Theo một nguồn tin quân sự, chiến đấu cơ tàng hình J-20 của Trung Quốc sẽ đổi sang động cơ WS-15 trong vòng hai năm tới. Động cơ mới này được thiết kế riêng cho J-20, giúp máy bay tăng tính linh hoạt và khả năng chiến đấu.
Được biết, động cơ WS-15 đã gần hoàn tất và có thể ra mắt trong vòng 1-2 năm tới. Nguồn tin tiết lộ thêm rằng dự án này đã kéo dài 10 năm và bị chậm tiến độ, nhưng hứa hẹn thành quả sẽ "ngang cơ" với tiêm kích Lockheed Martin F-22 Raptor của Mỹ.
Siêu tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ. Ảnh: REUTERS
Hôm 19-4, Đài truyền hình Phoenix có trụ sở tại Hong Kong đã phát sóng cuộc phỏng vấn với Li Gang – phi công đã thực hiện chuyến bay đầu tiên của J-20. Anh cho biết động cơ mới sẽ tối đa hóa khả năng của chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 này.
Ra mắt hồi năm 2011 – trùng thời điểm với chuyến thăm Bắc Kinh của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc bấy giờ là ông Robert Gates, tiêm kích J-20 được trang bị động cơ Saturn Al-31 của Nga. Động cơ này được thiết kế cho các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4, vì vậy nó khiến J-20 kém linh hoạt hơn so với các tiêm kích của Mỹ.
Tiêm kích Raptor của Mỹ được trang bị động cơ có vòi phun vectơ lực đẩy hai chiều - một công nghệ mà Trung Quốc đã cố gắng sở hữu trong suốt hai thập kỷ và sẽ áp dụng vào các động cơ mới. Các vòi phun này cho phép điều hướng lực đẩy của động cơ, giúp máy bay có thể đột ngột thay đổi chuyển động, ví dụ như né tên lửa – điều mà máy bay thông thường không thể làm được.
Hồi năm 2018, Trung Quốc đã trình làng động cơ WS-10C Taihang có tính linh động cao hơn nhưng công suất lại thấp hơn so với động cơ WS-15. Do WS-15 không vượt qua vòng đánh giá cuối cùng vào năm 2019 nên WS-10C – mới chỉ được thử nghiệm trên máy bay một động cơ, đã được lắp đặt cho tiêm kích J-20 hai động cơ phản lực.
J-20 được kỳ vọng sẽ là đối trọng với F-22 Raptor trên bầu trời. Ảnh: REUTERS
J-20 là chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5, được thiết kế để đọ sức với các tiêm kích đa năng của Mỹ như Lockheed F-22 Raptor và Lockheed F-35 Lightning. Các máy bay chiến đấu đã được Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) gấp rút đưa vào biên chế hồi năm 2017 sau khi Lầu Năm Góc triển khai tiêm kích F-35 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
PLA hiện có 50 chiếc J-20 trong biên chế và nguồn tin quân sự cũng cho biết Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Thành Đô (CAC) dự kiến sẽ sản xuất thêm 50 chiếc nữa trong năm nay. Theo nguồn tin, so với dây chuyền sản xuất có thể chế tạo hơn 100 chiếc F-35 mỗi năm của Tập đoàn Lockheed Martin, thì mỗi dây chuyền trong tổng số bốn dây chuyền sản xuất của CAC chỉ có khả năng sản xuất khoảng một chiếc J-20 mỗi tháng.