Sáng nay (20/4), với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) thông qua Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Chương trình Aus4Reform), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố "Báo cáo Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ Doanh nghiệp".
Báo cáo này phản ánh các hoạt động của các cơ quan nhà nước liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh trong thời gian qua và sự hài lòng của các doanh nghiệp đối với các hoạt động đó.
Đánh giá mức độ chuyển biện tại một số lĩnh vực trong báo cáo Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2020
Báo cáo năm nay cho thấy các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp vẫn được tiếp tục thực hiện, bất cấp bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và giai đoạn này trung với thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ. Cụ thể, lĩnh vực thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng vẫn được đánh giá cao nhất (lần lượt là 72,5% và 65,9% doanh nghiệp đánh giá có sự chuyển biến tốt hoặc rất tốt), và xếp cuối cùng là lĩnh vực phá sản (44,4% doanh nghiệp đánh giá tốt hoặc rất tốt).
“Chưa bao giờ mà các từ khoá như “môi trường kinh doanh”, “đơn giản thủ tục hành chính”, “tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”… lại được nhắc đi nhắc lại không chỉ ở cấp Chính phủ mà còn ở nhiều các cơ quan khác, nhiều diễn đàn chính sách khác”, ông Lộc phát biểu tại buổi công bố báo cáo.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc
Theo ông Lộc, tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng chính quyền ưu ái doanh nghiệp nhà nước, ưu ái doanh nghiệp FDI đã giảm liên tục trong nhiều năm. Hay tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức và mức chi trả giảm qua 5 năm qua. Tỷ lệ doanh nghiệp có phản hồi tích cực khi làm thủ tục hành chính như cán bộ thân thiện, cán bộ hướng dẫn đầy đủ tăng liên tục; Tỷ lệ doanh nghiệp phải tiếp nhiều đoàn thanh kiểm tra trùng lặp đã giảm.
“Không chỉ dừng lại ở những lời tuyên bố, mà thực sự đã có những hành động rất cụ thể”, ông Lộc nhấn mạnh
Cùng quan điểm với ông Lộc, theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), những tín hiệu tích cho việc cải cách môi trường kinh doanh thời gian qua được chứng minh bằng thứ hạng của Việt Nam trên các bảng xếp hạng quốc tế. Bà Minh nhấn mạnh hai vấn đề trọng tâm đã có cải thiện tích cực là cải cách về điều kiện kinh doanh và quản lý, kiểm tra chuyên ngành.
Ví dụ như báo cáo cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh có xu hướng tăng lên 52% năm 2019 và 59% năm 2020.
“Điều này chứng tỏ đang có sự dịch chuyển xu hướng kinh doanh sang cả ngành nghề cần điều kiện, mà một phần nguyên nhân có thể do việc xin các giấy phép đủ điều kiện kinh doanh đã trở nên dễ dàng hơn”, báo cáo cho thấy.
Ngoài ra, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh tiếp tục có xu hướng giảm xuống còn 32%.
“Những việc dễ chúng ta đều đã làm”
Bên cạnh những mặt tích cực, ông Vũ Tiến Lộc cũng thẳng thắn cho rằng môi trường kinh doanh vẫn còn những điểm hạn chế cần được cải thiện trong 5 năm tới.
“Điều đáng nói là, dường như các vấn đề dễ làm thì chúng ta đều đã làm, những việc còn lại cần phải làm thì khó khăn hơn rất nhiều”, ông Lộc nhấn mạnh.
Lấy ví dụ về cải cách tư pháp, ông Lộc cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng toà án để giải quyết tranh chấp thì tăng, nhưng có bản án rồi thì tỷ lệ thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự lại giảm. Trong rất nhiều trường hợp, ra bản án dễ hơn so với thi hành bản án đó.
Theo ông Lộc, những thách thức cần đặt ra đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh trong 5 năm tới sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với những gì đã làm được. Chủ tịch của VCCI cho rằng điều này là quy luật tất yếu.
“Để bước từ thể chế kém lên thể chế trung bình là một quá trình, nhưng để bước từ thể chế trung bình lên thể chế tốt thì khó khăn hơn rất nhiều”, ông Lộc nêu quan điểm.
Nói thêm về những hạn chế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Trần Thị Hồng Minh cho rằng môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều trở ngại với doanh nghiệp như: Các điều kiện kinh doanh bất cập ở cấp luật; điều kiện kinh doanh chồng chéo, không cần thiết, không minh bạch hoặc can thiệp sâu vào quyền tự quyết của doanh nghiệp; hoạt động kiểm tra chuyên ngành chuyển biến chậm; cơ chế một cửa chưa thực sự hiệu quả khi doanh nghiệp vẫn phải nộp kèm bản giấy, thiếu kết nối giữa các bộ ngành, hệ thống công nghệ thông tin bị nghẽn.
Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)
Như theo báo cáo, thủ tục nộp thuế và bảo hiểm xã hội có sự tiến bộ đáng ghi nhận trong năm 2020. Song trung bình vẫn có 22% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực thuế như đề nghị miễn, giảm thuế (với 23% doanh nghiệp gặp phải), hoàn thuế (18%), quyết toán (17%)…
Đáng chú ý tiếp cận tín dụng là một trong các lĩnh vực giảm điểm trong năm 2020 khi các doanh nghiệp đánh giá có sự cải thiện chỉ là 54,4%, thấp hơn 59,5% của năm 2019. Tương tự vấn đề cấp phép xây dựng cũng giảm điểm trong năm 2020 so với năm 2019 (từ mức 60,7% xuống còn 60,2%.), dù vẫn cao hơn so với năm 2017 và 2018.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.61783212102401202-mal-ad-ued-at-gnuhc-ed-ceiv-gnuhn-col-neit-uv-iccv-hcit-uhc/et-hnik/nv.vtv