vĐồng tin tức tài chính 365

“Ghế nóng” ngân hàng biến động trước cao điểm đại hội cổ đông

2021-04-22 12:30

Nhân sự "ghế nóng" trong lĩnh vực ngân hàng luôn thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, đặc biệt ở một số ngân hàng đang tái cơ cấu như Sacombank, có mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông như Eximbank, hay gần đây tại KienlongBank. Năm 2021, vị trí "ghế nóng" này càng nóng hơn trước thềm đại hội.

XUẤT HIỆN BÓNG DÁNG CÁC "ÔNG CHỦ" ĐỊA ỐC 

Theo tài liệu đại hội đồng cổ đông vừa công bố của một số ngân hàng, Hội đồng quản trị của các ngân hàng sẽ biến động lớn với sự xuất hiện của nhiều "ông chủ" trong lĩnh vực bất động sản.

Cụ thể, trong tài liệu Đại hội cổ đông của ngân hàng Kienlongbank (UPCoM: KLB) có đề cập đến việc ứng cử, đề cử bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2018 – 2022. Nhân vật thu hút sự chú ý là ông Đỗ Tuấn Anh, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Sunshine (Sunshine Group).

Ông Đỗ Tuấn Anh đồng thời đang nắm giữ hàng loạt chức vụ khác như Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sunshine Homes; Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Phú Thượng; Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn KSG; Chủ tịch HĐTV/Giám đốc Công ty TNHH Bảo Tín Sơn Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Sunshine Sài Gòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Sunshine Tech, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng SCG (vừa niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE).

Nhân sự được đề cử còn lại bà Võ Thị Tuấn Anh, hiện là cố vấn cho Kienlongbank. Bà Võ Thị Tuấn Anh đồng thời đang giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sakae Holdings, Chủ tịch Hội đồng quản trị Newtechco. Bà Tuấn Anh cũng là Giám đốc phụ trách khu vực Việt Nam của Tập đoàn Sakae Holdings (Singapore).

Mối quan hệ giữa Kienlongbank và Sunshine ngày càng rõ nét khi Kienlongbank cũng dự kiến chuyển địa điểm trụ sở hoạt động của 3 phòng giao dịch tại Hà Nội sang các địa điểm dự án Sunshine trong tháng 4 này.

Hai nhân sự Hội đồng quản trị sẽ bị miễn nhiệm đợt này là ông Lê Khắc Gia Bảo và bà Trần Thị Thu Hằng. Trong đó, bà Trần Thị Thu Hằng vừa tham gia HĐQT của Kienlongbank vào đầu năm 2021 và được bầu giữ ghế Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị. Trước khi tham gia Hội đồng quản trị của Kienlongbank, bà Hằng là Tổng Giám đốc Sunshine Group.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường cuối tháng 1/2021, ngoài bà Thu Hằng, cổ đông Kienlongbank cũng đã thông qua việc bầu bổ sung ông Lê Hồng Phương vào Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2018 - 2022. Ngay sau đó, Hội đồng quản trị Kienlongbank đã tiếp tục họp và bầu ông Phương giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ kể từ ngày 1/2 thay cho ông Lê Khắc Gia Bảo. Cũng tại đại hội đồng cổ đông bất thường này, Kienlongbank đã thông qua việc miễn nhiệm chức danh thành viên Hội đồng quản trị đối với ông Lê Trung Việt.

Ngoài Kienlongbank, thời gian gần đây thị trường râm ran thông tin ông Nguyễn Đức Thụy, cổ đông sáng lập và lớn nhất, đồng thời là cựu Chủ tịch Thaiholdings, sẽ tham gia vào thành viên Hội đồng quản trị của LienVietPostBank trong nhiệm kỳ sắp tới.

Trước đó, vào đầu tháng 2/2021, ông Nguyễn Đức Thụy được công bố là "đại diện cổ đông lớn" của LienvietpostBank. Hiện ông Nguyễn Đức Thụy đang sở hữu hàng chục triệu cổ phiếu LPB của LienVietPostBank và được LienvietpostBank công bố là "đại diện cổ đông lớn" của Ngân hàng này.

Nhiều khả năng tin đồn này xác đáng khi vào tháng 8/2020 vừa qua, LienvietpostBank đã công bố chuyển trụ sở chính về Thaiholdings Tower (số 210 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Và bầu Thụy cũng đã tham gia nghi lễ đánh cồng trong ngày chào sàn HOSE của LienvietPostBank cùng các lãnh đạo chủ chốt của Ngân hàng.

Hội đồng quản trị hiện tại của LienVietPostBank gồm 6 thành viên gồm Chủ tịch Huỳnh Ngọc Huy, Phó Chủ tịch thường trực Phạm Doãn Sơn, kiêm Tổng giám đốc và 4 thành viên khác.

