Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt dự kiến sẽ sáp nhập cùng 2 trường CĐ khác ở Lâm Đồng trong thời gian tới - Ảnh: MAI VINH
Theo nhiều chuyên gia, việc làm này cần tuân theo lộ trình, tránh gấp gáp, nóng vội.
6 thành 1
Giữa tháng 4-2021, UBND Quảng Nam họp bàn kế hoạch sáp nhập 6 cơ sở GDNN công lập. Dự kiến các trường gồm Trường CĐ Công nghệ Quảng Nam, Trường TC nghề Bắc Quảng Nam, Trường TC nghề Nam Quảng Nam, Trường TC nghề Thanh niên dân tộc miền núi Quảng Nam cùng Trường TC Văn hóa, nghệ thuật và du lịch Quảng Nam sẽ được sáp nhập vào Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam và đổi tên thành Trường CĐ Quảng Nam.
Trong quá trình chuyển giao, hoạt động dạy học vẫn diễn ra bình thường. Trên tinh thần đến ngày 1-6, Trường CĐ Quảng Nam sẽ đi vào hoạt động.
Về nhân sự, dự kiến sẽ điều chuyển nguyên trạng đội ngũ lao động của các trường, sau đó Trường CĐ Quảng Nam sẽ xây dựng đề án vị trí việc làm trong thời gian tiếp theo.
Đầu tháng 4-2021, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng giao cho các đơn vị chuyên môn lên kế hoạch sáp nhập 3 trường gồm Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt, Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Lâm Đồng và Trường CĐ nghề Đà Lạt. Không ít trường nghề trong tỉnh đang gặp nhiều thách thức trong tuyển sinh, thậm chí một vài ngành phải tạm ngưng hoạt động.
Nhiều tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, Long An... cũng tính chuyện tinh gọn mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng chú trọng về "chất" hơn về "lượng".
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương, toàn tỉnh có khoảng 100 cơ sở GDNN và cơ sở hoạt động GDNN. Không ít trường khá yếu về chất lượng đào tạo, đội ngũ giảng viên, trang thiết bị và tuyển sinh không đủ chỉ tiêu nhiều năm.
Tránh phân tán nguồn lực
ThS Phạm Hồng Chương, phó hiệu trưởng phụ trách Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam, cho biết những năm gần đây có tình trạng một số ngành nghề trùng lắp ở các cơ sở GDNN trong tỉnh, dẫn tới tuyển sinh phân tán.
Chẳng hạn, ngành công nghệ ôtô đều có ở Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam, Trường CĐ Công nghệ Quảng Nam, Trường TC nghề Nam Quảng Nam. Hay với ngành du lịch, các trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam, Trường TC nghề Nam Quảng Nam và Trường TC Văn hóa, nghệ thuật và du lịch Quảng Nam… cùng tuyển học viên.
Theo ThS Chương, sau khi sáp nhập, quy mô ngành nghề sẽ quy về một, từ đó có thể tập trung nguồn lực và thực hiện các đề án tuyển sinh hiệu quả hơn.
Tại Lâm Đồng, Trường CĐ nghề Đà Lạt thuộc nhóm được đầu tư các ngành trọng điểm. ThS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - hiệu trưởng nhà trường - cho biết mỗi năm trường tuyển sinh khá ổn, có lúc vượt chỉ tiêu 10-15%.
Theo ThS Hạnh, việc sáp nhập theo đúng chủ trương sẽ giảm nhiều đầu mối, tránh lãng phí. Ngoài ra, những trường có điều kiện tốt hơn về đào tạo, cơ sở vật chất và tuyển sinh có thể hỗ trợ những đơn vị sau sáp nhập. Nhờ vậy, học sinh, sinh viên có cơ hội học tập ở môi trường tốt hơn.
ThS Phạm Hồng Chương cho rằng trường sau khi sáp nhập sẽ có thêm điều kiện để đầu tư cho đội ngũ giảng viên nghề. Họ không chỉ nắm tay nghề, mà còn có khả năng dạy dỗ và hướng nghiệp cho học sinh sinh viên, đặc biệt là những bạn theo hệ 9+ còn nhỏ tuổi.
Các trường nghề khi tinh gọn cũng có điều kiện hoạt động bài bản hơn ngay từ khâu tư vấn, định hướng. Có vậy, trường nghề mới có cơ hội thu hút người học trong bối cảnh các bạn trẻ có nhiều cánh cửa để vào ĐH.
Trường nghề "vào" trường ĐH
Không ít trường nghề ở các địa phương cũng có xu hướng sẽ nhập vào các trường ĐH lớn. Chẳng hạn, ĐH Cần Thơ đã lên đề án chuyển đổi Trường CĐ Sư phạm Long An thành ĐH Cần Thơ cơ sở Long An, hay Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị dự kiến nhập với Phân hiệu Quảng Trị của ĐH Huế để trở thành Trường ĐH Sư phạm - kỹ thuật Quảng Trị trực thuộc ĐH Huế.
Mới nhất, ngày 11-3, Thủ tướng đã ký quyết định về việc sáp nhập Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận vào Trường ĐH Nông lâm TP.HCM.
Không sáp nhập trường tự chủ tài chính
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết việc tổ chức lại các cơ sở GDNN ở các địa phương cần thận trọng, giảm theo lộ trình và tạo điều kiện cho các cơ sở phát triển về sau. Trước mắt, chỉ sáp nhập các trường TC có trên 50% ngành, nghề đào tạo trùng với ngành, nghề đào tạo của trường CĐ.
Hiện nay, nhiều địa phương đã xây dựng đề án sắp xếp, sáp nhập các cơ sở GDNN để tinh gọn đầu mối, tập trung đầu tư.
Tổng cục đánh giá bên cạnh những địa phương sắp xếp hiệu quả, một số nơi chưa hiểu đúng quan điểm, mục tiêu, lộ trình, mà lại sáp nhập ngay tất cả các cơ sở GDNN công lập thành một trường ngay trong năm 2021.
Một số tinh gọn các trường không cùng ngành nghề đào tạo. Có nơi lại nhập các trường hiệu quả có tỉ lệ tự chủ tài chính cao. Một số nơi cũng sắp xếp lại mạng lưới GDNN khi chưa có phương án tổ chức hoạt động có hiệu quả.
Theo tổng cục, trước mắt thực hiện sáp nhập các trung tâm GDNN, trường TC vào trường CĐ theo nguyên tắc chung nhiều ngành nghề đào tạo, địa bàn tuyển sinh.
Đặc biệt, không xem xét sắp xếp, tổ chức lại đối với các cơ sở GDNN đang tự chủ chi thường xuyên hoặc đang được cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt phương án tự chủ tài chính.
TTO - Trong năm 2020, TP.HCM giảm đi 174 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phần lớn là cơ sở tư nhân.
Xem thêm: mth.42861529022401202-ehgn-gnourt-pahn-pas-gnos-nal/nv.ertiout