Liên quan thông tin có doanh nghiệp (DN) nước ngoài đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 tại Mỹ, ngày 22-4, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho biết đến thời điểm hiện tại, sau khi xác minh thông tin, có thể thấy thương hiệu gạo ST25 đang có nguy cơ mất.
Phải bảo vệ thương hiệu
Theo ông Phú, qua kiểm tra ban đầu, có 5 hồ sơ đăng ký về bảo hộ nhãn hiệu thương mại cho gạo ST25 tại Mỹ và đang chờ xử lý. Nếu thời gian tới, DN sở hữu thương hiệu gạo này không có động thái kịp thời, khiếu nại với cơ quan cấp đăng ký nhãn hiệu của Mỹ thì có thể thương hiệu này sẽ mất.
Theo ông Phú, trường hợp DN ở Mỹ được cấp chứng nhận thương hiệu gạo ST25 tại thị trường này thì DN Việt Nam sẽ không thể xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ với nhãn hiệu gạo ST25. Đại diện Cục Xúc tiến thương mại cũng đã liên hệ với ông Hồ Quang Cua (tác giả bộ giống lúa gạo ST25 nổi tiếng) để trao đổi thông tin và tư vấn một số vấn đề liên quan đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thương mại. Cục Xúc tiến thương mại cho rằng chủ thương hiệu gạo ST25 cần nhanh chóng hoàn thiện các hồ sơ, củng cố các cơ sở pháp lý, có đội ngũ chuyên gia, luật sư để thực hiện các bước về hồ sơ chứng minh sở hữu thương hiệu sản phẩm; quá trình nghiên cứu, lai tạo sản phẩm như thế nào... nhằm bảo vệ thương hiệu.
Từ vụ gạo ST25, ông Phú cho rằng các DN cần chú trọng hơn về thương hiệu khi sản phẩm đã đưa ra thị trường thế giới, để có các bước bảo vệ thương hiệu qua việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu thương mại sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh Viêt Nam tham gia sâu rộng vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đối với những sản phẩm tốt, có thương hiệu nổi tiếng thì càng phải chú trọng bảo vệ thương hiệu, bởi các thương hiệu tốt rất dễ bị xâm hại.
Phía Bộ Công Thương cũng lưu ý thương hiệu các sản phẩm của Việt Nam ngày càng được thị trường thế giới biết nhiều hơn và có giá trị ngày càng cao. Do đó, DN cần đầu tư bài bản để xây dựng và bảo vệ thương hiệu.
Gạo ST25 bán tại TP HCM. Ảnh: NGỌC ÁNH
Chỉ bảo hộ giống lúa?
Cùng ngày, ông Hồ Quang Trí, Giám đốc DN tư nhân Hồ Quang Trí (Sóc Trăng) - chủ sở hữu giống lúa ST25, nhận định rằng vấn đề chưa đáng lo.
Ông Trí là con trai ông Hồ Quang Cua - đại diện nhóm tác giả đã nghiên cứu, lai tạo thành công các giống lúa ST nổi tiếng, trong đó nổi tiếng nhất là ST24, ST25 đã được trong và ngoài nước công nhận.
"Công tác bảo hộ chỉ thực hiện đối với giống lúa, không bảo hộ gạo. Tức là giống lúa ST25 chúng tôi được bảo hộ nhưng gạo ST25 thì không. Ngay cả DN chúng tôi cũng không được bảo hộ độc quyền gạo ST25. Điều này là hợp lý, vì DN tư nhân Hồ Quang Trí bán giống lúa ST25 ra thị trường, nông dân trồng thì sẽ thu hoạch lúa, xay xát ra gạo ST25 thì họ được bán với tên gạo này. Nhà nước chỉ bảo hộ nhãn hiệu gạo ST25 gắn với tên một DN nào đó" - ông Trí giải thích và nhận định thêm: "Tại Mỹ, các DN đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chung chung như: ST25, "Dac san Soc Trang", "Gao thom ST25"... nên khó mà được cấp văn bằng bảo hộ độc quyền".
Cũng theo ông Trí, trước giờ DN của gia đình ông chủ yếu bán giống lúa, mảng sản xuất gạo nhằm mục đích giới thiệu sản phẩm. Ba năm gần đây, khi gạo ST24, ST25 giành giải gạo ngon thế giới thì mới phát triển sản phẩm gạo. Tuy nhiên, quy mô sản xuất gạo của công ty còn rất nhỏ so với các nhà máy gạo ở đồng bằng sông Cửu Long và chỉ cung cấp nội địa. DN tư nhân Hồ Quang Trí cũng chưa có giấy phép xuất khẩu gạo nên chưa thể xuất khẩu gạo ST25 sang Mỹ.
"Các công ty xuất khẩu gạo ST25 sang Mỹ mua gạo ST25 từ nông dân hoặc chính họ mua giống lúa ST25 giao cho nông dân trồng, sau đó thu mua lúa lại. Tuy nhiên, vấn đề kiểm soát gạo ST25 có đúng là trồng từ lúa ST25 hay không thì không phải dễ, chủ yếu là uy tín của DN" - ông Trí bày tỏ.
Có thể áp dụng quy chế nhãn hiệu nổi tiếng
Theo một chuyên gia về luật, nguyên tắc của luật pháp Mỹ trong vấn đề sở hữu trí tuệ là ưu tiên cho người đầu tiên sử dụng nhãn hiệu (first-to-use). Do đó, nếu công ty chủ sở hữu tại Việt Nam chưa xuất khẩu chính thức sang Mỹ thì sẽ yếu thế hơn. Tuy nhiên, gạo ST25 là thương hiệu nổi tiếng nên có thể áp dụng quy chế về nhãn hiệu nổi tiếng.
"Thông thường chủ sở hữu tại Việt Nam phải phối hợp với nhà nhập khẩu tại Mỹ để thực hiện công tác đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đi liền công tác quảng bá, mở rộng thị trường. Ở trường hợp này thì lại mạnh ai nấy làm nên cần xem xét kỹ dựa vào các dữ liệu đầy đủ hơn để tìm giải pháp phù hợp" - chuyên gia này nhận xét.