nam Á - Ảnh 8.

Toàn cảnh khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất

Hoà Phát Dung Quất có khu cảng liên hợp với công suất lên tới 30 triệu tấn/năm và đón được tàu 200.000 tấn.

Cuối tháng 2/2021, Công ty CP Vận tải biển Hòa Phát đã hoàn thành mua và tiếp nhận hai chiếc tàu biển chở hàng rời cỡ lớn với trọng tải 90.000 tấn đóng tại Nhật Bản. Các tàu này sẽ chuyên vận tải than và quặng sắt cho Tập đoàn.

Trận mưa sau lễ động thổ Hòa Phát Dung Quất: Đất hoang thành nhà máy thép lớn nhất Đông Nam Á - Ảnh 9.

Với lợi thế cảng nước sâu, Hòa Phát sẽ nhập nguyên liệu với chi phí cạnh tranh

Ngay từ khi cập cảng, quặng từ tàu chở hàng được đưa ngay vào hệ thống băng chuyền trộn sẵn các nguyên liệu cần thiết và mọi việc đều được tự động hóa.

Trận mưa sau lễ động thổ Hòa Phát Dung Quất: Đất hoang thành nhà máy thép lớn nhất Đông Nam Á - Ảnh 10.

Xuất hàng thép tại cảng Hòa Phát Dung Quất

Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất sản xuất chủ yếu là thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao và thép cuộn cán nóng.

Hiện tại ở Việt Nam, chỉ có Hòa Phát và doanh nghiệp FDI Formosa có thể sản xuất thép cán nóng HRC. Trước đây, các nhà máy thép Việt Nam đều phải nhập khẩu thép cán nóng từ Trung Quốc để đưa vào sản xuất.

Với sự chủ động về thép cán nóng, Hòa Phát thậm chí sắp nhảy vào thị trường sản xuất vỏ container rỗng với việc khởi công xây dựng nhà máy vỏ container vào tháng 6 này tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trận mưa sau lễ động thổ Hòa Phát Dung Quất: Đất hoang thành nhà máy thép lớn nhất Đông Nam Á - Ảnh 12.

Hòa Phát áp dụng công nghệ lò cao khép kín tương tự mô hình tại khu gang thép Hòa Phát Hải Dương, nhưng thiết bị hiện đại hơn. Với mô hình này, than coke được sản xuất bằng công nghệ dập coke khô, thu hồi hoàn toàn nhiệt và khí thải, tận dụng triệt để sản phẩm phụ để phát điện, phục vụ trở lại sản xuất.

Trận mưa sau lễ động thổ Hòa Phát Dung Quất: Đất hoang thành nhà máy thép lớn nhất Đông Nam Á - Ảnh 13.

Lò cao tại Hòa Phát Dung Quất

Sắp tới, Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 sẽ trình kế hoạch xây dựng Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa phát Dung Quất 2 với công suất dự kiến 5,6 triệu tấn trên diện tích 283,73 ha với tổng mức đầu tư 85.000 tỷ đồng.

Giấc mơ về nhà máy thép kỳ vỹ và choáng ngợp của ông Long và ông Dương đã thành hiện thực. Cùng với đó, như câu chuyện ở vùng đất thuần nông Kinh Môn Hải Dương ngày xưa, Khu liên hợp Gang thép Dung Quất được kỳ vọng sẽ đem đến một bộ mặt mới cho Bình Sơn, Quảng Ngãi.

Và không chỉ vậy, tại Hội thảo mới đây về ngành công nghiệp vật liệu, Trưởng ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh thực tế: "Nguyên vật liệu trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất quan trọng, dẫn đến phụ thuộc nguyên vật liệu nhập khẩu, do đó ảnh hưởng đến năng lực tự chủ, tự cường của nền kinh tế".

Nếu phát triển được ngành công nghiệp vật liệu, Việt Nam sẽ gia tăng vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tương lai của ngành công nghiệp này có lẽ sẽ khởi sắc hơn khi đã có những nhà máy như Hòa Phát Dung Quất - nơi có thể sản xuất các loại thép dùng để chế biến sâu.

Xem thêm: mth.14232707131401202-a-man-gnod-tahn-nol-peht-yam-ahn-hnaht-gnaoh-tad-neib-man-4-av-tauq-gnud-tahp-aoh-oht-gnod-el-uas-aum-nart/nv.ahos

Comments:0 | Tags:No Tag

“Trận mưa sau lễ động thổ Hòa Phát Dung Quất: Đất hoang thành nhà máy thép lớn nhất Đông Nam Á”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools