vĐồng tin tức tài chính 365

Cực chẳng đã mới nhận bảo hiểm xã hội một lần

2021-04-22 10:50

Cực chẳng đã mới nhận bảo hiểm xã hội một lần

Khánh Bình

(KTSG) - LTS: Lộ trình sửa Luật Bảo hiểm xã hội vừa được khởi động, với nhiều đề xuất mang tính thay đổi lớn, xuất phát từ việc một số quy định của luật hiện hành được cho là chưa phù hợp hay quá trình thực thi phát sinh những tình huống ngoài dự liệu. Kinh tế Sài Gòn xin giới thiệu các bài viết phân tích về việc này, đồng thời qua đó gợi ý thảo luận một số giải pháp chính sách.

Theo thống kê của cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH), năm 2020 vừa qua có gần 900.000 người lao động yêu cầu nhận quyền lợi BHXH một lần, tính ra là khoảng 6% số lao động đang tham gia BHXH. Một con số đáng lo ngại!

Về phía người lao động, khi nhận BHXH một lần là bị thiệt thòi. Nhưng nếu số người tham gia mới vào quỹ BHXH không tăng đủ như dự tính, thì sự an toàn của quỹ cũng sẽ bị đe dọa.

Người lao động, khi nhận BHXH một lần là bị thiệt thòi. Ảnh: THÀNH HOA

Cực chẳng đã...

Trong chế độ BHXH hiện nay ở Việt Nam, đóng góp vào phần hưu trí và tử tuất là quan trọng nhất, chiếm 68,75% tổng số tiền đóng hàng tháng (22% trong tổng 32% mức tiền lương tháng làm căn cứ tính BHXH). Đến khi về hưu đầy đủ, người lao động sẽ được nhận 75% mức lương bình quân. Giả sử lãi suất đã điều chỉnh lạm phát là 3% thì nếu tính theo khoản 22% đã đóng, người lao động khi bắt đầu nhận lương hưu, sống thêm khoảng 10 năm là “huề vốn”, tức lấy lại phần mình đã tích lũy.

Nhưng muốn vậy thì việc đóng BHXH phải liên tục  vì BHXH cần số năm tích lũy tối thiểu, và số năm tích lũy tối ưu. Nếu việc đóng bị gián đoạn, thì sẽ phải nhận lương hưu trễ hơn, và số năm được nhận dĩ nhiên sẽ ít lại vì xác suất sống thọ vẫn như cũ. Lấy ví dụ như một lao động nam bắt đầu nhận lương hưu ở tuổi 62, thì với các giả định trên sẽ “huề vốn” nếu sống đến 72 tuổi. Nếu việc đóng BHXH gián đoạn một số năm thì tuổi nhận lương hưu bị tăng lên, thành ra số năm được nhận quyền lợi bị ít lại.

Cơ quan quản lý BHXH cũng nhiều lần thông tin đến người lao động rằng nhận quyền lợi BHXH một lần, không chỉ bị thiệt về lợi ích trước mắt (số tiền nhận ít hơn số tiền đã đóng), mà còn bị thiệt vì việc gián đoạn, do không được tính đến thời gian đã tích lũy trước đó. Nếu sau này có đi làm lại, phải tính lại từ đầu và sẽ rất trễ mới đủ kiều kiện nhận lương hưu, lúc đó thì bị thiệt như đã phân tích ở trên.

Người viết tin rằng phần lớn người lao động biết được điều này, và cơ quan quản lý nhà nước về BHXH cũng không muốn tình trạng này xảy ra nhiều, vì nó ảnh hưởng đến sự an toàn dài hạn của quỹ BHXH. Vậy thì gốc rễ của vấn đề là ở chỗ khác, vì đây là điều cực chẳng đã cả hai bên đều không muốn.

Là do... bảo hiểm thất nghiệp

Hiện nay, theo quy định thì mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 2% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH, và mức hưởng là 60% mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHTN của sáu tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Mức hưởng này nếu so với một lao động có thu nhập trung bình và thấp thì khó mà đủ trang trải chi chí cuộc sống.

Lý do quan trọng là bởi vì vẫn còn tồn tại ở Việt Nam sự khác biệt giữa thu nhập và lương. Một người có thu nhập bình quân 15 triệu đồng/tháng nhưng tiền lương để làm căn cứ đóng BHXH thì lại thấp hơn nhiều. Cụ thể là khoản tiền thưởng, hỗ trợ, phụ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động hiện nay không được tính vào lương đóng BHXH nên nhiều doanh nghiệp, tổ chức vẫn có thể tận dụng chỗ này để giảm chi phí lương, mà thực ra là lấy đi lợi ích của người lao động. Bởi vậy mới có câu chuyện ở Việt Nam rằng, khi vào phỏng vấn với bộ phận nhân sự về lương, đãi ngộ, thì cách gây ấn tượng nhất là hỏi thẳng “Anh/chị khai lương đóng BHXH cho em như thế nào?”.

Vì mức lương khai để đóng BHXH thấp hơn thu nhập thực tế, nên khi người lao động hưởng chế độ BHTN, thì số tiền được nhận không phản ánh đúng thu nhập cần có, chưa kể mức 60% là rất khó cho những ai không có khả năng tích lũy hay tích lũy thấp. Chẳng hạn như thu nhập 15 triệu/tháng, chi tiêu hết 12 triệu/tháng. Nếu lương khai BHXH chỉ 10 triệu/tháng thì khi rơi vào tình huống nhận BHTN, chỉ nhận được 6 triệu/tháng, chỉ đủ 50% chi phí trước đó.

