Vài ngày trước, hàng trăm nhà đầu tư đã đệ đơn tố cáo Coolcat - sàn giao dịch bảo hiểm 100% vốn vì hành vi chiếm đoạt tài sản. Sau khi thu hút nhiều người tham gia với lời mời hấp dẫn về lợi nhuận không tưởng, lên tới hàng chục triệu đồng mỗi ngày, ứng dụng Coolcat đã sập, tiền không thể rút về.
Trong khi chưa hết bàng hoàng với những thiệt hại từ Coolcat, ngày 17/4, lại có thêm ứng dụng kiếm tiền online Pchome dừng hoạt động, khiến hàng trăm người mất trắng.
Pchome được quảng cáo là app đặt hàng ảo trên các sàn thương mại điện tử nước ngoài và trong nước như Amazon, Tiki, Shopee,... để nhận hoa hồng. Muốn vậy, người tham gia phải bỏ tiền thật để mua các gói từ 350.000 nghìn đồng đến 200 triệu đồng. Sau khi giật đơn thành công, tiền hoa hồng sẽ chảy về tài khoản với tỷ lệ 3,5%/ngày, tức 105%/tháng. Mỗi ngày có thể giật 40 đơn. Chưa hết, sau một tháng, nhà đầu tư sẽ được nhân đôi tài khoản.
Để lời quảng cáo thêm tính thuyết phục, những kẻ đứng sau ứng dụng Pchome còn thuê các YouTuber quay hàng loạt video, giới thiệu và hướng dẫn nhà đầu tư tham gia. Chưa kể, chúng còn đánh thẳng vào tâm lý ham muốn “việc nhẹ lương cao” của nhiều người, không bắt buộc thời gian làm việc, thu nhập ổn định, “chỉ 15 phút có ngay 50.000 đồng”, rút tiền bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, theo VTV, các sàn thương mại điện tử được Pchome đưa tên đều không ký hợp đồng nào với ứng dụng này, đồng nghĩa với việc giật đơn nhận hoa hồng là phi thực tế và không có tính pháp lý.
Đến ngày 17/4, app Pchome đã không thể truy cập, kéo theo đó là số tiền của nhiều nhà đầu tư không thể lấy lại. Theo Báo văn hóa, PChome là một trong những ứng dụng tồn tại lâu nhất so với các app kiếm tiền online khác. Kéo dài 6 tháng với lợi nhuận hoa hồng chi trả cho người tham gia với lãi suất khoảng 3% - 5%/ngày. Nạp 20 triệu đồng vào ứng dụng này, mỗi ngày người tham gia sẽ thu về 1 triệu đồng. Lãi cao, app lại hoạt động kéo dài khiến lượng người tin tưởng gửi tiền ngày càng lớn.
Để chốt hạ thu về một mẻ, Pchome cũng như các app khác sử dụng chiêu trò tạo sự kiện khuyến mãi lớn, rồi viện lý do bận và ngăn chặn nguồn vốn bị rút ra và nạp lại nhận khuyến mãi không cho rút tiền. Vài ngày sau, ứng dụng ngừng hoạt động.
Một nạn nhân nói với VTV, cho biết chị vừa nạp vào 20 triệu đồng, chưa kịp nhìn thấy hoa hồng đâu thì ứng dụng đã khóa, các hội nhóm đầu tư trên zalo cũng ngay lập tức bị giải tán. Thậm chí, những người quản lý ứng dụng này sau đó còn ngang nhiên và táo tợn gửi cho người tham gia tin nhắn thừa nhận mình lừa đảo: “Tao lừa đảo rồi, tao không cho rút đâu”.
Đáng nói, trong những nhà đầu tư tham gia, không ít người đã nhận thức trước được rủi ro nhưng vẫn cố tình đánh cược với vận may, ôm mộng rút tiền trước khi app sập. "Pchome có lừa đảo hay không? Lừa đảo thì kệ nó, quan trọng là biết thoát hàng đúng lúc”, một người giới thiệu và mời gọi nhà đầu tư tham gia.
Sau khi ứng dụng giật đơn Pchome sập, nhiều nhóm nhà đầu tư đã tập hợp đệ đơn tố cáo đến cơ quan công an, người ít thì mất vài chục triệu đồng, nhiều thì đến cả tỷ đồng. Một nạn nhân chia sẻ với VTV, chỉ tính riêng nhóm của anh và một vài người bạn, tổng số tiền thiệt hại đã là 8 tỷ đồng.
Ngọc Diệp
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị