Tàu đổ bộ Luna-25 sẽ được phóng đi vào mùa thu năm nay - Ảnh: fr.topcor.ru
Cách đây 45 năm, vào ngày 18-8-1976, tàu thăm dò không người lái Luna 24 của Liên Xô đã đáp xuống Mặt trăng lấy mẫu mang về Trái đất.
Luna 24 đã khép lại chương trình Luna bắt đầu từ năm 1959 cũng như cuộc chạy đua thám hiểm Mặt trăng được khởi động từ năm 1961.
Tìm kiếm băng và địa điểm hạ cánh
Hiện nay, cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga đang chuẩn bị quay trở lại cuộc đua chinh phục Mặt trăng.
Sứ mệnh đầu tiên là phóng tàu đổ bộ Luna-25 (tên gọi cũ là Luna-Glob) lên Mặt trăng vào mùa thu năm nay (có thể vào tháng 10-2021).
Tàu sẽ hạ cánh xuống cực nam Mặt trăng nhằm mục đích nghiên cứu băng dưới mặt đất. Các quan sát radar gần đây nhất đã xác định các lớp băng bên dưới mặt đất chưa đầy 50cm và tầng băng sâu đến 1,5m.
Phi vụ này rất được quan tâm vì nhiều quốc gia đề ra kế hoạch định cư lâu dài trên Mặt trăng đã có ý định sử dụng lớp băng này để cung cấp không khí, nước và nhiên liệu.
Đến năm 2023, tàu vũ trụ Luna-26 sẽ được phóng lên Mặt trăng nhằm định vị và lập bản đồ với độ phân giải rất cao.
Mục đích để xác định cụ thể các địa điểm có thể hạ cánh cũng như các địa điểm dùng để xây dựng căn cứ, trạm tiền tiêu hoặc trạm đưa mẫu vật về Trái đất.
Phi vụ này còn nhằm nghiên cứu các hiện tượng bất thường về từ trường và lực hấp dẫn của Mặt trăng.
Tàu đổ bộ Luna-27 - Ảnh: ROSCOSMOS
Đánh giá trữ lượng băng
Năm 2025 sẽ đến sứ mệnh tàu đổ bộ Luna-27 (Luna-Resources). Tàu sẽ hạ cánh tại cực Nam Mặt trăng ở một địa điểm có thể xây dựng căn cứ có người ở.
Đây chắc chắn là nhiệm vụ tham vọng nhất trong chương trình Mặt trăng của Nga. Đây cũng là phi vụ được Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) hợp tác với Nga nhiều nhất.
ESA sẽ cung cấp thiết bị PROSPECT (Nền tảng quan sát tài nguyên và thăm dò tại chỗ để thăm dò, khai thác thương mại và vận tải) gồm một mũi khoan được thiết kế để lấy mẫu đất Mặt trăng đến độ sâu 1m và nhiều công cụ phân tích mẫu.
Máy khoan được sử dụng có nguồn gốc từ máy khoan dùng trong phi vụ của xe tự hành ExoMars 2022.
Mục đích khoan nhằm đánh giá trữ lượng băng để có thể sử dụng phù hợp với nhu cầu của các nhà thám hiểm lưu trú lâu dài trên căn cứ Mặt trăng.
ESA còn cung cấp hệ thống hạ cánh Pilot có khả năng hạ cánh chính xác trong điều kiện tự động hoàn toàn.
Pilot do Airbus phát triển, sử dụng các công nghệ điều hướng sẽ cung cấp thông tin để tàu Luna-27 tránh các tình huống nguy hiểm trong lúc hạ cánh.
Hai phi vụ xa hơn
Đến nay cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga vẫn chưa xác định thời gian tiến hành hai sứ mệnh Luna-28 và Luna-29.
Luna-28 là phi vụ lấy mẫu từ cực Nam Mặt trăng, địa điểm được cho là có nhiều lớp băng và các nguyên tố dễ bay hơi như đồng, natri, kali, kẽm.
Nước và các chất dễ bay hơi này sẽ là tài nguyên tiềm năng cần thiết giúp con người sống độc lập trên Mặt trăng.
Cuối cùng, sau khoảng 10 năm, Nga có thể gửi xe tự hành Luna-29 lên Mặt trăng. Hiện thời chưa có thông tin cụ thể về sứ mệnh này.
TTO - Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 16-4 thông báo đã chọn tập đoàn công nghệ SpaceX để thực hiện dự án phát triển tàu đổ bộ để đưa các phi hành gia lên Mặt trăng, sớm nhất vào năm 2024.
Xem thêm: mth.25180911202401202-gnart-tam-meih-maht-aud-couc-ial-ort-yauq-agn/nv.ertiout