Lý do tiếp nữa là thời gian được hưởng BHTN rất ngắn và khó. Quy định hiện nay là cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng ba tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm một tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng. Tính ra một người đi làm được năm năm thì được hưởng năm tháng, 10 năm thì được hưởng 10 tháng.

Và lý do cuối cùng là hệ thống hỗ trợ tìm việc làm của Chính phủ chưa thực sự giúp ích nhiều người lao động. Trong hầu hết các trường hợp, người lao động phải tự xoay xở. Mà việc làm, lại là một ưu tiên quan trọng của bất kỳ chính phủ nào. Ở nhiều nước, việc làm có lúc là ưu tiên hàng đầu, nhận được rất nhiều chính sách hỗ trợ của chính phủ. Không chỉ là trung gian kết nối người lao động, các cơ quan này còn thực hiện đào tạo, định hướng nghề nghiệp, giải quyết chế độ, hỗ trợ tài chính cho những người đang đi tìm việc làm.

Giải pháp nào khả dĩ?

Hệ thống BHTN của Pháp được đánh giá là có các quyền lợi tốt hàng đầu thế giới. Chính vì vậy những năm qua, phong trào khởi nghiệp ở Pháp rất mạnh mẽ. Nhiều người mạnh dạn từ bỏ công việc ổn định dạng văn phòng để khởi nghiệp vì mức lương thất nghiệp là khoảng 80% mức lương trước đó, và được hưởng 24 tháng, có một số trường hợp có thể lên đến 36 tháng.

Trước đây, để được xem là đủ điều kiện được hưởng BHTN, người lao động chỉ cần làm việc đủ sáu tháng trong vòng 24 tháng trước đó với những người dưới 53 tuổi. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mới đây Chính phủ Pháp đã giảm thời gian làm việc từ sáu tháng xuống còn bốn tháng, và khung thời gian để tính được nới rộng thêm ba tháng, tức là trong vòng 27 tháng trước đó.

Bên cạnh các chế độ phải nói là quá tốt với người lao động thất nghiệp (cả bị động lẫn chủ động), thì hệ thống các trung tâm việc làm ở từng tỉnh hoạt động rất mạnh và tích cực. Các trung tâm này có một chương trình kèm cặp riêng với từng ứng viên tìm việc làm, vừa hỗ trợ tìm công việc phù hợp với năng lực, điều kiện của ứng viên, vừa có các chương trình tư vấn hướng nghiệp, đào tạo.

Khi một ứng viên quyết định chuyển sang một lĩnh vực mới, hồ sơ được duyệt vì phù hợp với nhu cầu của thị trường thì sẽ được cử đi học. Trong thời gian này, người lao động không phải tốn bất kỳ chi phí gì, mà còn được nhận thêm một khoản hỗ trợ hàng tháng. Và hầu hết các trường hợp này đều có được việc làm mới sau chương trình đào tạo.

Lấy trường hợp của nước Pháp để ví dụ, không phải là để mong Việt Nam được ngay như vậy vì điều kiện, hoàn cảnh của mỗi nước là khác nhau. Nhưng về định hướng và logic, có những điều Việt Nam có thể cân nhắc.

Thứ nhất, cần phải rút ngắn khoảng cách giữa thu nhập thực tế bình quân tháng và tiền lương trên hợp đồng. Có như vậy thì mức đóng BHXH mới bám sát mức đóng dựa trên thu nhập thực tế, và khi giải quyết quyền lợi, sẽ gần với nhu cầu tài chính thực của người lao động hơn. Quy định mức lương trần để đóng BHXH là tối đa 20 lần lương cơ sở cũng nên bãi bỏ vì những người có thu nhập cao nên bị điều tiết nhiều hơn theo cách lũy tiến.

Thứ hai, nên sớm có quy định mức lương tối thiểu theo giờ, và thời gian làm việc tính theo số giờ để khi xem xét quyền lợi BHTN, những người lao động bán thời gian, thời vụ hay tính chất công việc phải thay đổi thường xuyên không bị thiệt.

Quy định thời gian làm việc tối thiểu là 12 tháng để bắt đầu có thể nhận BHTN cũng cần cập nhật lại phù hợp với điều kiện thực tế. Theo người viết, 12 tháng là khá dài. Bên cạnh đó cũng cần tính toán lại mức hưởng 60% thu nhập trước đó, vì đối với rất nhiều người lao động, chi tiêu cố định hàng tháng đã lên đến 80-89% thu nhập, nếu 60% thì rất khó có thể trụ được.

Thứ ba, phải cải tổ mạnh mẽ hệ thống trung tâm hỗ trợ việc làm ở các tỉnh. Các trung tâm hỗ trợ việc làm này phải là một nhân tố tích cực trên thị trường lao động, không chỉ là kết nối, mà còn hỗ trợ tích cực cả doanh nghiệp lẫn người lao động. Dĩ nhiên các nguồn lực đầu tư cũng cần phải tương xứng, kèm theo giám sát và đánh giá hiệu quả công khai, minh bạch.

Mô hình phát triển kinh tế nào cũng phải dựa vào lao động, và tạo được tấm đệm cho người lao động khi họ chuẩn bị chuyển sang một công việc mới dù bị động hay chủ động là cách giúp họ yên tâm hơn, phát huy tốt nhất khả năng của họ. Một khi chế độ BHTN làm được điều này, thì hiếm có người lao động nào muốn nhận quyền lợi BHXH một lần. 

Xem thêm: lmth.nal-tom-ioh-ax-meih-oab-nahn-iom-ad-gnahc-cuc/875513/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cực chẳng đã mới nhận bảo hiểm xã hội một lần”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools