Cuộc gọi đáng ngờ bắt đầu vào mùa hè vừa rồi.
Những kẻ thực hiện cuộc gọi cho hay, chúng là các điều tra viên đến từ Trung Quốc đại lục. Người phụ nữ 90 tuổi giàu có ở bên kia đường dây dần bị thuyết phục rằng mình là đối tượng điều tra trong một vụ án rửa tiền. Có lẽ, vì muốn làm sạch tên tuổi của mình, bà bắt đầu chuyển lượng lớn tiền tới những tài khoản ngân hàng khác.
Từ đầu tới cuối, theo cảnh sát Hong Kong, người phụ nữ giấu tên đã chuyển một khoản tiền lớn đến đáng kinh ngạc - 32,8 triệu USD tới các tài khoản mà những kẻ lừa đảo nắm quyền kiểm soát. Đây là một trong những vụ lừa đảo qua điện thoại tồi tệ nhất từng được ghi nhận trong lịch sử Hong Kong - trung tâm tài chính của châu Á.
Một sinh viên 19 tuổi, được biết đến dưới họ của anh ta - Wong, đã bị bắt với cáo buộc có liên quan đến vụ án này, theo thông cáo của cảnh sát Hong Kong. Anh ta đã bị tạm giam với nghi vấn “chiếm đoạt tài sản qua lừa đảo” rồi được tại ngoại sau khi nộp phí. Cơ quan cảnh sát cho hay họ vẫn đang tiếp tục cuộc điều tra và không loại trừ khả năng tiếp tục các vụ bắt giữ.
Số vụ lừa đảo qua điện thoại tại Hong Kong tăng vọt kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát
Số lượng các vụ lừa đảo qua điện thoại đã gia tăng rõ rệt tại Hong Kong kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Cảnh sát đặc khu này đã ghi nhận 1.193 trường hợp riêng trong năm 2020 - mức tăng lên tới 80% so với năm 2019. Điều này kéo theo sự gia tăng về mức độ thiệt hại, khi số tiền bị lừa đảo năm 2019 chỉ mới là 20 triệu USD, nhưng năm 2020 con số này đã lên tới 73 triệu USD. Trong quý đầu tiên của năm 2021, cảnh sát Hong Kong cũng đã ghi nhận khoảng 200 vụ lừa đảo qua điện thoại và khoảng 45 triệu USD thiệt hại về tài chính.
Một trong những nạn nhân của năm ngoái là một phụ nữ về hưu 65 tuổi, người cũng đã bị cướp mất số tiền 8,9 triệu USD. Trong vụ này, những kẻ lừa đảo cũng giả danh cảnh sát đại lục và buộc tội bà tham gia rửa tiền. Cảnh sát cho biết, họ đã bắt giữ 3 nghi can liên quan tới vụ án này.
Ông Mok Tsz-wai, điều tra viên trưởng về tội phạm địa phương, cho biết tại cuộc họp báo hồi tuần trước rằng: giả danh nhà chức trách đã trở thành mánh lừa đảo phổ biến, chiếm tới hơn một nửa số vụ lừa đảo qua điện thoại tại Hong Kong và chịu trách nhiệm cho tới 90% lượng tiền bị mất. Một điều tra viên khác, Ng Ka-lee, thì chia sẻ tại cuộc họp báo: nạn nhân trong các vụ lừa đảo này thường cảm thấy buộc phải chứng minh sự trong sạch của mình, nên họ sẽ phối hợp với những kẻ lừa đảo trong nỗ lực “làm sạch” hồ sơ của mình.
Những kẻ lừa đảo thường thường sẽ tìm cách “xác minh” danh tính của các nạn nhân bằng cách hỏi những thông tin cơ bản. Do sợ hãi mình có thể bị bắt hoặc tệ hơn là bỏ tù, các nạn nhân thường để lộ dữ liệu cá nhân cũng như thông tin về tài chính của bản thân. Để tăng phần tin cậy cho vụ lừa đảo, một số kẻ còn tạo ra trát hầu tòa hay sao kê ngân hàng giả, thường từ Trung Quốc đại lục hoặc các nước khác, và rồi tuyển người tới lấy tiền từ nạn nhân, hoặc hộ tống họ tới ngân hàng để thực hiện chuyển tiền.
