Theo kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong ba tháng đầu năm 2021 mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố, tính đến ngày 16-4 tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 2,90% so với cuối năm 2020 và tăng 15,66% so với cùng kỳ 2020. Thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) thông suốt.
Về điều hành lãi suất, từ đầu năm đến nay, NHNN vẫn giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tháng 2-2021 giảm khoảng 0,1%/năm so với tháng 12-2020.
Tỉ giá và thị trường ngoại tệ được điều hành phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ. Thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Ảnh minh họa
Về điều hành tín dụng, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tín dụng cả năm 2021 khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Cũng theo số liệu thống kê của NHNN, tính đến 16-4 vừa qua, tín dụng nền kinh tế tăng 3,34% so với cuối năm 2020. Các TCTD cũng đã quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Tính đến 5-4, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262.000 khách hàng với dư nợ khoảng 357.000 tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 663.000 khách hàng với dư nợ 1,27 triệu tỉ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23-01-2020 đến nay đạt hơn 3,16 triệu tỉ đồng.
Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng tiếp theo của năm nay, NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt trên cơ sở theo dõi sát diễn biến, dự báo kinh tế vĩ mô và thị trường nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2021 bình quân khoảng 4%, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, đảm bảo thanh khoản và duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Nâng cao chất lượng tín dụng, chủ động điều hành hợp lý tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng, lĩnh vực ưu tiên.
Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán. Tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng để kịp thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng.