“Cải cách môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp có thể được xem là một trong những điểm sáng chính sách trong 05 năm qua tại Việt Nam”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại hội thảo về cải cách môi trường kinh doanh sáng 20-4.
Hội thảo do VCCI phối hợp với Chương trình Aus4Reform và một số bên liên quan tổ chức.
Theo ông Lộc, ngay từ đầu nhiệm kỳ XIV, Chính phủ đã coi cải cách môi trường kinh doanh là một trong những hoạt động trọng tâm, ưu tiên của các bộ ban ngành và thường xuyên có các chỉ đạo, đôn đốc để các cơ quan cùng chung tay thực hiện.
“Chưa bao giờ mà các từ khoá như “môi trường kinh doanh”, “đơn giản thủ tục hành chính”, “tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”… lại được nhắc đi nhắc lại không chỉ ở cấp Chính phủ mà còn ở nhiều các cơ quan khác, nhiều diễn đàn chính sách khác”, ông Lộc nói và khẳng định Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ không chỉ tuyên bố mà còn hành động.
Cụ thể là: Chương trình bãi bỏ và chuyển đổi hàng ngàn điều kiện kinh doanh ở cấp thông tư lên Nghị định trong năm 2016; Chương trình rà soát cắt giảm và đơn giản hoá các điều kiện đầu tư kinh doanh ở tất cả các bộ trong năm 2018.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nói cải cách môi trường kinh doanh còn nhiều việc phải làm trong 5 năm tới. Ảnh: CTV
Hoạt động cắt giảm và minh bạch các quy định về kiểm tra chuyên ngành hàng hoá xuất nhập khẩu. Mục tiêu một triệu doanh nghiệp vào năm 2020 được đưa ra từ năm 2016 cùng với cam kết của nhiều địa phương trong việc thúc đẩy người dân bỏ tiền vào kinh doanh.
Nhóm hoạt động phát triển kinh tế số, đẩy mạnh chuyển đổi số được đưa ra và triển khai mạnh mẽ trong năm 2019 và 2020. Chương trình hành động cắt giảm quy định kinh doanh tại Nghị quyết 68 được đưa ra vào năm 2020… và còn nhiều chương trình, nhóm hoạt động khác được các bộ ngành và địa phương triển khai.
5 năm qua bức tranh môi trường kinh doanh đã trở nên tươi sáng hơn. Tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng chính quyền ưu ái doanh nghiệp nhà nước, ưu ái doanh nghiệp FDI đã giảm liên tục trong nhiều năm. Tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng khởi kiện ra toà án khi có tranh chấp kinh doanh thương mại đã tăng từ năm 2016 đến nay.
Tỷ lệ doanh nghiệp bị trộm cắp hay phải trả tiền bảo kê cho các băng nhóm côn đồ đều giảm từ 2017 đến nay. Tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức và mức chi trả giảm qua 5 năm qua.
Tỷ lệ doanh nghiệp có phản hồi tích cực khi làm thủ tục hành chính như cán bộ thân thiện, cán bộ hướng dẫn đầy đủ tăng liên tục. Tỷ lệ doanh nghiệp phải tiếp nhiều đoàn thanh kiểm tra trùng lặp đã giảm.
“Đây là những kết quả rất đáng ghi nhận mà cộng đồng doanh nghiệp đã gửi gắm qua VCCI để chuyển đến Chính phủ”, ông Lộc nói.
Tuy nhiên, vẫn theo ông Lộc, môi trường kinh doanh vẫn còn những điểm hạn chế cần được cải thiện trong năm năm tới.
Các vấn đề được đề cập đến là: cải cách tư pháp, công khai minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, sự ổn định chính sách, pháp luật, chính phủ điện tử…
“Những thách thức cần đặt ra đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh trong 05 năm tới sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với những gì chúng ta đã làm được. Điều này cũng là quy luật tất yếu.
Để bước từ thể chế kém lên thể chế trung bình thì dễ, nhưng để bước từ thể chế trung bình lên thể chế tốt thì khó khăn hơn rất nhiều”, ông Lộc cho hay.