Bị cáo Đào Anh Kiệt đến tòa - Ảnh: DANH TRỌNG
Chiều 22-4, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Vũ Huy Hoàng (67 tuổi, cựu bộ trưởng Bộ Công thương) cùng 9 đồng phạm trong vụ án sai phạm về đất đai xảy ra tại Sabeco tiếp tục phần thẩm vấn.
Nhiều bị cáo thừa nhận "có sai sót"
Trả lời thẩm vấn của hội đồng xét xử (HĐXX), ngoài ông Nguyễn Hữu Tín - cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM - xin xét xử vắng mặt, 7 cựu cán bộ còn lại đều thừa nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, các bị cáo mong HĐXX xem xét đến thời điểm và bối cảnh phạm tội.
Bị cáo Lê Quang Minh, cựu trưởng phòng phát triển hạ tầng Sở Kế hoạch - đầu tư, cho biết sau khi UBND TP.HCM chuyển văn bản của Sabeco, ông chỉ nhận thức được đây là dự án do Bộ Công thương quản lý và đã có ý kiến của Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, bởi vậy ông nghĩ chỉ cần đi tổng hợp để lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan là xong.
"Tôi thừa nhận có thiếu sót khi không thực hiện theo ý kiến của UBND TP.HCM, mà thực hiện theo ý kiến của các bộ, ngành", bị cáo Minh nói.
Bị cáo Lâm Nguyên Khôi, cựu phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM, cũng thừa nhận có thiếu sót khi không xin đủ ý kiến các bộ ngành. Tuy nhiên, ông Khôi cho rằng thời điểm đó dự án có mức vốn lớn, đầu tư không có điều kiện nên buộc phải cấp giấy chứng nhận.
Bị cáo Đào Anh Kiệt, cựu giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, cho rằng chủ trương đã có nên sở chỉ ký thừa ủy quyền để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
"Nhiệm vụ lúc đó của tôi là làm theo quy tắc hành chính để hoàn thiện hồ sơ. Nếu xét toàn diện thì tôi có sai phạm nên mong tòa xem xét", ông Kiệt nói.
Toàn cảnh phiên tòa - Ảnh: NAM ANH
"Chúng tôi tin tưởng ở Bộ Công thương"
Được triệu tập đến tòa với tư cách người có quyền lợi liên quan, ông Phan Đăng Tuất - nguyên chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT), phụ trách phân ban quản lý vốn nhà nước ở Sabeco - cho biết doanh nghiệp mình không có trụ sở riêng, nên mỗi năm phải đi thuê mất hàng chục tỉ đồng từ tiền ngân sách.
Trả lời câu hỏi của chủ tọa về trách nhiệm của ông trong quá trình làm việc ở Sabeco, ông Tuất nói quá trình làm việc ở Sabeco lỗi duy nhất của ông là quá năng nổ, nhiệt tình.
Ông Tuất cho hay do Bộ Công thương thúc ép và số tiền nộp phạt gần 20 tỉ đồng do chậm triển khai dự án Sabeco, nên ông đã nóng vội trong việc chọn nhà đầu tư để triển khai dự án ở khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.
"Chúng tôi tin tưởng ở Bộ Công thương vì bộ có cả vụ pháp chế và các cơ quan liên quan, nên bộ chỉ đạo thế nào chúng tôi làm theo như vậy", ông Tuất nói.
Bà Phạm Thị Hồng Hạnh - nguyên giám đốc Sabeco - cũng cho biết áp lực lớn nhất đối với bà và các đồng nghiệp là phải có một trụ sở làm việc. Tuy nhiên, công việc chính của Sabeco là sản xuất bia nên không có kinh nghiệm, thời gian để tìm hiểu về chính sách đất đai. Vì vậy, bà và các đồng nghiệp chỉ làm theo quyết sách của Bộ Công thương và UBND TP.HCM.
"Trong thời gian làm việc tại Sabeco, tôi chỉ ký một số văn bản mang tính chất hành chính. Sau các cuộc họp ban quản lý vốn nhà nước, ông Tuất có trách nhiệm báo cáo bộ, còn tôi điều hành sản xuất kinh doanh hằng ngày", bà Hạnh khai.
Theo cáo buộc, ông Tuất đã ký một số văn bản báo cáo việc lựa chọn nhà đầu tư theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công thương để liên kết thành lập công ty cổ phần thực hiện dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.
Khi Sabeco chậm triển khai, ông Tuất và các thành viên bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco bị Bộ Công thương có công văn yêu cầu giải thể Sabeco Land và sớm tìm nhà đầu tư mới.
Sau khi bộ phê duyệt chủ đầu tư mới, ông Tuất ký văn bản đề nghị UBND TP.HCM chấp thuận cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án. Các sở, ngành sau đó liền tham mưu cho lãnh đạo thành phố cho thuê đất trái quy định pháp luật. Bà Hạnh được xác định chỉ có nhiệm vụ điều hành sản xuất kinh doanh của Sabeco.
Những người này phải chấp hành ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công thương nên không bị đề cập xử lý hình sự.
TTO - Theo cáo trạng, cựu bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cùng đồng phạm có nhiều sai phạm dẫn đến quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng có diện tích 6.000m2 bị dịch chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân.