Gọi đồ ăn mang về cho bữa trưa tại văn phòng, mua một ít đồ ăn cho bữa tối tại một cửa hàng tiện lợi sau giờ làm việc, ăn thử một mình ở một nhà hàng ngon vào buổi tối thứ Sáu và tự mình leo núi vào cuối tuần. Đây là một phần trong cuộc sống bình thường của Yang Yang với tư cách là một phụ nữ độc thân 31 tuổi.
Cô chuyển đến Bắc Kinh cách đây 5 năm và độc thân được hơn một năm nay. Giờ đây, cô đang sống một mình và kiếm được hơn 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng. Yang chia sẻ với Thời báo Hoàn Cầu rằng cô hầu như không tiết kiệm được đồng nào hàng tháng.
Cuộc sống hàng ngày của Yang là hình ảnh phản chiếu của nhiều người độc thân Trung Quốc . Theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), 40% người độc thân ở các thành phố hạng nhất thuộc “moonlight clan”, một cụm từ tiếng lóng dịch từ tiếng Trung sang tiếng Anh chỉ những người trẻ với lối sống “kiếm được bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu”. Ở các thành phố hạng thấp hơn với thu nhập hàng tháng thấp hơn, tỷ lệ người thuộc “moonlight clan” đã tăng mạnh, và 76% thanh niên độc thân sống ở các thành phố hạng 4-5 tháng nào cũng hết tiền.
Theo khảo sát được công ty phân tích dữ liệu Nielsen công bố, 42% người độc thân chi tiêu để làm hài lòng chính bản thân họ, so với 27% người tiêu dùng không độc thân.
Số người trưởng thành độc thân đạt con số 240 triệu vào năm 2018. Hơn 77 triệu người trong số đó sống một mình, và con số đó dự kiến sẽ tăng lên 92 triệu vào năm 2021, theo Bộ Nội vụ Trung Quốc.
Họ đã tạo ra sức mua mới khổng lồ, cho ra đời một khái niệm mới về chi tiêu để làm hài lòng bản thân của người độc thân.
“Người tiêu dùng độc thân không phải chịu trách nhiệm hỗ trợ cha mẹ và con cái. Họ chủ yếu sẽ chi tiêu cho bản thân và chỉ để làm hài lòng bản thân,” Yin Zhichao, trưởng khoa Tài chính tại Đại học Kinh tế Thương mại Thủ đô (CUEB), nói với Thời báo Hoàn Cầu hôm 18/4.
Chi tiêu để làm hài lòng chính bản thân mình
Người độc thân chi tiêu cho các hoạt động giải trí cá nhân. Thực hiện một chuyến đi ngắn ngày để xả hơi, xem một bộ phim, tự thưởng cho bản thân một bữa ăn yêu thích, họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để làm hài lòng bản thân.
Yang thực hiện những chuyến đi kéo dài hai tuần và một vài kỳ nghỉ ngắn ngày cho bản thân mỗi năm. Cô đã đi du lịch một mình đến bãi biển Aranya ở Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc, miền Bắc Trung Quốc, vào một ngày cuối tuần tháng 11/2020, chỉ để thưởng thức hoàng hôn trên bãi biển và ngắm nhìn kiến trúc địa phương.
Yang luôn tận dụng thời gian trong những kỳ nghỉ lễ quốc gia để thực hiện các chuyến du lịch kéo dài một tuần. Vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh vừa rồi, cô đã đến Cam Nam, Khu tự trị Tây Tạng, thuộc tỉnh Cam Túc, Tây Bắc Trung Quốc để tự mình thưởng ngoạn cảnh đẹp. Cô đang lên kế hoạch đến Thành Đô, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc, để thử món ăn cay hấp dẫn trong kỳ nghỉ lễ Tháng Năm năm nay.
“Lợi thế của việc đi du lịch một mình là bạn có thể đi ngay khi quyết định, hoàn toàn thuận tiện cho bạn, chẳng hạn như thời gian đi, điểm đến, hành trình, lựa chọn khách sạn và ăn uống,” Yang cho biết.
Ảnh minh họa: IC
Tuy nhiên, do không có ai để chia sẻ tiền thuê khách sạn, Yang thường tốn khoảng 8.000 nhân dân tệ cho một chuyến đi dài ngày và 1.000 nhân dân tệ cho một chuyến đi ngắn ngày.
