Quyết định này được TAND TP HCM đưa ra sau nhiều giờ xét xử phúc thẩm vụ án bà Vũ Kim Thu (dược sĩ, 47 tuổi) kiện Bệnh viện Nhân dân 115 vì buộc bà thôi việc sau khi nghỉ chăm con ốm, ngày 19/4. Phiên xử sẽ được mở lại vào ngày 4/5.
Theo đơn khởi kiện, bà Thu làm việc tại Khoa Dược, Bệnh viện Nhân dân 115, được 24 năm. Đầu tháng 1/2020, con gái 7 tuổi bị ốm, ho nhiều ngày nên bà xin nghỉ tổng cộng 9 ngày (từ 10/1/2020 đến 22/1/2010). Bà đã nộp các tài liệu chứng minh việc nghỉ là có lý do chính đáng gồm bản photo sổ khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2 kèm toa thuốc cho Khoa Dược và đã được báo cáo cho Ban Giám đốc. Trên các toa thuốc đều đề ngày tái khám.
Tuy nhiên, bệnh viện cho rằng, bà "tự ý nghỉ" và không cung cấp được các chứng từ thể hiện có chỉ định "mẹ nghỉ để chăm sóc con ốm" chứng minh việc nghỉ là có lý do chính đáng để được hưởng chế độ nghỉ bảo hiểm xã hội. Do đó, ngày 12/3/2020, Hội đồng kỷ luật viên chức của bệnh viện ra quyết định buộc thôi việc đối với bà Thu.
Không đồng ý, bà Thu kiện, yêu cầu TAND quận 10 buộc Bệnh viện Nhân dân 115 thu hồi, hủy bỏ quyết định buộc thôi việc bà, khôi phục lại công việc, chức vụ quyền lợi cho bà. Hồi tháng 10 năm ngoái, toà bác yêu cầu của nguyên đơn.
Bà Thu kháng cáo toàn bộ nội dung bản án, đồng thời gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng, cơ quan tố tụng trung ương. Bà cho rằng, bệnh viện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với mình không chỉ vi phạm pháp luật mà còn là hành vi "trù dập" vì bà đã tố cáo hàng loạt sai phạm xảy ra tại bệnh viện...
Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Thu giữ nguyên kháng cáo cho rằng bệnh viện buộc thôi việc bà là trái quy định pháp luật, tước đi quyền được chăm sóc con lúc bị ốm của người mẹ. Con ốm đột xuất, bà không thể biết trước để viết giấy xin nghỉ, song bà có nhắn tin và báo cho lãnh đạo khoa xin nghỉ để đưa con đi khám, chăm con. Theo chỉ định của bác sĩ, con bà phải uống thuốc kháng sinh 14 ngày trong khi bé còn nhỏ.
Phía Bệnh viện Nhân dân 115 cũng giữ nguyên quan điểm cho rằng việc kỷ luật buộc thôi việc bà Thu là đúng pháp luật.
Theo bị đơn, từ 10/1/2020 đến 22/1/2020 bà Thu liên tục nghỉ 9 ngày khi chưa được lãnh đạo bệnh viện đồng ý. Bệnh viện cũng nhiều lần yêu cầu bà Thu cung cấp giấy tờ thể hiện bác sĩ chỉ định "mẹ nghỉ con ốm" nhằm chứng minh nghỉ có lý do chính đáng nhưng bà Thu không thực hiện. Việc bà Thu tự ý nghỉ là vi phạm pháp luật về viên chức, tạo tiền lệ xấu cho những người lao động khác.
Bảo vệ bà Thu, luật sư Vũ Phi Long cho rằng "chăm sóc con bệnh" đã là lý do chính đáng, còn thân chủ không nộp được giấy tờ là một vi phạm khác. "Con bà Thu ốm là một thực tế khách quan không thể chối bỏ", ông Long nói và cho rằng, thân chủ cũng thừa nhận thiếu sót trong việc không cung cấp chứng từ và chỉ nhắn tin xin nghỉ phép thay vì làm giấy.
Theo luật sư Long, Bệnh viện Nhân dân 115 đã vi phạm Luật lao động 2012 khi không lập nội quy lao động - căn cứ quan trọng để xử lý vi phạm. Bản án sơ thẩm đã áp dụng Nghị định 27/2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức – là văn bản đã hết hiệu lực, để giải quyết vụ án là trái pháp luật. Và lý do bệnh viện buộc thôi việc bà Thu không được quy định trong nghị định mới.
