Chiều 20-4, thông tin nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm qua đời tại nhà riêng đã khiến nhiều người bất ngờ đến sửng sốt. Bởi chỉ hôm trước thôi, nhiều người vẫn gặp ông trong một hội thảo. Một người có vóc dáng nhỏ bé nhưng luôn truyền cho người khác nguồn năng lượng dồi dào bằng cách diễn đạt sôi nổi của mình.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm (đứng) “cháy lên” với thơ
trong một chương trình văn nghệ. Ảnh: TN
Bùng cháy với thơ giống hệt nghệ sĩ nhạc rock
Thơ Hoàng Nhuận Cầm lưu đọng lại trong ký ức của rất nhiều người từ khi còn là sinh viên. Ông từng bộc bạch về đời mình: “Mê thơ đến muốn chết và say điện ảnh đến phát mệt, cả hai tạo thành tình yêu cuộc sống…”.
Nhà văn Lê Anh Hoài bộc bạch: Hoàng Nhuận Cầm thuộc về thế hệ của thơ sinh viên, ĐH Tổng hợp và ĐH Sư phạm văn những năm khốn khó bao cấp và chớm đổi mới. “Thơ lúc ấy như một khí quyển chứ không phải một lựa chọn. Và Hoàng Nhuận Cầm là con chim bồ câu màu nâu bay lượn trong bầu trời ấy” - anh nói.
Theo anh, thơ Hoàng Nhuận Cầm là thơ đọc vang lên kiểu ở quảng trường hay sân trường. Nó có nhịp điệu và ngôn từ kiểu ấy. Nó thôi thúc kể cả trong sự được cho là riêng tư như yêu và nhớ. Thơ Hoàng Nhuận Cầm “tìm ra được chất keo gắn kết, chất men đại tiệc”. Nhiều bài thơ của ông đã nằm lòng với nhiều thế hệ sinh viên, được nghiêm cẩn ghi trong những cuốn sổ lưu bút của nhiều thế hệ bạn trẻ Việt Nam. Đó là những bài thơ như Chiếc lá buổi đầu tiên, Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, Viên xúc xắc mùa thu...
Xung phong rời giảng đường nhập ngũ Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm là con trai của nhạc sĩ nổi tiếng Hoàng Giác. Năm 1971, khi đang là sinh viên Khoa văn của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, chàng sinh viên Hoàng Nhuận Cầm xung phong nhập ngũ vào binh chủng Phòng không - Không quân và chiến đấu trong Sư đoàn 325B ở mặt trận Quảng Trị. Năm 1975, ông trở lại học nốt chương trình đại học và đến năm 1981 làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam. |
Hoàng Nhuận Cầm cũng làm nhiều bài thơ nói về cái chết, nói về sự ra đi. Lúc sinh thời, ông từng viết: “Nếu tôi chết trời xanh bình lặng/ Thêm một vì sao nữa rụng rơi/ Bạn ngồi uống cà phê có nhớ/ Uống cả vì sao ấy hộ tôi” (Thêm một vì sao).
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, người đã nhiều lần cùng nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đi đọc thơ, nói chuyện thơ, đã chia sẻ: “Anh Cầm như một nghệ sĩ nhạc rock, cứ bùng cháy lên. Anh có khả năng làm cả hội trường đứng dậy luôn. Anh ấy không phải là nói hay đọc, mà là hò hét, cháy lên cùng với những con chữ...”.
Từ giã cuộc đời trong căn buồng bé tí tẹo
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm còn được biết đến với vai trò là chủ nhà trong chương trình “Khách đến chơi nhà” của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bao năm qua, ông vẫn đến đài bằng chiếc xe Wave màu đỏ thẫm, đôi dép sandal và túi vải đựng tài liệu. Trong túi của ông không thể thiếu chiếc điếu cày.
Kể lại kỷ niệm về ông, chị Trần Ý Dịu, biên tập viên của chương trình, thốt lên: “Tôi không tưởng tượng nổi cuộc sống nhà thơ tài hoa của chúng ta cho đến khi chứng kiến”. Chị mô tả nơi ông đang sống, cũng là nơi ông nằm lại khi từ giã cõi đời: “Đó là một căn buồng bé tí tẹo, bao quanh bởi ngút ngàn sách báo chắc từ thế kỷ trước, một tấm đệm ngủ đặt thẳng dưới đất, lõm vết mờ nhẹ dáng người nằm. Chiếc bàn với đầy mì tôm, đồ ăn thức uống, bát đĩa vương vãi. Ấm trà với dăm cái chén khác kiểu. Tất cả có chung một mùi khó để gọi tên”.
Là nhà biên kịch xuất sắc của nhiều bộ phim nổi tiếng Ngoài thơ, Hoàng Nhuận Cầm còn sáng tác kịch bản phim và đã từng tham gia đóng phim. Ông là tác giả của nhiều kịch bản phim như Đêm hội Long Trì, Hà Nội mùa đông năm 46, Áo chàm Bắc Sơn, Mùi cỏ cháy, Lỗi lầm, Đằng sau cánh cửa, Pháp trường trắng, Ai lên xứ hoa đào, Đoạn trường chiêm bao, Nhà tiên tri… Trong vai trò biên kịch, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã giành giải thưởng Bông sen vàng cho Biên kịch xuất sắc nhất (Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 - năm 2011) và giải thưởng Biên kịch xuất sắc nhất (giải Cánh diều - Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2011) với kịch bản phim điện ảnh Mùi cỏ cháy. |
Nhà văn Đặng Vương Hưng nhắc lại câu chuyện của Thượng tá Nguyễn Thúy Cúc, trưởng phòng bạn đọc Thư viện Quân đội. Chị Cúc kể: Buổi sáng 20-4, chị còn đến thăm nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm tại nhà riêng ở ngõ 190 Lò Đúc. Đó là một căn chung cư xây dựng đã lâu, trên tầng hai, phòng nhỏ chật chội và cũ kỹ. Mấy năm gần đây, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm sống ở đây cùng cậu con trai. Nhưng cậu ấy bận đi làm suốt ngày, thành thử gần như ông sống một mình.
“Gõ cửa mãi mới thấy tiếng người chậm chạp ra mở. Thì ra anh Cầm đang ốm và sốt. Chứng bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính, làm cho dáng người vốn gầy gò cộng với bước đi xiêu vẹo khiến cho nhịp thở của anh càng khó khăn hơn” - chị Cúc kể. Chị không ngờ đó cũng là lần cuối cùng chị được gặp ông.