“Tôi làm việc chăm chỉ mỗi ngày để kiếm tiền và tôi chi tiêu theo ý muốn của mình. Là một phụ nữ độc thân, không cần phải chu cấp cho gia đình, tôi sẽ không bao giờ tiết kiệm tiền ăn uống và đi du lịch để tự nuông chiều bản thân,” cô chia sẻ.
Người độc thân cũng sẵn sàng chi tiền hơn để tìm kiếm chỗ dựa tình cảm. Theo báo cáo của CCTV, hơn 70% người sinh trong những năm 1980 và 1990 có nuôi thú cưng và hầu hết họ đều độc thân.
Gao Min, một phụ nữ độc thân 31 tuổi, đến từ Dương Tuyền, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, đã sống một mình ở Bắc Kinh được 7 năm và quyết định nuôi một con mèo vào năm ngoái. Gao chia sẻ rằng việc ở nhà một mình và nói chuyện với bức tường khiến cô trở nên cô đơn trong thời gian đại dịch hoành hành. Cô cho biết mình rất cần một con vật cưng để tự an ủi bản thân và đồng hành cùng cô. Cô chi gần 200 nhân dân tệ mỗi tháng cho con mèo của mình.
“Nền kinh tế độc thân” đang nở rộ
Khi “nền kinh tế độc thân” tiếp tục phát triển mạnh, ngày càng có nhiều doanh nghiệp đổ xô vào lĩnh vực này.
“Nền kinh tế độc thân phát triển nhiều sản phẩm khác nhau để đáp ứng thói quen tiêu dùng của một người, chẳng hạn như ăn uống dành cho một người, thiết bị gia dụng nhỏ, du lịch cho một người. Bởi vì nó là mức chi tiêu của một người ở quy mô nhỏ, nên các đặc điểm như tính linh hoạt, hiệu suất chi phí và thời trang có thể dần trở thành một xu hướng,” Yin Zhichao cho biết.
Nhiều nhà hàng đã giới thiệu mô hình bàn ăn đơn, ở đó thực khách có một không gian tách biệt với bên ngoài, để thu hút khách hàng.
Yang cho biết cô rất vui khi nhiều nhà hàng chú ý đến những người độc thân và phục vụ những phần ăn nhỏ. “Mặc dù tôi ăn một mình, tôi có thể thử một số món ăn và không cần phải lo lắng về việc lãng phí thức ăn,” cô nói.
Không chỉ ngành ăn uống mà ngành công nghiệp thiết bị gia dụng cũng đã điều chỉnh các sản phẩm của mình với các phiên bản nhỏ hơn. Nhiều thiết bị gia dụng nhỏ đa chức năng với công suất nhỏ hơn và thiết kế thời trang thu hút những người độc thân.
Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đang tham gia vào “nền kinh tế độc thân”. Như CCTV đã đưa tin, thị trường loa thông minh với tính năng trò chuyện thông minh có doanh số bán hàng bùng nổ. Số lượng đơn đặt hàng đạt 45,89 triệu trên toàn quốc, với mức tăng trưởng hàng năm là 109,7% vào năm 2019.
Những người trẻ độc thân sinh sau năm 1990 và 2000 sống trong một thời đại hoàn toàn khác với thế hệ cha mẹ của họ. Họ phải đối mặt với ít ràng buộc, trải nghiệm một cuộc sống dễ dàng hơn, độc lập hơn về mặt kinh tế và tư tưởng, đồng thời có những giá trị và cách nhìn độc đáo về cuộc sống. Những đặc điểm này dẫn lối cho sự phát triển của “nền kinh tế độc thân”.
Trong khi sự phát triển của “nền kinh tế độc thân” đã làm phong phú thêm thị trường tiêu dùng, thì sự gia tăng dân số độc thân cũng gây ra lo ngại trong giới nhân khẩu học.
Zhou Haiwang, Phó Giám đốc Viện Dân số và Phát triển thuộc Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, chia sẻ với Thời báo Hoàn Cầu hôm 18/4 rằng tỷ lệ sinh thấp sẽ dẫn đến sự gia tăng đáng kể khoảng cách lao động, điều này cũng có hại cho sự phát triển lâu dài bền vững của nền kinh tế./.
(Theo Hoàn Cầu)