Gạo ST25 bị bảo hộ tại Mỹ, vấn đề cần làm ngay lúc này là gì?
Trung Chánh
(KTSG Online) – Liên quan việc gạo ST25 của Việt Nam bị bốn doanh nghiệp nước ngoài bảo hộ thương hiệu tại thị trường Mỹ, vấn đề cần làm ngay lúc này là phải đẩy mạnh công bố chất lượng sản phẩm để tránh tình trạng “xác ST25, nhưng hồn không phải”.
Gạo ST25 bị 4 doanh nghiệp ngoại đăng ký bảo hộ thương hiệu ở Mỹ
"Cha đẻ" gạo ST25 bên sản phẩm của mình. Ảnh: nhandan.com.vn |
Mới đây, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại thuộc Bộ Công Thương cho biết, ông đã nhận được thông tin phản ánh của doanh nghiệp về việc sản phẩm gạo ST25 của Việt Nam đã bị bốn doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ thương hiệu tại thị trường Mỹ.
Liên quan thông tin này, một số ý kiến cũng lên tiếng cho rằng, Việt Nam đã tiếp tục chậm chân trong việc bảo hộ thương hiệu như đã từng nhiều lần xảy ra trong quá khứ, như vụ thương hiệu nước mắm Phú Quốc.
Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Tuấn Khoa, Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành II cho biết, muốn xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ, thì phải được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA- Food and Drug Administration) cấp mã số đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. "FDA sẽ cấp cho mỗi đơn vị doanh nghiệp một mã số riêng”, ông nói.
Còn về nhãn mác hàng hoá, theo ông Khoa, nếu xuất khẩu trực tiếp mang thương hiệu của doanh nghiệp, thì phải đăng ký mẫu mã nhận diện thương hiệu ở Mỹ.
Tuy nhiên, ông Khoa cho biết, việc xuất khẩu gạo sang Mỹ chủ yếu thông qua nhà nhập khẩu (doanh nghiệp thương mại), cho nên, những đơn vị này sẽ đăng ký mẫu mã thương hiệu của riêng họ. “Kể cả đóng bao ở Việt Nam, họ (doanh nghiệp thương mại) cũng yêu cầu doanh nghiệp trong nước, phải đóng vào bao với thiết kế, nhãn hiệu, những loại ngôn ngữ..., theo yêu cầu của họ”, ông cho biết và nói rằng, đây là việc khá dễ dàng vì doanh nghiệp chỉ cần cho gạo vào bao là xong.
Có một thực tế, theo ông Khoa, người tiêu dùng Mỹ, họ mua gạo thường chỉ dưa vào bao bì, nhãn hiệu, đúng loại là họ mua ăn, “nhiều lúc đưa bao bì khác, nhưng cùng chủng loại gạo đó, người ta cũng không mua”, ông nói.
Chính việc phải bán qua trung gian như nêu trên, cho nên, doanh nghiệp trong nước chỉ biết bán gạo, còn vấn đề thương hiệu, đăng ký nhận diện thương hiệu, đăng ký bảo hộ…, doanh nghiệp Việt Nam chưa chú tâm. “Đây là kẽ hở cho các công ty thương mại họ đăng ký như trường hợp gạo ST25 tại thị trường Mỹ”, ông Khoa cho biết.
Theo ông Khoa, nếu sau này bao bì đó, tức bao bì được bảo hộ thương hiệu gạo ST25, họ không đóng gạo ST25 mà là một loại gạo khác, thì cũng khó biết được. “Bởi, qua tới bên Mỹ, người tiêu dùng họ chỉ nhìn trên cái bao bì thôi, chứ nhiều khi người ta không biết chất lượng gạo trong bao như thế nào”, ông giải thích.
Chính điều này, có thể dẫn đến gây tổn hại cho thương hiệu gạo ST25 đạt giải ngon nhất thế giới năm 2019. Bởi lẽ, khi người tiêu dùng mua nhầm gạo “xác là ST25, nhưng hồn không phải”, thì dĩ nhiên họ sẽ đánh giá thấp và cho rằng gạo ST25 không ngon.