Phản đối quan điểm này, luật sư Phạm Công Hùng (Đoàn luật sư TP HCM, bảo vệ Bệnh viện 115) cho rằng, quyết định buộc thôi việc đối với bà Thu được bệnh viện ban hành ngày 12/3/2020 khi Nghị định 27 còn hiệu lực. Nội quy lao động chỉ là thỏa thuận của cơ quan doanh nghiệp với người lao động. Còn bệnh viện ra quyết định buộc thôi việc bà Thu là căn cứ vào Luật viên chức.
Bản án sơ thẩm áp dụng các quy định của pháp luật gồm Luật lao động, Nghị định 27/2012 của Chính phủ quy định về việc xử lý kỷ luật viên chức... Kháng cáo của bà Thu chỉ nêu ra rằng bản án sơ thẩm bác đơn kiện của bà là làm mất đi quyền của người phụ nữ được chăm sóc con. Việc này là "lệch pha" với bản án sơ thẩm. Bản án sơ thẩm đánh giá dựa theo chứng cứ vụ án.
Cấp sơ thẩm đã đưa ra nhận định chính xác về lý do bác đơn của bà Thu đó là "bệnh viện 5 lần tạo điều kiện cho bà Thu cung cấp chứng từ nhưng bà cho là pháp luật không quy định nên không thực hiện. "Nếu như viên chức nghỉ mà không thông báo thì bệnh viện không thể sắp xếp được nhân sự thay thế người có năng lực cao như chị Thu. Bệnh viện phải thực hiện nghiêm ngặt như vậy thì mới quản lý và duy trì được hoạt động. Việc bà Thu tự ý nghỉ việc chắc chắn sẽ tạo một tiền lệ xấu", luật sư Hùng nói.
Trước đó, phía Bệnh viện 115 cung cấp cho tòa một tố "toa thuốc" được cho là của bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 kê cho con bà Thu lúc đi khám. Trên phần ghi chú của văn bản này có chỉ định cho mẹ nghỉ 2 ngày, ba nghỉ 3 ngày. Phía bệnh viện đặt ra nghi vấn cho rằng, chứng từ "đơn thuốc" do bà Thu cung cấp cho tòa trước đó không giống với "toa thuốc" lần này - chứng cứ Bệnh viện Nhân dân 115 thu thập được.
Tuy nhiên, luật sư Vũ Phi Long cho rằng, chứng cứ này do phía bệnh viện cung cấp cho tòa, ông chưa hề tiếp cận được. Để đánh giá chứng cứ này, HĐXX cần phải thẩm định và xem xét bà Thu có gian dối hay không trong việc cung cấp tài liệu. "Hơn nữa, nếu như chứng cứ mới này thể hiện chỉ định cho bà Thu nghỉ việc chăm con ốm thì càng chứng minh bà nghỉ là có lý do chính đáng", luật sư nói.
Phía bệnh viện sau đó đã rút lại các chứng cứ này, song luật sư Vũ Phi Long không đồng ý.
Đại diện VKS cho rằng đã xuất hiện chứng cứ mới, cần xem xét, nên chưa đưa ra quan điểm giải quyết vụ án sau khi các bên tranh luận.
Bà Vũ Kim Thu từng tố cáo những sai phạm của bệnh viện trong việc đấu thầu mua thuốc và ép bệnh nhân sử dụng thuốc của bệnh viện. Những tố cáo này được Thanh tra Sở Y tế TP HCM kết luận "có căn cứ" và đề nghị UBND TP HCM có hướng xử lý Bệnh viện Nhân dân 115.
Quá trình TAND quận 10 giải quyết vụ kiện, bà Thu có nhiều đơn thư gửi Ủy ban Tư pháp Quốc hội, các cơ quan trung ương, cho rằng "đã xảy ra sai phạm" trong việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế năm 2019 và thất thoát số lượng lớn chất gây nghiện từ năm 2011 đến 2020 tại cơ quan mình. Sự việc đã được chuyển sang Bộ Công an làm rõ.
Hải Duyên
Xem thêm: lmth.1445624-511-neiv-hneb-neik-is-coud-uv-gnort-iom-uc-gnuhc/ten.sserpxenv