Hành khách xếp hàng chờ qua cổng kiểm tra an ninh tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: DUYÊN PHAN
Việc dồn chuyến của các hãng cũng sẽ bị xử lý... Đó là các giải pháp được đưa ra trong cuộc họp của Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn với các đơn vị liên quan vào ngày 20-4.
Chuyển 5 máy soi từ ga quốc tế về ga nội địa
Theo ông Nguyễn Đức Hùng - phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), có tình trạng dồn chuyến, chậm chuyến của các hãng bay khiến một số thời điểm lượt cất hạ cánh (slot) dồn nhiều vào một khung giờ khiến khách bị dồn vào một thời điểm.
Số slot vẫn giữ nguyên, nhưng nhiều hãng sử dụng máy bay loại lớn làm khách đông hơn trong một thời điểm. Mặt khác, lực lượng an ninh hàng không kiêm cả việc kiểm tra khai báo y tế của hành khách làm tăng khối lượng công việc, nhiều hành khách chưa khai báo y tế nên dẫn đến ùn tắc.
Để khắc phục, sân bay Tân Sơn Nhất đã mở tối đa 12 máy soi chiếu, tăng lượng kiểm tra trực quan với hành khách; chuyển 5 máy soi chiếu từ nhà ga quốc tế về ga nội địa. Đồng thời tăng nhân viên an ninh hàng không từ ga quốc tế sang, tăng nhân viên và thanh niên tình nguyện hướng dẫn hành khách.
Cục Hàng không cũng đã rà soát lại slot các khung giờ cao điểm, thấy có một số khung giờ slot vượt quá năng lực hành khách thông qua. Từ ngày 19-4 đã giảm 8 slot khung giờ cao điểm để giảm tải cho sân bay.
Theo ông Trần Doãn Mậu - giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam, sau các giải pháp tăng nhân lực, tăng máy, ngày 18-4 khách tăng đến 91.000 người vẫn thông qua được. Nhưng về lâu dài sân bay Tân Sơn Nhất cần tăng máy soi chiếu, trang thiết bị loại hiện đại hơn để đáp ứng nhu cầu khách ngày càng đông nhất là dịp hè, tết.
An ninh hàng không nước ngoài còn hướng dẫn, bê đồ, hỗ trợ khách. Tôi thấy an ninh hàng không Tân Sơn Nhất hơi khệnh khạng. Có đông khách thì mỗi người cố một tí phục vụ nhân dân...
Cục trưởng Đinh Việt Thắng
Lãnh đạo sân bay chưa sát sao
Theo cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng, việc ùn tắc có nguyên nhân thứ hai là trách nhiệm của lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất chưa sát sao tìm giải pháp để giảm ùn ứ.
Đặc biệt, ông Thắng đặt vấn đề cần làm rõ có phải là phản ứng tiêu cực của an ninh hàng không Tân Sơn Nhất với quy định kiểm tra trực quan 10% hành khách hay không?
Ông cho rằng đây là tiêu chuẩn quốc tế bắt buộc phải làm, nếu không Mỹ không cho ta bay tới. Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế cũng khuyến cáo rất nhiều vì ta không kiểm tra trực quan đủ 10%.
Theo ông Thắng, an ninh hàng không Tân Sơn Nhất phản ứng nhiều lần vì phải làm việc này trong khi sân bay Nội Bài làm rất tốt. Nếu sân bay Tân Sơn Nhất kiểm tra một khách mất 1,5 phút thì sẽ tắc.
"Hôm đó tôi yêu cầu tạm dừng kiểm tra trực quan, không để người già và trẻ con đứng ngồi la liệt, mở hết luồng phục vụ khách kể cả luồng an ninh nội bộ, mở riêng luồng cho người già, trẻ em. Không chấp nhận để họ vạ vật như vậy được. Thực hiện giải pháp đó ngày hôm sau giảm ùn ứ. Đến ngày 17-4 không còn ùn ứ nữa" - ông Thắng kể.
"Thấy tắc thì phải trăn trở"
Ông Thắng đề nghị lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất "thấy tắc thì phải trăn trở" để tìm giải pháp tháo gỡ tạo thuận lợi cho hành khách chứ không phải phản ứng, bàng quan. "Tại sao tết đông không bị ùn tắc như thế này nhưng mấy hôm nay chỉ soi chiếu an ninh lại tắc?
Đường băng, sân đỗ, trên trời không tắc, chỉ tắc khu vực soi chiếu là do qua cao điểm tết nên chủ quan lơ là? Thông tư về kiểm tra trực quan của bộ là quy phạm pháp luật phải thực hiện, khó phải tìm cách làm cho tốt, không có chuyện bàn lùi. Nếu để xảy ra mất an ninh, tai nạn thì ai chịu trách nhiệm?" - cục trưởng đặt câu hỏi.
Ông Thắng cho biết dù khó khăn nhưng Vietnam Airlines đã chấp nhận giảm 5 chuyến, Bamboo Airways giảm 3 chuyến bằng máy bay to như A350, B787 khỏi khung giờ 6-9h để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Với khai báo y tế, ông Thắng cho biết nhiều lúc phần mềm bị tắc khi đông người khai báo, nhiều hành khách khai thông tin sai hoặc không chịu khai. Vì vậy, Cục Hàng không sẽ giao việc kiểm tra khai báo y tế cho các hãng hàng không thay vì an ninh hàng không. Nếu khách không khai, hãng bị chế tài.
