Tàu ngầm KRI Nanggala-402 của Hải quân Indonesia ngoài khơi thành phố Surabaya, tỉnh East Java, Indonesia, ngày 25-9-2014 - Ảnh: REUTERS
Thông tin được ông Yudo Margono đưa ra trong cuộc họp báo có sự hiện diện của Bộ trưởng quốc phòng Prabowo Subianto, vừa diễn ra tại Bali.
Hiện các nỗ lực tìm kiếm con tàu đang được thực hiện trong điều kiện thời tiết tốt. Tuy nhiên, đến chiều nay 22-4 (giờ Việt Nam) vẫn chưa có bất cứ tín hiệu gì của chiếc tàu ngầm KRI Nanggala-402 với 53 thành viên bên trong.
Ông Yudo Margono khẳng định với Hãng tin Reuters rằng chiếc tàu ngầm có đủ dưỡng khí cho các thủy thủ đến ngày 24-4.
Cùng ngày, Hải quân Indonesia cho biết 6 tàu chiến, 1 trực thăng và khoảng 400 nhân viên đã được triển khai để tìm tàu ngầm KRI Nanggala. Malaysia và Singapore cũng đang đưa tàu tới giúp. Trong khi Mỹ, Úc, Pháp và Đức đề nghị hỗ trợ.
Người phát ngôn Hải quân Indonesia Julius Widjojono nói các đội tìm kiếm đã tập trung vào khu vực quanh vết dầu loang ngoài khơi bờ biển Bali, nơi tàu ngầm nghi bị mất tích. Tuy nhiên, vị trí chính xác của con tàu hiện vẫn chưa thể xác định.
Theo Bộ Quốc phòng Indonesia, con tàu nặng 1.395 tấn sản xuất tại Đức năm 1977 và gia nhập lực lượng hải quân của nước này năm 1981. Nó được đại tu hai năm ở Hàn Quốc và hoàn thành năm 2012.
Con tàu bị mất tích lúc 4h30 ngày 21-4, khi đang tiến hành một cuộc tập trận phóng ngư lôi ở phía bắc đảo Bali.
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo cho biết sự cố "bắt buộc chúng ta phải hiện đại hóa thiết bị quốc phòng nhanh hơn”, nhưng không nói có bất kỳ vấn đề hư hỏng nào với con tàu.
Theo ông, chiếc tàu ở trong điều kiện tốt và sẵn sàng chiến đấu. Một cuộc tìm kiếm trên không đã phát hiện vết dầu loang gần vị trí tàu KRI Nanggala lặn, và hai tàu hải quân sử dụng kỹ thuật sonar đã được triển khai để hỗ trợ tìm kiếm.
Kỹ thuật sonar là kỹ thuật sử dụng sự lan truyền âm thanh (thường là dưới nước) để phát hiện các đối tượng khác ở trên mặt, trong nước hoặc dưới đáy nước như tàu bè, vật thể trôi nổi hoặc chìm trong bùn cát.
Hải quân cho biết vết dầu loang cho thấy chiếc tàu hoặc đã gặp sự cố hỏng hóc, hoặc đây là tín hiệu do các thủy thủ tạo ra. Ông Yudo cũng cho biết nhà chức trách đã phát hiện một vật có "lực từ cao" trôi nổi ở độ sâu 50 - 100m.
Trước đó, người phát ngôn lực lượng Hải quân Indonesia Julius Widjojono cho biết chiếc tàu ngầm chạy bằng pin điện khi lặn dưới nước, có thể duy trì ở độ sâu 250 - 500m. Tuy nhiên, nếu chìm sâu hơn sẽ nguy hiểm chết người.
Đáy biển trong khu vực tìm kiếm con tàu, khoảng 96km ngoài khơi đảo Bali, có độ sâu hơn 1.500m.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 21-4, Hải quân Indonesia cho biết "có thể trong quá trình lặn, do bị mất điện nên tàu mất quyền kiểm soát và không thể tiến hành các thủ tục khẩn cấp”.
Tuổi Trẻ Online tiếp tục cập nhật...
TTO - Ngoại trưởng Úc Marise Payne cam kết sẽ giúp đỡ Indonesia mọi cách có thể trong việc tìm kiếm tàu ngầm mất tích. Hải quân Úc chỉ có 2 tàu cứu hộ tàu ngầm là MV Besant và MV Stoker, đều được chế tạo tại Việt Nam.
Xem thêm: mth.59352816122401202-yxo-uig-noc-magn-uat-uen-gnos-noc-uht-yuht-35-gnov-ih-aisenodni/nv.ertiout