Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 19-4, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định có thể kiểm soát đại dịch COVID-19 trong vài tháng tới, với điều kiện các nguồn lực cần thiết được phân phối một cách công bằng, hãng tin Reuters cho biết.
“Chúng ta có các công cụ để kiểm soát đại dịch này trong vài tháng tới, nếu chúng tôi áp dụng chúng một cách nhất quán và công bằng” - ông Tedros cho biết.
Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo ngại về "tỉ lệ báo động" của số ca nhiễm COVID-19 ở những người trong độ tuổi từ 25 đến 59 trên toàn thế giới, một phần có thể do các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 dễ lây lan hơn nhiều.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: REUTERS
Cũng tại cuộc họp báo ngày 19-4, bà Maria van Kerkhove - chuyên gia dịch tễ học hàng đầu của WHO - nói rằng tỉ lệ nhiễm bệnh đối với các nhóm tuổi trước đây ít bị ảnh hưởng có chiều hướng gia tăng trong đợt lây lan COVID-19 trên toàn cầu trong thời gian gần đây.
Bà cho biết: “Chúng tôi nhận thấy tỉ lệ lây nhiễm đang gia tăng ở tất cả các nhóm tuổi, khoảng 5,2 triệu trường hợp đã được báo cáo vào tuần trước. Đây là mức tăng hàng tuần cao nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch”.
Bà nói thêm: “Chúng tôi đang chứng kiến sự thay đổi nhẹ về nhóm tuổi có nguy cơ bị lây nhiễm COVID-19 ở một số quốc gia, do không thực hiện các biện pháp hạn chế lây lan”.
Cô Greta Thunberg - nhà hoạt động vì môi trường người Thụy Điển - đã trực tiếp chỉ trích "chủ nghĩa dân tộc vaccine". Theo đó, cô Thunberg nói rằng việc các nước giàu ưu tiên tiêm chủng cho công dân trẻ tuổi của họ trước các nhóm dễ bị tổn thương ở các nước đang phát triển là phi đạo đức.
Theo cô Thunberg, trong khi ở các nước thu nhập cao, mỗi bốn người thì có một người đã được tiêm vaccine COVID-19, thì ở các nước có thu nhập thấp, mỗi 500 người thì mới có một người được tiêm vaccine.
“Chủ nghĩa dân tộc vaccine là thứ đang chi phối việc phân phối vaccine COVID-19. Điều duy nhất đúng đắn về mặt đạo đức cần làm là ưu tiên những người dễ bị tổn thương nhất, cho dù họ sống ở quốc gia có thu nhập cao hay thu nhập thấp" - cô Thunberg cho hay.
Cô Thunberg cũng chỉ ra mối liên hệ trực tiếp giữa đại dịch và sự tàn phá môi trường mà cô cho đã khiến các loại virus nguy hiểm lây nhiễm từ quần thể động vật sang người dễ dàng hơn nhiều.
“Khoa học cho thấy chúng ta sẽ gặp phải những đại dịch tàn khốc và thường xuyên hơn trừ khi chúng ta thay đổi mạnh mẽ cách đối xử với thiên nhiên. Chúng ta đang tạo điều kiện lý tưởng để dịch bệnh lây lan từ động vật này sang động vật khác và sang chúng ta” - cô Thunberg nhận định.
Đồng thời, cô Thunberg kêu gọi những người trẻ tuổi ở khắp mọi nơi nên tiêm phòng nếu có cơ hội, mặc dù họ là nhóm tuổi ít có nguy cơ mắc COVID-19 nhất.
Theo thống kê từ trang worldometers.info, tính đến ngày 20-4, toàn thế giới đã ghi nhận trên 142 triệu ca nhiễm COVID-19 trong đó khoảng 3 triệu trường hợp tử vong.