Kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm điều kiện kinh doanh và một trong số ít lĩnh vực có sự cải thiện nhưng vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” cần tháo gỡ.
Đánh giá về những kết quả cải cách hành chính, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ghi nhận những biến chuyển tích cực. Môi trường kinh doanh đã trở nên an toàn hơn, bình đẳng hơn giữa các thành phần kinh tế, thủ tục hành chính đã được cải thiện, chi phí không chính thức có chiều hướng giảm…
Tuy nhiên, TS Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng trong cải cách hành chính còn quá nhiều điểm nghẽn cần quyết liệt gỡ bỏ, đặc biệt trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành.
Phân tích về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, về kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp phản ánh các nhiệm vụ được giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa được thực hiện, gồm:
Thực hiện áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, phân luồng ưu tiên, công nhận lẫn nhau trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hoạt động xuất nhập khẩu thủy sản; hướng dẫn và phân biệt giữa kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm; hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về cách thức kiểm tra (nhất là kiểm tra cảm quan)...
Hiện nay, cổng một cửa quốc gia đã tích hợp thêm 24 thủ tục mới, nâng tổng số lên 212 thủ tục hành chính của 12 bộ, ngành chính thức triển khai trên cổng này. Vấn đề chậm, nghẽn mạng, rớt mạng hay từ chối truy cập đã được cải thiện; thời gian trả lời một số thủ tục có nhiều cải thiện.
Tuy nhiên, các thủ tục về hàng hóa nhóm 2 thuộc diện phải kiểm tra chất lượng như thép, quạt điện… vẫn cần được cải thiện, do phải xin đăng ký ở chi cục đo lường các tỉnh, thành phố, sau đó mới có thể dùng đơn đăng ký đó để đi làm tờ khai.
Điều đáng nói là, việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành hàng hóa vẫn hầu như không được thực hiện hoặc thực hiện với các tiêu chí đơn lẻ và khó đáp ứng. Không có mặt hàng nào được loại bỏ khỏi danh sách kiểm tra hoặc chuyển từ cơ chế kiểm tra khi nhập khẩu sang kiểm tra lưu thông trong năm 2020.
Dịch vụ công trực tuyến: Còn nhiều lỗi trục trặc
Theo khảo sát của VCCI, việc thực hiện thủ tục hành chính qua môi trường điện tử còn nhiều bất cập: Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp đã nộp hồ sơ trực tuyến thành công tại Cổng dịch vụ công của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhưng không được giải quyết, mà thay vào đó được hướng dẫn nộp hồ sơ giấy;
Việc thanh toán trực tuyến với lệ phí vẫn chưa được thực hiện với nhiều thủ tục ở các bộ, ngành. Hoặc có tình trạng website thanh toán bị lỗi, không thể truy cập hoặc không thể thanh toán được mà không rõ lý do;
Các cổng dịch vụ công trực tuyến thường gặp lỗi mà không rõ lý do, hệ thống bị treo, không thể nộp hồ sơ; không tải được tệp đính kèm; không nhận được thông báo đã nhận được hoặc có thông báo nhưng không có mã hồ sơ để tra cứu; hệ thống không tìm thấy hồ sơ khi tra cứu tình trạng hồ sơ; đợi xác thực khi đăng ký tài khoản mất nhiều thời gian, đặc biệt với các thủ tục có tần suất thực hiện thấp;
“Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện thủ tục hành chính là tiến bộ, nhưng doanh nghiệp còn e dè vì một số lý do: Phải nộp cả bản giấy nên không khác biệt; nộp trực tuyến không được hướng dẫn để sửa hồ sơ ngay lập tức như nộp trực tiếp, hệ thống công nghệ thông tin còn hay bị lỗi” – ông Đậu Anh Tuấn cho biết.
Các nghiên cứu của VCCI cũng nêu rõ việc nộp tiền phạt vi phạm hành chính giao thông trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã được triển khai, nhưng chưa tiện lợi vì vẫn phải đến cơ quan chức năng, hình thức thanh toán chưa đa dạng, phải lập thêm tài khoản tại Cổng dịch vụ công. Việc trả kết quả phụ thuộc quá nhiều vào bản giấy (bản cứng có chữ ký và dấu)...
Xem thêm: odl.016009-hnaod-hnik-neik-ueid-maig-tac-hnagn-neyuhc-art-meik-gnort-taht-tun/et-hnik/nv.gnodoal