Mọi việc từ thị thực, đặt chỗ, mua vé, thanh toán... tới phiên dịch đều có thể thông qua điện thoại di động để hỗ trợ du khách một cách thuận tiện.
Năm Du lịch quốc gia 2021 với chủ đề "Hoa Lư - Cố đô ngàn năm" đã khai mạc tối ngày 20/4 tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố Đô - Hoa Lư (Ninh Bình). Đây là sự kiện quan trọng, thể hiện nỗ lực vượt qua khó khăn để phục hồi, phát triển ngành du lịch cả nước nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng trước ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Năm Du lịch Quốc gia 2021 là chuỗi các hoạt động xuyên suốt cả năm với 38 hoạt động được tổ chức tại Ninh Bình và 104 hoạt động hưởng ứng của các tỉnh, thành phố, nhằm khích lệ và thúc đẩy ngành du lịch cả nước có thêm động lực vượt qua khó khăn; phục hồi, phát triển, chuẩn bị đón khách du lịch quốc tế trong trạng thái “bình thường mới”; xây dựng hình ảnh Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ ngành, địa phương cần cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước bằng các chính sách thật cụ thể để khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, các hộ gia đình và mọi người dân tham gia đầu tư phát triển du lịch và các ngành dịch vụ liên quan tới du lịch.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các Bộ, ngành cần phối hợp với các hiệp hội du lịch đề xuất các chính sách hỗ trợ thiết thực, phù hợp để ngành du lịch bớt được phần nào khó khăn do đại dịch Covid-19. Cùng với đó là việc chủ động chuẩn bị để có thể đón lại du khách quốc tế một cách an toàn, hiệu quả khi điều kiện cho phép.
Hiện nay, cả thế giới đang đứng trước thời cơ và thách thức do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đem lại, mà trực tiếp là yêu cầu chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Ngành du lịch cần triển khai những giải pháp quyết liệt để thực hiện chuyển đổi số du lịch ở tất cả các khâu một cách đồng bộ, hướng tới “một nền du lịch điện thoại thông minh”. Mọi việc từ thị thực, đặt chỗ, mua vé, thanh toán... tới phiên dịch đều có thể thông qua điện thoại di động để hỗ trợ du khách một cách thuận tiện.
Chúng ta cần tiếp tục chú trọng và chú trọng hơn nữa tới việc xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, văn hóa. Kết hợp chặt chẽ, phối hợp đồng bộ giữa các chương trình, đề án nhằm một mặt gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc, của từng địa phương, mặt khác xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại, hợp với xu thế trên thế giới.
Tất cả đều cần sự kết nối, hợp tác chặt chẽ giữa các ngành, các địa phương, các hiệp hội, các doanh nghiệp, mang lại những xung lực mới cho ngành du lịch của các địa phương và cả nước.
Xem thêm: mth.7040303112401202-hnim-gnoht-iaoht-neid-hcil-ud-nen-tom-iot-gnouh/nv.ymonocenv