Theo Viện Kiểm sát Nhân dân TPHCM, trong quá trình bị tạm giam, bị cáo Phong (tài xế Mercedes) có sang tên căn nhà cho mẹ với mục đích để mẹ cầm cố tài sản, bồi thường cho các bị hại chứ không phải tẩu tán tài sản.
Ngày 22.4, Tòa án Nhân dân (TAND) TPHCM đã mở lại phiên tòa phúc thẩm vụ án bị cáo Nguyễn Trần Hoài Phong (32 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) về tội vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Tại phiên tòa, luật sư bào chữa của bị cáo Phong tiếp tục vắng mặt nên Phong đồng ý tự bào chữa cho mình.
Tại phiên tòa, bị cáo Phong cho rằng mức án 7 năm 6 tháng tù mà cấp sơ thẩm tuyên phạt là quá nghiêm khắc. Vì vậy, bị cáo Phong xin giảm nhẹ hình phạt để sớm có cơ hội làm lại cuộc đời.
Trong khi đó, tại tòa, chị Hường - nạn nhân là nữ tiếp viên hàng không trong vụ việc - cho rằng bản án sơ thẩm xét xử chưa công bằng, mức án quá nhẹ, chưa đảm bảo quyền lợi cho chị. Theo chị Hường, bị cáo Phong phạm một lúc nhiều lỗi nhưng cấp sơ thẩm chưa xem xét hết sai phạm của bị cáo. Đồng thời, việc tòa sơ thẩm áp dụng cho bị cáo hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ dẫn tới mức án chưa tương xứng. Từ đó, chị Hường đề nghị HĐXX tăng hình phạt đối với bị cáo Phong.
Đồng quan điểm, con gái của ông Lê Mạnh Thường (tài xế GrabBike bị tử vong trong vụ tai nạn) cho biết, muốn tăng hình phạt đối với bị cáo vì bị cáo vô trách nhiệm lúc xảy ra tai nạn.
Tại tòa, khi HĐXX hỏi về việc có hay không việc bị cáo Phong cố tình tẩu tán tài sản (căn hộ chung cư) để tránh né việc bồi thường, bị cáo Phong đã thừa nhận có làm đơn xin gặp công chứng viên để sang tên căn nhà cho mẹ với lý do để mẹ khắc phục hậu quả cho bị hại.
HĐXX sau đó cũng hỏi mẹ bị cáo là bà Hoạ Mi. Bà Mi cho biết nguyện vọng của con cũng là nguyện vọng của mình, muốn con chuyển tên căn nhà cho mình; tuy nhiên, do không có sổ hồng nên không thể thế chấp ngân hàng.
Ngoài ra tại tòa, bị cáo Phong khai, trước khi ra đầu thú, bị cáo đã đưa cho mẹ 120 triệu đồng để bồi thường cho nạn nhân. Tuy nhiên trước đó, chị Hường và gia đình tài xế xe Grab đã từ chối nhận.
Nhưng phiên tòa hôm nay, cả hai đã đồng ý nhận trước số tiền 120 triệu đồng. Trước phát sinh này, HĐXX đề nghị mẹ bị cáo Phong giao tiền cho 2 bị hại và phải có biên bản xác nhận, có chữ ký của luật sư và tiền này trừ vào tổng số tiền sẽ bồi thường sau khi có bản án.
Trong phần tranh luận, đại diện Viện KSND TPHCM đề nghị HĐXX phúc thẩm giữ nguyên mức án sơ thẩm là 7 năm 6 tháng tù đối với Phong; đồng thời đề nghị tòa bác yêu cầu kháng cáo tăng hình phạt đối với bị cáo của người bị hại.
Về việc bị hại đề nghị cấp phúc thẩm làm rõ hành vi tẩu tán tài sản của bị cáo, khi bị cáo cùng mẹ và công chứng viên đến nơi tạm giam thực hiện công chứng chuyển nhượng sang tên căn hộ của bị cáo cho mẹ mình, VKS cho biết qua thẩm vấn công khai tại tòa, bị cáo và mẹ bị cáo cho biết việc giao nhận tài sản nhằm mục đích mong muốn cầm cố tài sản, để có tiền bồi thường cho gia đình người bị hại. Bên cạnh đó, tại tòa, Phong đã bồi thường mỗi bị hại 60 triệu đồng nên đây cũng được coi là tình tiết giảm nhẹ.
Vì vậy, VKS đề nghị cơ quan có thẩm quyền kê biên tài sản để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án bồi thường của bị cáo cho người bị hại.
Sau đó, HĐXX đề nghị tạm dựng phiên tòa và tiếp tục vào chiều 22.4
Theo cáo trạng, vụ việc xảy ra lúc 5h sáng ngày 30.1.2020 (mùng 6 Tết Canh Tý), Phong lái chiếc xe Mercedes từ tầng hầm tòa nhà số 108 Hồng Hà, quận Phú Nhuận, về ngã tư Hoàng Minh Giám và đã gây tai nạn làm chết một tài xế Grab Bike và làm nữ tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines Nguyễn Thị Bích Hường mang thương tật 79%. Phong bị tạm giam từ ngày 11.2.2020.
Vào tháng 12.2020, TAND quận Phú Nhuận đã tuyên phạt Phong 7 năm 6 tháng tù, buộc bồi thường 1,4 tỉ đồng cho chị Nguyễn Thị Bích Hường và 477 triệu đồng cho gia đình ông Lê Mạnh Thường (tài xế Grab Bike đã tử vong). Không đồng tình với bản án sơ thẩm, bị cáo Phong, nữ tiếp viên hàng không, những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã làm đơn kháng cáo. Trong đó, nữ tiếp viên hàng không đã kháng cáo toàn bộ bản án, đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo.