Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng bao phủ diện tích khoảng 11.000 ha, kéo dài khoảng 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở thuộc địa bàn của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện của Hà Nội.
Có thể thấy là phạm vi tác động của quy hoạch đối với thủ đô là rất lớn. Tuy nhiên, tinh thần chung của quy hoạch lần này là xây dựng theo nguyên tắc thuận thiên, lấy phòng chống lũ và chỉnh trị sông Hồng làm mục tiêu hàng đầu. Vậy dưới con mắt của một kiến trúc sư nhiều năm làm việc tại nước ngoài, làm thế nào để quy hoạch sông Hồng có thể tối ưu được các lợi thế. Xung quanh vấn đề này, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị - Chủ tịch HTT Group.
PV: Thưa ông, với đồ án quy hoạch ven sông Hồng lần này, ông có nhận định như thế nào?
Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị: Bản Quy hoạch sông Hồng được đặt ra từ lâu, thời gian trước cũng có những đồ án, nhưng đồ án lần này theo tôi đánh giá là có giá trị sâu, cụ thể và khả thi hơn những đồ án lúc trước.
Thành phần chủ đạo của đồ án là tạo thành một dòng sông Hồng nhưng xanh giữa lòng thành phố. Những vấn đề về kỹ thuật chẳng hạn như thoát lũ, bờ đê không được xâm phạm, cảnh quan, những cái yếu tố về không gian kiến trúc và dòng sông là một ý tưởng chủ đạo.
Quy hoạch phân khu sông Hồng sẽ tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng (Ảnh: Báo Nhân dân)
PV: Vậy với nhiều năm kinh nghiệm đã làm việc ở nước ngoài, ông có góp ý gì cho đồ án quy hoạch sông Hồng lần này?
Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị: Đồ án được đề cập đến những không gian xanh rất tốt, được đề cập đến cái vùng trũng để phòng ngừa thoát lũ rất tốt. Tuy nhiên, phải tạo giá trị cho cái sông - điều đồ án chưa đặt nặng vấn đề giá trị đó là cái gì.
Cái giá trị đó là cái không gian xanh, cái giá trị đó là dòng nước, cái giá trị đó là những không gian kiến trúc ven sông để tạo thành cái mặt tiền sông cho thành phố Hà Nội mà từ đó tới nay bị lãng quên.
Ở Pháp, nếu các bạn có dịp mà đi một chuyến dọc theo dòng sông Seine, cảnh quan tuyệt vời, kể cả những hệ thống ban đêm, đèn chiếu sáng cho hai công trình hai bên nữa và luôn luôn người ta đi với cái cảm giác là nó thay đổi chứ không nhàm chán, đơn điệu. Những điểm nổi, điểm nhấn dọc theo sông là điều tôi nghĩ cần phải quan tâm đến nhiều.
Hiện trạng ở dòng sông Hồng là nó có những cái cồn đất. Tuy rằng chúng ta cố gắng làm cho hai bờ ven sông đẹp, những cái cồn đó thì như thế nào, phải đặt vấn đề nghiên cứu nữa, tái tạo cảnh quan cho nó.
PV: Xin cảm ơn ông!
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là đồ án cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đồ án bao phủ diện tích khoảng 11.000 ha với quy mô dân số từ 280.000 đến 320.000 người, kéo dài khoảng 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở; thuộc địa bàn của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện.
Khác biệt với các đồ án quy hoạch phân khu đô thị khác, không gian nghiên cứu đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng thuộc không gian dành cho thoát lũ ngoài đê sông Hồng, có quy mô, tính chất phức tạp với nhiều yếu tố đan xen.
Đây được xác định là trục không gian đặc trưng cây xanh, mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm, với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí, biểu tượng của thủ đô, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch.
Đồ án đề xuất 8 bãi sông được nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 5 - 15% gồm: Thượng Cát - Liên Mạc; Hoàng Mai - Thanh Trì; Chu Phan - Tráng Việt; Đông Dư - Bát Tràng và Kim Lan - Văn Đức, Tàm Xá - Xuân Canh.
Các bãi sông này định hướng phát triển thành khu đô thị mới hiện đại, nhà ở sinh thái chất lượng cao. Các công trình thiết kế chịu lũ với tầng một sử dụng đỗ xe, công cộng để giảm thiểu thiệt hại khi có lũ. Ngoài ra, còn được định hướng không gian mở với các loại hình không gian công viên, quảng trường đô thị, công viên ngập lũ...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.29540306102401202-eht-iol-cac-coud-uu-iot-gnoh-gnos-hcaoh-yuq-ed-oan-eht-mal/et-hnik/nv.vtv