Mệt mỏi chờ đợi trước cửa khu vực an ninh soi chiếu tại nhà ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất trưa 18-4 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Yêu cầu chỉnh đốn lãnh đạo sân bay
Qua ý kiến các đơn vị liên quan, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đề nghị ACV chỉnh đốn lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất, chủ động xây dựng kịch bản, kế hoạch trong thời gian tới, không để xảy ra ùn ứ ở khu vực soi chiếu an ninh. "Tăng công suất từng dây chuyền một, huy động đủ người" - Thứ trưởng Tuấn đề nghị.
"Về khai báo y tế, thống nhất an ninh hàng không không kiểm tra nữa mà chủ yếu nhắc người vào nhà ga phải đeo khẩu trang, đo nhiệt độ. Đề nghị giảm thời gian soi chiếu lâu nhất là 45 giây/người.
Các hãng thực hiện kiểm tra, chịu trách nhiệm việc khai báo y tế và lưu dữ liệu của hành khách, lưu số điện thoại và địa chỉ hành khách kể cả qua bán vé online để giảm thiểu thời gian chờ làm thủ tục ở nhà ga" - Thứ trưởng Tuấn chỉ đạo.
Nhà ga từ thời Pháp, quá tải
Theo cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng, sáng 15-4 xảy ra ùn tắc ở khu vực soi chiếu nội địa sảnh A nhà ga quốc nội Tân Sơn Nhất thì chiều cùng ngày cục đã cử đoàn vào tìm nguyên nhân, giải pháp.
"Nguyên nhân sâu xa là ga quốc nội Tân Sơn Nhất sử dụng từ thời Pháp, sau này được cơi nới đã quá tải nhất là khi khách đông đột biến. "Tôi vào đó mấy lần, quần đi quần lại nhưng thấy không còn mặt bằng để bố trí thêm máy soi chiếu. Về lâu dài phải đẩy nhanh việc xây dựng nhà ga T3 vì mỗi năm khách mỗi tăng" - ông Thắng nói.
Sử dụng nhà ga quốc tế: làm được...
Về đề nghị sử dụng một phần nhà ga quốc tế thực hiện chuyến bay nội địa, ông Nguyễn Đức Hùng cho biết ACV có thể thực hiện được nhưng phải trao đổi cụ thể với các hãng chuyển quầy khai thác sang nhà ga quốc tế và các dịch vụ phục vụ; hướng dẫn hành khách di chuyển vì sang nhà ga quốc tế khá xa.
Còn cục trưởng Đinh Việt Thắng cho biết cách đây 3 tháng đã vào sân bay Tân Sơn Nhất khảo sát mở 2 cửa ga quốc tế để phục vụ quốc nội. "Hải quan, công an cửa khẩu không gây khó khăn vì việc này, sân bay Tân Sơn Nhất cần thực hiện để giải quyết trong ngắn hạn. Còn lâu dài vẫn phải sớm xây nhà ga T3" - ông Thắng nói.
Bộ GTVT ra văn bản hỏa tốc chống ùn tắc
Chiều tối 20-4, Bộ GTVT đã có công văn hỏa tốc gửi các đơn vị ngành hàng không về biện pháp giải quyết ùn ứ tại ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất.
Để đảm bảo cho dịp lễ 30-4 và 1-5, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không chủ trì rà soát công tác điều phối slot (lượt cất hạ cánh), điều chỉnh số lượng slot vào các khung giờ sáng tại sân bay Tân Sơn Nhất, phân bổ dàn đều slot trong tất cả khung giờ để tránh ùn tắc, xử nghiêm hãng bay không thực hiện hoặc thực hiện không đúng slot được cấp...
ACV được giao bố trí khu vực đưa, đón hành khách phù hợp; sử dụng máy soi chiếu an ninh linh hoạt; bố trí đầy đủ nhân lực đảm bảo an ninh, an toàn và phục vụ tốt nhu cầu đi lại của hành khách; chỉ đạo lực lượng an ninh hàng không thực hiện đúng trách nhiệm và nhiệm vụ được giao trong quá trình làm việc; đẩy nhanh các thủ tục để triển khai đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất và sân đỗ máy bay...
Các hãng hàng không Việt Nam được yêu cầu bán vé đúng slot được cấp; không được hủy chuyến, dồn chuyến, thay đổi giờ bay vì lý do chủ quan; có phương án dự phòng về nhân sự, máy bay nhằm giảm tình trạng chậm, hủy chuyến, nâng cao chất lượng dịch vụ...
TTO - Ngoài hạ tầng ách tắc, soi chiếu chậm, có hãng bay còn lo lắng khi sắp tới cơ quan hàng không chuẩn bị nâng cấp, sửa chữa đường băng Tân Sơn Nhất và Nội Bài ngay dịp cao điểm hè, có thể ảnh hưởng đến việc khai thác.