VKS Cấp cao tại TP.HCM vừa ban hành kháng nghị bản án TAND tỉnh Vĩnh Long xử vụ sập tường khiến bảy người tử vong.
Theo đó, VKS đề nghị cấp phúc thẩm tăng hình phạt đối với bảy bị cáo vì họ gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (có khung hình phạt 7-20 năm tù). Mức án treo toà sơ thẩm tuyên không nghiêm, không có tác dụng răn đe...
Trước đó, tòa nhận định các bị cáo đều có vi phạm trong quá trình thiết kế, thẩm tra thiết kế, thi công và cả việc kiểm tra hồ sơ thiết kế khi cấp giấy phép xây dựng công trình, dẫn đến sự cố sập bức tường. Tuy nhiên, các bị cáo không có tình tiết tăng nặng và sai phạm do lỗi vô ý do không lường trước có thể xảy ra thiệt hại về tính mạng con người. Vụ án cũng không có chủ mưu. Các bị cáo thực hiện hành vi sai phạm độc lập...
Hiện trường vụ sập. Ảnh: HD
Từ đó, TAND tỉnh đã tuyên phạt Lê Phước Thiện (phó Ban quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Long) một năm sáu tháng án treo; Trương Văn Tuấn (trưởng phòng quy hoạch và môi trường) và Nguyễn Trần Bảo Quốc (chuyên viên) hai năm án treo cùng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Bốn bị cáo Đặng Sử Quân (phó giám đốc Công ty TNHH cơ khí xây dựng công nghiệp Hưng Thịnh Phát), Nguyễn Thanh Tùng (giám đốc Công ty TNHH thương mại, xây dựng, dịch vụ Cát Thành), Trần Quan Trừ (kỹ sư) và Dương Thanh Phong (giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng Long An) từ một năm sáu tháng tù đến hai năm sáu tháng án treo về tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Trưa 15-3-2019, bức tường dài 35 m, cao gần 13 m của công trình bất ngờ sập đè lên các công nhân khiến bảy người chết, một người bị thương.
Theo kết luận, nguyên nhân chính gây ra sự cố là kết cấu tường đầu hồi nhà xưởng được tính toán, thiết kế không hợp lý với sơ đồ kết cấu.
Bức tường cũng không đảm bảo khả năng chịu lực như trọng lượng bản thân, tải trọng do độ lệch tâm, dung sai trong thi công và tải trọng gió. Chất lượng bêtông cột không đồng đều và cốt thép chịu lực ở một số vị trí không đồng đều; một số vị trí tường xây thiếu vữa chèn mạch dọc.
Qua điều tra xác định được Quân ký hợp đồng với Công ty TNHH Bohsing (tại Khu công nghiệp Hòa Phú, thuộc ấp Phước Hòa, xã Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) để xây dựng.
Trong quá trình thực hiện công trình, Quân giao cho nhân viên dưới quyền lập bảng vẽ thiết kế kỹ thuật; triển khai thực hiện hồ sơ kết cấu và thuê người thiết kế về phần kiến trúc thẩm mỹ.
Tùng là giám đốc công ty Cát Thành dù chưa có chứng chỉ hoạt động phù hợp với loại công trình công nghiệp nhưng vẫn được thuê ký đóng dấu vào đơn vị thiết kế.
Kỹ sư Trừ được thuê thẩm tra thiết kế nhưng không kiểm tra hồ sơ mà thực hiện làm các thủ tục hồ sơ thẩm tra thiết kế.
Sau khi hoàn tất hồ sơ, Trừ nhờ Phong (giám đốc) ký tên, đóng dấu vào hồ sơ thẩm tra thiết kế để hợp thức hóa hồ sơ.
Còn các bị cáo cán bộ nhân viên Ban quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Long được giao nhiệm vụ kiểm tra tính đúng đắn, chính xác và trình tự thủ tục của các tài liệu trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên trong cấp phép xây dựng, đã thiếu trách nhiệm, không thực hiện đầy đủ. Quá trình thẩm định thiết kế cơ sở, cấp giấy phép xây dựng và phê duyệt các thủ tục khác có liên quan, chưa đảm bảo quy định pháp luật.