Thị trường chứng khoán mở cửa phiên giao dịch ngày 22/4 với diễn biến phân hóa mạnh ở nhóm cổ phiếu trụ cột, VN-Index vì vậy cũng biến động giằng co quanh mốc tham chiếu với những nhịp tăng, giảm điểm đan xen.
Tuy nhiên, biến động mạnh của thị trường xảy ra sau giờ nghỉ trưa khi áp lực bán tăng dần và khiến hàng loạt cổ phiếu lao dốc, đà giảm của các chỉ số cũng bị nới rộng đáng kể. Diễn biến bất ngờ xảy ra vào phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa (ATC) khi lệnh bán được đưa ra “ồ ạt” và hàng loạt cổ phiếu lớn nhỏ đều bị kéo xuống mức giá sàn.
Tại nhóm vốn hóa lớn, các mã như PVS, HSG, MSN, SSI, PVD hay GVR đều giảm sàn. Bên cạnh đó, CTG giảm 6,8% xuống 39.150 đồng/cp, STB giảm 6,7% xuống 21.000 đồng/cp, BID giảm 5,1% xuống 41.000 đồng/cp, MBB giảm 4,3% xuống 29.200 đồng/cp. HPG cũng giảm đến 3,8% xuống 55.000 đồng/cp bất chấp những thông tin hết sức tích cực trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên diễn ra sáng 22/4. Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Hòa Phát cho biết doanh thu quý I/2021 đạt 31.000 tỷ đồng tăng lợi nhuận sau thuế đạt 7.000 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận bán công ty nội thất 500 tỷ đồng, ông Long cho biết lợi nhuận các quý sau sẽ "tốt và rất tốt" vì tháng 1 và tháng 2 tiêu thụ chậm. Bên cạnh đó, ĐHĐCĐ cũng thông qua việc tăng tỷ lệ cổ tức từ 35% lên 40%, trong đó 5% bằng tiền mặt và 35% bằng cổ phiếu.
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, diễn biến không có nhiều tích cực khi toàn bộ 5 mã vốn hóa lớn nhất nhóm này đều chìm trong sắc đỏ. Đáng chú ý, VRE bị kéo xuống mức giá sàn 6.900 đồng/cp, VIC giảm 3% xuống 138.800 đồng/cp, VHM giảm 5,1% xuống 103.100 đồng/cp. VHM chỉ thực sự giảm sâu khi thị trường chung chịu áp lực bán tháo, trước đó, cổ phiếu này chính là trụ đỡ lớn nhất giúp VN-Index biến động cân bằng. Có thời điểm, VHM leo lên mức 112.400 đồng/cp. Bên cạnh đó, THD giảm 3,5% xuống 196.000 đồng/cp, NVL và BCM giảm lần lượt 1,1% và 1,6%.
Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, sắc đỏ đã áp đảo hoàn toàn, trong đó, các mã như CEO, PVL, KBC, SJS, ITA, SCR, DRH, CII hay HQC đều bị kéo xuống mức giá sàn. Bên cạnh đó, NDN giảm 9% xuống 21.300 đồng/cp, BII giảm 7,9% xuống 9.300 đồng/cp, HDG giảm 6,7% xuống 37.350 đồng/cp, DXG giảm 6,4% xuống 24.000 đồng/cp, LDG giảm 5,8% xuống 7.800 đồng/cp.
Chiều ngược lại, không có quá nhiều cổ phiếu bất động sản đi ngược lại xu hướng thị trường chung ở phiên 22/4. Trong đó, AGG gây chú ý khi tăng 1,6% lên 44.500 đồng/cp, LHG cũng tăng 0,7% lên 34.000 đồng/cp.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/4, VN-Index giảm 40,46 điểm (-3,19%) xuống còn 1.227,82 điểm. Toàn sàn có 80 mã tăng, 365 mã giảm và 30 mã đứng giá. HNX-Index giảm 9,44 điểm (-3,18%) xuống 287,04 điểm. Toàn sàn có 46 mã tăng, 195 mã giảm và 32 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 1,98 điểm (-2,42%) xuống 79,75 điểm.
Thanh khoản khớp lệnh trên hai sàn niêm yết giảm nhẹ so với phiên trước đó nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 21.879 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch 900 triệu cổ phiếu. Trong top 30 cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường có 3 mã bất động sản là FLC, ITA và HQC, trong đó, FLC đứng đầu khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với hơn 38 triệu cổ phiếu. ITA và HQC khớp lệnh lần lượt 22,7 triệu cổ phiếu và 18,7 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 6 liên tiếp với giá trị ở mức gần 116 tỷ đồng, trong đó, VRE, DXG và KDH là các cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 bán ròng toàn thị trường. VIC là cổ phiếu bất động sản được mua ròng mạnh với 132 tỷ đồng. VHM và LHG là 2 cổ phiếu bất động sản khác được mua ròng mạnh với lần lượt 14 tỷ đồng và 10 tỷ đồng.
Theo CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), cuối cùng thì sau 2 tuần giao dịch lình xình trong khoảng giá 1.230 - 1.270 điểm mà không thể bứt phá được, thị trường đã có một phiên giảm điểm rất mạnh, đây là phiên giảm mạnh nhất của thị trường kể từ phiên 8/2 (-3,9%).
Với việc thị trường đóng cửa ở dưới ngưỡng 1.250 điểm nên trên khía cạnh sóng elliot thì xác suất để thị trường nối dài sóng tăng 5 lên ngưỡng 1.325 điểm (fibonacci retracement 161,8% sóng điều chỉnh 4) là thấp hơn so với khả năng thị trường chuyển sang sóng điều chỉnh a với target gần nhất quanh 1.140 điểm (fibonacci retracement 50% sóng tăng 5). Do đó, trong phiên giao dịch cuối tuần 23/4, thị trường có thể tiếp tục giảm điểm về các ngưỡng thấp hơn để tìm kiếm lực cầu bắt đáy./.
Xem thêm: lmth.76030000042210202-4-22-neihp-gnort-taol-gnah-nas-maig-sdb-ueihp-oc/nv.semitaer