Theo ông Khoa, đó là chưa kể gạo ST25 được trồng ở những vùng đất khác nhau sẽ cho ra chất lượng hoàn toàn không giống nhau. “Thực chất, gạo ST25 cũng có 5-7 loại tuỳ theo thổ nhưỡng, vùng đất được gieo trồng, chứ chưa nói đến các loại giống khác nhau”, ông cho biết và dẫn chứng: “Gạo ST25 trồng ở Sóc Trăng, vùng lúa- tôm sẽ cho chất lượng tốt nhất. Thế nhưng, cũng giống đó mà trồng ở Cần Thơ, An Giang, Long An…, sẽ cho vị cơm nó khác, phụ thuộc vào mỗi vùng đất, thành ra chất lượng nó cũng không hoàn toàn giống nhau, dù cùng được gieo sạ từ giống ST25”.
Từ đó, theo ông Khoa, nếu đơn vị doanh nghiệp A, lấy đúng nguồn nguyên liệu ở Sóc Trăng, được trồng đúng nguồn giống F1 của công ty giống đưa ra, thì đương nhiên chất lượng sẽ tốt hơn so với đơn vị doanh nghiệp B mua trôi nổi, dù cùng là giống ST25.
Chính vì vậy, nhất là trong bối cảnh có 4 doanh nghiệp ngoại đăng ký bảo bộ thương hiệu gạo ST25 tại thị trường Mỹ, thì vấn đề cần làm ngay bây giờ là phải đẩy mạnh công bố tiêu chuẩn chất lượng nhằm bảo vệ thương hiệu gạo ST25 của Việt Nam, tránh tình trạng “xác ST25, nhưng hồn không phải”.
Theo đó, chẳng hạn gạo ST25 phải có độ dài, rộng ra sao; độ trắng như thế nào; độ thơm, mềm, dẻo của hạt… “Mình phải đẩy mạnh công bố chất lượng đó để người tiêu dùng nắm rõ được gạo ST25 phải là như vậy”, ông nhấn mạnh và nói rằng, nhiều người tiêu dùng hiện cũng không phân biệt được gạo ST25, Nàng Hoa hay Jasmines.
Ông Khoa cũng nói rõ thêm, vấn đề bốn doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ chỉ là đăng ký bảo hộ trên nhãn mác hàng hoá của họ thôi, chứ không phải đăng ký độc quyền gạo ST25 của Việt Nam. “Kể cả sau này, những đơn vị khác (ngoài bốn đơn vị đã đăng ký bảo hộ tại Mỹ) họ đứng ra đăng ký bảo hộ bao bì, nhãn mác sản phẩm gạo ST25 tại Mỹ vẫn được", ông cho biết.
Rõ ràng, việc quan trọng nhất cần làm là phải đẩy mạnh công bố chất lượng sản phẩm gạo ST25 để tránh tình trạnh sử dụng “xác ST25, nhưng hồn không phải”. Bởi, điều này có thể gây tổn hại đến thương hiệu gạo ST25 chính hiệu của Việt Nam.
Việt Nam bán bao nhiêu gạo sang Mỹ? Ba tháng đầu năm 2021, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 1,19 triệu tấn, đạt trên 648 triệu đô la Mỹ, giảm 21,4% về lượng và 7,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 5.044 tấn với trị giá trên 3,8 triệu đô la Mỹ, chiếm 0,42% về lượng và 0,59% về giá trị trong tổng xuất khẩu gạo Việt Nam quí đầu năm nay, theo Tổng cục Hải quan. Riêng trong năm 2020, tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 6,249 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3,1 tỉ đô la Mỹ, giảm 1,9% về lượng và 11,2% về giá trị so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 20.168 tấn với trị giá đạt trên 13,9 triệu đô la Mỹ, chiếm 0,32% tổng lượng xuất khẩu gạo của năm 2020. |
Xem thêm: lmth.ig-al-yan-cul-yagn-mal-nac-ed-nav-ym-iat-oh-oab-ib-52ts-oag/646513/nv.semitnogiaseht.www