Không có nhiều thông tin về người phụ nữ 90 tuổi được công bố trong vụ án chấn động gần đây, những thông tin như làm thế nào bà có nhiều tiền như vậy hay tại sao bà lại trở thành mục tiêu. Nhưng điều chúng ta biết rõ, là bà đã nhận được một cuộc gọi hồi tháng 8 năm ngoái từ một kẻ mạo nhận là quan chức chính phủ. Vài ngày sau, theo phía cảnh sát, một người nhận là sĩ quan cảnh sát Trung Quốc xuất hiện tại nhà bà tại khu Victoria Peak, một khu dân cư cao cấp dành cho giới nhà giàu Hong Kong, để chuyển một chiếc điện thoại mà bà phải sử dụng để giao tiếp phục vụ quá trình “điều tra”.
Những người già cả thường là đối tượng của các vụ lừa đảo, tống tiền qua điện thoại
Trong khoảng năm tháng, những kẻ lừa đảo đã đưa ra chỉ dẫn nạn nhân chuyển hàng triệu USD nhằm mục đích phục vụ điều tra. Người phụ nữ đã chuyển 1 triệu USD đầu tiên vào ngày 12 tháng Tám, theo phía cảnh sát. Tiếp đó, tính từ ngày 13 tháng Tám tới ngày 4 tháng Một, bà đã chuyển tổng cộng 31,8 triệu USD vào nhiều tài khoản ngân hàng của những kẻ lừa đảo.
Vụ lừa đảo chỉ bị đổ bể khi một người giúp việc nhà cảm thấy nghi ngờ và đã cảnh báo con gái của nạn nhân, người đã thuyết phục mẹ mình báo với cảnh sát hồi tháng Ba, theo thông tin từ cảnh sát. Tới thời điểm đó, gần 33 triệu USD đã không cánh mà bay, và không rõ nạn nhân có thể lấy lại được chút nào không.
Điều tra trưởng Mok cho biết, những người già cả là đối tượng dễ bị những kẻ lừa đảo qua điện thoại lợi dụng nhất. Ông cảnh báo mọi người nên liên lạc với những người thân đã đứng tuổi của mình thường xuyên để giảm thiểu tình trạng những vụ tương tự diễn ra. Ông nói: “Chúng tôi hi vọng mọi người sẽ gọi điện cho những người già thường xuyên hơn, không chỉ để thể hiện rằng bạn quan tâm đến họ và nhắc họ về những vụ lừa đảo qua điện thoại, mà còn để họ có thể trở nên quen thuộc với giọng nói và cách thức sử dụng từ ngữ của bạn.”
Tiến sĩ Lennon Chang, giảng viên Đại học Monash, Australia đồng thời là chuyên gia về tội phạm công nghệ cao trong khu vực Trung Quốc đại lục, cho rằng những nạn nhân già cả thường bị cản trở bởi cảm giác xấu hổ. Đôi khi, họ tiếp tục làm theo hướng dẫn từ những tên lừa đảo, những kẻ thường treo ngỏ khả năng trả lại số tiền, mặc cho việc họ bắt đầu nghi ngờ rằng mình đang bị lừa.
“Họ sợ rằng nếu họ nói với những người khác, họ sẽ bị chỉ trích vì sự khờ dại của mình”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, “Họ lo ngại việc bị chê cười. Họ không muốn bị người khác cho là ngờ nghệch tới nỗi tin vào kiểu lừa đảo này mặc dù có nhiều thập kỉ kinh nghiệm sống.”
Một việc rất quan trọng là phải loại bỏ sự kỳ thị dành cho những người vô tình rơi vào các bẫy lừa đảo tương tự, nhằm hỗ trợ nạn nhân, thuyết phục họ rằng họ chỉ là nạn nhân và đặt dấu chấm hết cho vụ lừa đảo, theo tiến sĩ Chang. Ông kết luận: “Một điều chúng ta cần thay đổi để ngăn chặn những vụ lừa đảo kiểu này: chúng ta nên dừng việc bêu riếu các nạn nhân. Chúng ta nên cho họ biết rằng đó không phải lỗi của họ, mà là những kẻ tấn công đã mưu mẹo hơn. Chúng biết cách để thao túng người khác.”
Steve
Pháp luật & bạn đọc