Từ sau khi ông Dương Công Minh rút khỏi, ghế "nóng" Chủ tịch Hội đồng quản trị tại LienVietPostBank đã ba lần đổi chủ từ ông Nguyễn Đức Hưởng, ông Nguyễn Đình Thắng và hiện tại là ông Huỳnh Ngọc Huy.

TRANH CHẤP "GHẾ NÓNG" TIẾP TỤC "NÓNG" TẠI EXIMBANK

Bên cạnh câu chuyện "ghế nóng" của Kienlongbank, tranh chấp "ghế nóng" giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank hứa hẹn sẽ tiếp tục "nóng" tại kỳ Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 (lần thứ 3) và đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, được tổ chức trong hai ngày 26 và 27/4 hứa hẹn có nhiều "kịch tính".

Kịch tính ở chỗ ngay khi công bố 2 cuộc họp liên tiếp, chỉ trong buổi sáng ngày 13/4 Eximbank lại công bố 2 Nghị quyết quyết định về chức danh Chủ tịch HĐQT với nội dung trái ngược nhau.

Theo đó, Nghị quyết 156/2021/EIB/NQ-HĐQT đã thông qua việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị đối với ông Yasuhiro Saitoh, đồng thời bầu ông Nguyễn Quang Thông tạm thời giữ chức danh Chủ tịch để chủ tọa Hội đồng quản trị ngày 13/4 đối với nội dung tiếp theo của cuộc họp cho đến khi Hội đồng quản trị bầu nhân sự giữ chức danh Chủ tịch mới.

Tuy nhiên, sau khi ban hành Nghị quyết 156, 1 tiếng sau đó Hội đồng quản trị Eximbank lại ban hành Nghị quyết 157 thông qua việc bổ nhiệm ông Yasuhiro Saitoh giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank. Các nội dung trước đây trái với Nghị quyết 157 hết hiệu lực thi hành.

Trong hơn 2 năm qua, ghế "nóng" của Eximbank đã đổi chủ đến 5 lần, từ ông Lê Minh Quốc sang bà Lương Thị Cẩm Tú, sang ông Cao Xuân Ninh và mới nhất thay đổi qua lại giữa ông Nguyễn Quang Thông và ông Yasuhiro Saitoh. Hiện tại, Hội đồng quản trị của Eximbank có 9 người bao gồm: Chủ tịch Yasuhiro Saitoh, Phó chủ tịch Nguyễn Quang Thông, Thành viên độc lập Lê Minh Quốc và các thành viên khác là ông Cao Xuân Ninh, Ngô Thanh Tùng, Lê Văn Quyết, Đặng Anh Mai, Hoàng Tuấn Khải và bà Lương Thị Cẩm Tú.

Cơ cấu cổ đông của Eximbank hiện nay gồm có: SMBC sở hữu 15%; Vietcomank nắm giữ 4,82%; bà Lương Cẩm Tú, Thành viên Hội đồng quản trị Eximbank sở hữu 1,12%. Phần còn lại thuộc về cổ đông nhỏ, lẻ.

Câu chuyện tại Eximbank chưa hết "nóng" khi Ngân hàng này lại thông báo triệu tập họp đại hội đồng cổ đông bất thường. Cuộc họp này được tổ chức sau đại hội cổ đông thường niên 2020 lần 3 và đại hội cổ đông thường niên 202. 

Đáng chú ý cuộc họp này được tổ chức theo văn bản kiến nghị, yêu cầu của nhóm cổ đông ngày 12/3/2021, song phải tới ngày 9/4/2021 mới được thông qua. Tuy nhiên, thời gian họp đại hội cổ đông bất thường này chưa được Eximbank ấn định mà chỉ thông báo chốt danh sách cổ đông tham dự vào ngày 14/5.

Như vậy, câu chuyện "ghế nóng" tại Eximbank hứa hẹn sẽ có nhiều "kịch tính" bởi tranh chấp "ghế nóng" tại Ngân hàng này vẫn chưa ngã ngũ.

Ngoài các ngân hàng nói trên, nhân sự "ghế nóng" cũng sẽ là "điểm nóng" thu hút sự quan tâm của cổ đông và các nhà đầu tư tại đại hội đồng cổ đông thường niên sắp tới tại nhiều ngân hàng khác.

Xem thêm: mth.65623831122401202-gnod-oc-ioh-iad-meid-oac-court-gnod-neib-gnah-nagn-gnon-ehg/nv.ymonocenv

Comments:0 | Tags:No Tag

““Ghế nóng” ngân hàng biến động trước cao điểm đại hội cổ đông”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools