Vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa ông Nguyễn Phương Du và Tổng Công ty cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) mà TAND quận 5 đang xét xử thu hút sự quan tâm của dư luận. Trước đó, nhiểu vụ khách hàng kiện nhà sản xuất do mua phải sản phẩm bị lỗi cũng từng xảy ra.
Vậy khi mua phải sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, khách hàng cần làm gì để bảo vệ mình và không vi phạm pháp luật?
TAND quận 5 đang thu thập thêm chứng cứ vụ khách hàng kiện Sabeco đòi bồi thường thiệt hại vì sản phẩm bị lỗi. Ảnh minh họa
Trao đổi với PLO, bà Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, cho biết tùy vào mỗi sự việc xảy ra để Hội có những phương án hợp lý.
Tuy nhiên, các bước được áp dụng dựa trên Nghị định 99/2011. Khi khách hàng mua phải sản phẩm lỗi, nếu sản phẩm đó đã khui, khách hàng cần mời công an khu vực đến lập biên bản.
Nếu sản phẩm chưa khui, chưa mở nắp, khách hàng không cần yêu cầu lập biên bản mà chỉ cần gọi Hotline in ấn trên bao bì sản phẩm để thông báo với nhà sản xuất, đồng thời yêu cầu đại diện nhà sản xuất đến xác nhận sản phẩm.
Từ đây, khách hàng và nhà sản xuất cần có thương lượng để đưa ra một phương án hợp lý nhất. Nếu cả hai không có tiếng nói chung, khách hàng có thể tiếp tục khiếu nại đến tổ chức bảo vệ xã hội người tiêu dùng (Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng).
“Chúng tôi sẽ mời hai bên đến để hòa giải. Nếu hòa giải không thành sẽ đưa sản phẩm đi giám định xem sản phẩm đã khui hay chưa. Lúc này khách hàng tiếp tục có đơn khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi của mình” - bà Việt Thu nói.
Cùng quan điểm, luật sư Bùi Viết Nông, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của nhà nước và toàn xã hội. Quyền lợi của người tiêu dùng được tôn trọng và bảo vệ theo quy định pháp luật.
Điều 8, Điều 25 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: Khi phát hiện hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ có khuyết tật, không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng..., khách hàng có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện hoặc nơi thực hiện giao dịch giải quyết.
Tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định pháp luật... Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có nghĩa vụ chứng minh không có lỗi gây ra thiệt hại.
Khách hàng có nghĩa vụ cung cấp thông tin bằng chứng cứ có liên quan đến hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ.
Tòa án sẽ quyết định bên có lỗi trong vụ án về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Người tiêu dùng khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì không phải nộp tạm ứng án phí, lệ phí.
Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói về vụ Sabeco bị kiện Theo bà Việt Thu, trong vụ việc ông Du khởi kiện Sabeco, khách hàng chưa bị thiệt hại gì. Theo quy định, Sabeco có trách nhiệm phải đổi trả cho ông Du một chai bia nguyên vẹn. Sản phẩm chai bia lỗi khách hàng phát hiện khi uống tại quán nhậu, nghĩa là đã qua rất nhiều khâu từ sản xuất đến vận chuyển, lưu hành ra thị trường…nên có nhiều nguyên nhân để có thể dẫn đến sản phẩm lỗi như vậy. “Quyền lợi của ông Du nằm chỗ nào? Đó là khoản tiền ông đã bỏ ra mua chai bia lỗi. Nhà sản xuất chấp nhận đổi chai bia khác cho ông thì quyền lợi của ông không bị mất" - bà Việt Thu nói. Ông Du khởi kiện bổ sung, yêu cầu bị đơn bồi thường 23 tỉ đồng, sau đó lại rút yêu cầu này, ông Du không có bất kỳ thông tin gì cho Hội biết. Bà Thu nêu quan điểm: "Bản thân tôi nhận thấy ông Du đưa ra số tiền bồi thường 23 tỉ đồng là không hợp lý. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định nếu chất lượng sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng thì nhà sản xuất phải bồi thường. Tuy nhiên, trong vụ này, chai bia của ông Du chưa khui, nghĩa là sức khỏe của ông chưa ảnh hưởng gì nên việc ông yêu cầu bồi thường khoản tiền lớn như vậy là không hợp lý". |