Thị trường nhà ở đã bùng nổ trong năm qua tại nhiều nơi trên thế giới, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Mua nhà không chỉ là một trong những giao dịch lớn nhất bạn thực hiện trong đời mà còn là điều không đơn giản để "làm lại" khi bạn hối hận.
Điều quan trọng là đưa ra quyết định sáng suốt trước khi mua nhà. Theo chuyên gia tài chính, dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy bạn chưa sẵn sàng làm việc đó:
Có nợ thẻ tín dụng
Nợ thẻ tín dụng chính là "thủ phạm" làm tiêu hao ngân sách hàng tháng của bạn. Và nếu kết hợp với khoản vay sinh viên hay vay mua ô tô, đây sẽ là một vấn đề đáng lo ngại.
Nhìn chung, nợ nhiều có nghĩa là chi phí cố định cao hơn và ít cơ hội để tiết kiệm cho các mục tiêu tài chính dài hạn. Tình hình tài chính của bạn sẽ trở nên tồi tệ hơn khi có thêm khoản nợ mua nhà. Chuyên gia tài chính khuyến nghị bạn không nên có nợ thẻ tín dụng hay các khoản nợ lãi suất cao khác trước khi mua nhà.
Để nhanh hết nợ thẻ tín dụng, hãy xem xét xem từ 6 -12 tháng qua bạn tiêu nhiều tiền vào thứ gì không thực sự cần thiết nhất để cắt giảm dần. Sau đó, hãy xây dựng ngân sách bao gồm những khoản thanh toán tích cực cho thẻ tín dụng của bạn.
Có điểm tín dụng xấu
Điểm tín dụng là điểm số mà các tổ chức tài chính dùng để đánh giá sự uy tín của bạn khi sử dụng hình thức cho vay của tổ chức đó. Điểm càng cao, bạn càng được đánh giá tốt.
Điểm tín dụng xấu không chỉ là dấu hiệu cho thấy bạn chưa sẵn sàng vay để mua nhà mà còn báo hiệu rủi ro cao cho tổ chức cho bạn vay tiền. Điều này có thể dẫn đến lãi suất cao hơn và yêu cầu khắt khe hơn để đủ điều kiện vay.
Cũng giống như nợ thẻ tín dụng, điểm tín dụng xấu có thể là hậu quả của sai lầm tài chính trong quá khứ. Dành thời gian để cải thiện điểm tín dụng sẽ có ích cho bạn, không chỉ trong việc mua nhà mà còn nhiều việc khác.
Không có quỹ khẩn cấp (hoặc quỹ không đủ nhiều)
Sở hữu một ngôi nhà là một trách nhiệm lớn, cùng với đó là sự xuất hiện thường xuyên của các chi phí bất ngờ khác. Ngoài ra, bạn có thể bị mất việc hay gặp trường hợp khẩn cấp không liên quan đến nhà cửa. Duy trì quỹ khẩn cấp là dấu hiệu tốt cho thấy bạn có kỷ luật và sẵn sàng cho trách nhiệm trở thành chủ nhà.
Các chuyên gia tài chính khuyên rằng bạn nên tiết kiệm ít nhất 6 tháng chi phí sinh hoạt cho quỹ khẩn cấp. Nếu thu nhập của bạn không ổn định, bạn là chủ doanh nghiệp hay sở hữu một căn nhà, bạn nên tiết kiệm nhiều hơn.
Khi mua nhà, bạn cũng cần lập một quỹ riêng cho những hoạt động như chi phí di chuyển, sửa sang hay mua sắm nội thất.
Mua nhà là việc trọng đại, vì vậy hãy cân nhắc kỹ.
Có tỷ lệ tiết kiệm thấp
Việc hình thành thói quen tiết kiệm tốt sẽ dễ dàng hơn khi bạn có nhiều trách nhiệm. Để đạt sự độc lập tài chính, một số nghiên cứu cho thấy bạn nên tiết kiệm ít nhất 15% thu nhập. Càng chần chừ, bạn càng phải tiết kiệm nhiều để đạt được mục tiêu tài chính đề ra.
Nếu tỷ lệ tiết kiệm của bạn thấp trước khi mua nhà, rất có thể nó sẽ trở nên tồi tệ hơn khi bạn trở thành chủ nhà. Một số chi phí như sửa chữa, nâng cấp căn nhà có thể ảnh hưởng xấu tới ngân sách của bạn.
Hãy xem tỷ lệ tiết kiệm hiện tại của bạn là bao nhiêu và liệu bạn có đang đi đúng hướng để trở nên độc lập về tài chính hay không. Nếu đang tiết kiệm ít hơn 15% - 20% thu nhập, hãy cố gắng cải thiện tỷ lệ này trước khi mua nhà. Thói quen tiết kiệm mạnh mẽ có thể giúp bạn xây dựng quỹ tiết kiệm mua nhà nhanh hơn và đảm bảo việc mua nhà không cản trở các mục tiêu tài chính dài hạn của bạn.
Nguồn: BI
Mộc Tiên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem thêm: nhc.97574427102401202-uad-ned-noum-ud-ahn-coud-aum-eht-auhc-nab-yaht-ohc-ueih-uad-gnuhn/nv.zibefac