Môi trường kinh doanh đã được cải thiện đáng kể trong những năm qua, nhưng cải cách hành chính cần được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong những năm qua, không chỉ thể hiện qua các nghiên cứu của tổ chức quốc tế mà cả đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân.
Năm 2020, do bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và công tác tổ chức bộ máy, các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, dù vẫn được nhiều cơ quan, bộ ngành, địa phương thực hiện, nhưng tốc độ cải cách có phần chậm lại so với các năm trước đó, một số nhiệm vụ đã bị chậm tiến độ, một số mục tiêu đã không đạt được như kế hoạch đề ra trong các Nghị quyết.
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Việc thành lập Cổng Dịch vụ công quốc gia là một bước chuyển mạnh mẽ trong năm 2020, giúp kết nối và giám sát các cổng dịch vụ công của các bộ, ngành và địa phương. Đơn vị có nhiều hồ sơ thực hiện qua cổng này nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam với gần 600 nghìn hồ sơ. Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trên 1.000 hồ sơ nộp qua Cổng quốc gia.
Khảo sát của VCCI cho thấy, thực hiện cải cách hành chính, số lượng các dịch vụ công cấp độ 4 có tăng, nhưng nhiều bộ ngành vẫn chưa thực hiện được yêu cầu về tỉ lệ ít nhất 30% dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4. Số lượng nộp hồ sơ thực tế qua hình thức này không nhiều. Nếu có, hồ sơ ở một số bộ lại tập trung chủ yếu vào một hoặc một vài thủ tục đơn giản.
Trong thời gian qua, chuyển đổi dịch vụ công có xu hướng chuyển thẳng lên cấp độ 4 mà không qua cấp độ 3 (thực hiện trực tiếp nhưng vẫn phải mang hồ sơ bản giấy khi nhận kết quả), nhưng được áp dụng chủ yếu với các thủ tục mang tính báo cáo, không cần cơ quan nhà nước trả lời, hoặc chỉ cần trả lời tự động.
Thực hiện Nghị quyết 35, các địa phương phải tích cực thực hiện công tác đối thoại, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp thông qua các hình thức như điện thoại đường dây nóng, thư điện tử, công văn hoặc các cuộc đối thoại trực tiếp.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, một số địa phương đã nhanh chóng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức đối thoại. Ví dụ, các địa phương triển khai đối thoại trực tuyến với doanh nghiệp như Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng… trên Cổng thông tin điện tử.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp Chế VCCI, nhiều doanh nghiệp cho rằng hình thức đối thoại trực tuyến phù hợp với trường hợp cơ quan nhà nước ban hành chính sách mới và muốn phổ biến đến cho các doanh nghiệp để thực hiện tốt hơn.
Tuy nhiên, khi cần đối thoại để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khâu áp dụng pháp luật giữa doanh nghiệp và các cơ quan chuyên môn của chính quyền thì các doanh nghiệp cho rằng, hình thức gặp và tranh luận trực tiếp vẫn sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
Kết quả khảo sát của VCCI chỉ ra rằng, chất lượng giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp trong năm 2020 có dấu hiệu giảm so với năm 2019, cụ thể, tỉ lệ nhận được phản hồi sau khi phản ánh giảm từ 95,82% xuống 94,57%; tỉ lệ hài lòng với phản hồi giảm từ mức 81,25% xuống 79,24%; tỉ lệ được giải quyết kịp thời giảm từ 74,19% xuống 71,2%.
Điều này cho thấy nhiều địa phương gặp lúng túng khi giải đáp, tháo gỡ khó khăn cho doanh và các chính sách ban hành nhằm ứng phó, còn nhiều điểm chưa rõ ràng, chặt chẽ, gây lúng túng khi áp dụng.
Xem thêm: odl.549009-neyut-curt-gnoc-uv-hcid-iad-neih-hnihc-hnah-hcac-iac-hnam-yad/et-hnik/nv.gnodoal