Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đọc thơ cùng sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội vài năm trước - Ảnh: HÀ QUÂN
Hội thơ Thanh Xuân với hơn chục người làm thơ những năm 1980 ở Hà Nội, trong đó có những người rất thành danh với thơ sau này như chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, và những người làm nhiều thơ nhưng không công bố như ông Hồ Bất Khuất, thường có rất nhiều buổi đọc thơ cùng nhau và đọc thơ ở khắp nơi.
Những bài thơ đọc lên khiến run người
Hoàng Nhuận Cầm vốn là bậc đàn anh, không nhập hội, nhưng luôn nhiệt tình đến với các buổi đọc thơ của hội này. Suốt 5-6 năm, thi sĩ dù gập ghềnh chuyện hạnh phúc riêng, thì thứ 7 nào cũng tha theo đứa con nhỏ đến các buổi đọc thơ ở Thư viện khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, thậm chí đến đọc thơ ở các công trường cho công nhân nghe.
"Không ai có giọng điệu thơ như Hoàng Nhuận Cầm, những bài thơ đọc lên khiến run người. Ông được trời phú hồn thơ lai láng tự nhiên, câu chữ không trau chuốt nhưng mạnh mẽ, chân thành rất hợp với tinh thần tuổi trẻ của sinh viên...", ông Khuất nói.
Nhà văn Thiên Sơn - một người gần gũi với Hoàng Nhuận Cầm gần 30 năm - cũng đánh giá thơ những câu thơ của Hoàng Nhuận Cầm đã đi cùng một phần tuổi trẻ của biết bao người, "chứa trong đó nước mắt, nụ cười, tình yêu vụng dại hay những năm tháng thanh xuân rực rỡ của một thế hệ thanh niên đã xếp bút nghiên lên đường ra trận".
"Hoàng Nhuận Cầm là nhà thơ được đúc nên bởi tài năng thiên bẩm, mà đáng nói là giọng thơ đẹp, vang như tiếng hót của một loài chim quý… Anh là thi sĩ theo nghĩa nguyên thủy nhất của từ này: yêu thơ mê đắm đến độ ăn cũng thơ, ngủ cũng thơ…", nhà văn Thiên Sơn nói.
Ông Sơn tin rằng dẫu độc giả ngày nay đã khác trước nhiều, nhưng Hoàng Nhuận Cầm vẫn là một thi sĩ còn được các thế hệ người đọc trẻ tuổi hôm nay và sau này yêu mến, mặc cho những trào lưu mới không ngừng được sản sinh ra.
Có nhiều cơ hội làm việc với Hoàng Nhuận Cầm từ các chương trình phát thanh tới những cuốn sách làm chung, lại sống gần nhà nhau, nhà phê bình văn học Đỗ Anh Vũ nói thơ Hoàng Nhuận Cầm có 3 mảng quan trọng.
Một là những bài thơ trận mạc ông viết từ thủa đôi mươi xếp bút nghiên lên đường ra trận, với những bài được yêu thích như Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu, Thư mùa thu, Phương ấy…
Mảng thứ hai là thơ tình sinh viên, những bài thơ có giọng điệu riêng, tạo ra một trường phái thơ riêng, với cách kết nối ngôn từ, hình ảnh lạ lẫm, thu hút, luôn nồng nàn. Đó là thứ thơ có thể đọc được ở không gian rộng lớn với nhiều người, hút hồn người nghe.
Những bài như Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, Chiếc lá đầu tiên, Viên xúc xắc mùa thu… là những bài thơ sống mãi trong học sinh sinh viên.
Mảng thứ ba là mảng thơ thân phận, với những bài thư đầy nỗi niềm.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm và nhà văn Thiên Sơn thăm nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn - Ảnh: NVCC
"Tôi có đủ nỗi buồn để sống"
Cho Hoàng Nhuận Cầm là thi sĩ đích thực, mạnh mẽ, dữ dội cả trong đời và trong thơ, nhà văn Thiên Sơn nói những vần thơ của Hoàng Nhuận Cầm nhiều người thích, nhưng ông thì còn thích con người của thi sĩ nhiều hơn, một người cả đời sống "hồn nhiên, tươi trẻ và rất chân tình".
Đây cũng là cảm nhận chung của nhiều bạn bè văn chương dành cho tác giả Viên xúc xắc mùa thu.
Ông Khuất nói Hoàng Nhuận Cầm "con người nhất trong các nhà thơ, một thi sĩ hiếm hoi còn sót lại theo nghĩa cổ điển nhất của từ này". Ông luôn sống hồn nhiên tươi trẻ, dù luôn luôn nghèo, và hình như không ghét ai bao giờ, không bao giờ nói xấu ai. Và cuộc sống riêng tư của Hoàng Nhuận Cầm thật nhiều nỗi buồn, như ông từng viết:
Tôi có đủ nỗi buồn để sống
Như sáng mai lại thêm một nỗi buồn
Một nỗi buồn lẽ ra không nên có
Nhưng nếu không buồn
có lẽ
lại buồn hơn…
(trích bài thơ Nỗi buồn để sống)
Sống cạnh căn hộ tập thể chật chội của Hoàng Nhuận Cầm trong khu phố cổ ở Hà Nội, ông Đỗ Anh Vũ chứng kiến tác giả Nỗi buồn để sống tuy rất hết mình với anh em bạn bè nhưng bản thân thi sĩ lại sống giản dị, chắt chiu, có phần kham khổ, và thường làm việc quá sức.
Qua vài cuộc hôn nhân, cuối đời thi sĩ sống một mình trong căn phòng chật hẹp. Và dù thật nhiều người mến mộ thơ, Hoàng Nhuận Cầm không có nhiều bạn.
Hoàng Nhuận Cầm có nhiều nỗi buồn nhưng lại tự an ủi mình rằng ông vin vào nỗi buồn luôn được cộng thêm mỗi ngày ấy để sống. Cô đơn đến mức ông tin rằng nếu ông không có nỗi buồn, thì ông còn buồn hơn nữa.
Những tập thơ dang dở
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm vừa ra đi đột ngột vào chiều 20-4 tại Hà Nội ở tuổi 69, bỏ lại nhiều dự định dang dở.
Theo nhà phê bình Đỗ Anh Vũ, Hoàng Nhuận Cầm ấp ủ từ lâu sẽ xuất bản tập thơ gồm 27 bài do chính ông viết tay, trong đó có 3 bài đã đăng báo (Nỗi buồn để sống, Bên dòng thời gian, Thiên đàng có thật), còn lại nhiều bài chưa công bố, bao gồm cả những bài ông ấp ủ bao năm về đề tài hòa giải dân tộc…
Một bản thảo khác đã hoàn thành mà anh vẫn chưa kịp in, mang tên Cùng bạn đọc thơ, gồm những bài thơ hay và lời bình do chính anh viết.
Thi sĩ còn dự định bắt tay cùng ông Vũ làm một ấn phẩm thơ dạng tuyển tập về chủ đề Mưa, nhưng nay đành để ngỏ.
TTO - Thêm một tin gây sốc cho giới văn nghệ năm nay, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - tác giả bài thơ ‘Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu’ - qua đời chiều 20-4 ở nhà riêng tại Hà Nội.