Nhà sản xuất các sản phẩm thời trang sang trọng của Pháp, Chanel, hôm qua 21/4 đã thất bại trong cuộc chiến thương hiệu với Huawei Technologies sau khi một tòa án hàng đầu ở châu Âu cho rằng logo của hai bên không có sự tương đồng.
Tranh chấp bắt đầu từ năm 2017 khi Huawei tìm kiếm sự chấp thuận của Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Liên minh Châu Âu (EUIPO), một cơ quan đăng ký nhãn hiệu, để đăng ký nhãn hiệu phần cứng máy tính có hai hình bán nguyệt lồng vào nhau theo chiều dọc.
Chanel cho rằng hai logo có sự tương đồng.
Tuy nhiên, Chanel, một công ty thuộc sở hữu tư nhân đã phản đối, nói rằng logo của công ty Trung Quốc có thiết kế tương tự như logo mà hãng này đã đăng ký, gồm hai hình bán nguyệt nằm ngang lồng vào nhau và đang được sử dụng cho các sản phẩm nước hoa, mỹ phẩm, đồ trang sức, đồ da và quần áo.
Vào năm 2019, văn phòng thương hiệu đã bác bỏ phản đối của Chanel, nói rằng chúng không có sự giống nhau và không có khả năng gây nhầm lẫn trong tâm trí công chúng. Tuy nhiên, Chanel cho rằng nó có thể gây ảnh hưởng bởi logo của Huawei có thể tổn hại tới biểu trưng của công ty, một hình ảnh tượng trưng cho sự sang trọng, phong cách và độc quyền đối với hàng triệu người trên toàn thế giới.
Quá trình thâm nhập thị trường châu Âu của Huawei có vẻ không dễ dàng khi thiết kế logo cũng bị cản trở bởi một hãng thời trang.
Hãng thời trang Pháp sau đó đã phản đối phán quyết tại Tòa án chung, có trụ sở tại Luxembourg. Tuy nhiên, nơi này cũng đã bác bỏ kháng cáo trong phán quyết hôm qua.
"Các dấu hiệu tượng hình đang được đề cập không giống nhau", hội đồng giám định cho biết. Tòa án cũng cho rằng sự khác biệt về hình ảnh trong hai logo "có một số điểm tương đồng nhưng sự khác biệt về hình ảnh của chúng là đáng kể".
"Cụ thể, nhãn hiệu của Chanel có các đường cong tròn hơn, đường kẻ dày hơn và hướng theo chiều ngang, trong khi hướng của nhãn hiệu Huawei là theo chiều dọc. Do đó, Tòa án chung kết luận rằng các dấu hiệu là khác nhau", phán quyết cho biết.
Tuy nhiên, Chanel có thể kháng cáo phán quyết này một lần nữa, lên Tòa án Công lý EU, cơ quan có thẩm quyền cao nhất chuyên giải quyết những vấn đề liên quan đến luật pháp của tổ chức này.
Bảo Nam
Pháp luật & bạn đọc