Sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng trong giờ học thực hành - Ảnh: M.G.
Theo đó, về kiến nghị của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam về việc chuyển vai trò quản lý nhà nước hệ đào tạo cao đẳng từ Bộ Lao động - thương binh và xã hội về Bộ GD-ĐT, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến, theo đó một mặt chuyển giao các Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Bộ GD-ĐT nghiên cứu; mặt khác giao bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa lệnh của Thủ tướng trả lời hiệp hội bằng văn bản.
Trước đó, ngày 17-3-2021, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có văn bản kiến nghị gửi đến các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước đề xuất chuyển vai trò quản lý nhà nước hệ đào tạo cao đẳng từ Bộ Lao động - thương binh và xã hội về Bộ GD-ĐT.
Trong kiến nghị này, hiệp hội đã chỉ ra những bất cập, hạn chế và khó khăn khi chuyển trường cao đẳng về cho Bộ Lao động - thương binh và xã hội quản lý.
Việc này tạo ra "điểm nghẽn" gây khó khăn cho công tác hướng nghiệp, phân luồng và liên thông; khó khăn trong việc xây dựng và thực hiện quy hoạch tổng thể về giáo dục đào tạo. Ngoài ra còn có nhiều hạn chế trong tuyển sinh đào tạo, kiểm định chất lượng, chồng chéo trong quản lý...
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), đến hết năm 2020 cả nước có 1.909 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (399 trường cao đẳng, 458 trường trung cấp và 1.052 trung tâm giáo dục nghề nghiệp), trong đó có 680 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 35,5%)...
2 kiến nghị của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam
1. Quốc hội sớm điều chỉnh Luật giáo dục, Luật giáo dục đại học, Luật giáo dục nghề nghiệp theo các định hướng:
- Đưa trình độ cao đẳng về trở lại bậc giáo dục đại học.
- Đổi tên Luật giáo dục nghề nghiệp thành Luật giáo dục nghề với các trình độ: sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao cấp nghề.
- Khuyến khích phát triển trung học nghề, chấp nhận sự tương đương giữa hai bằng trung học phổ thông và trung học nghề nhằm phân luồng triệt để học sinh sau trung học cơ sở.
2. Đưa quản lý nhà nước về đào tạo cao đẳng về chung một đầu mối với các cấp độ khác thuộc giáo dục đại học, tức là về lại Bộ GD-ĐT.
TT - Dù được thông qua tại kỳ họp Quốc hội thứ 8, nhưng Luật giáo dục nghề nghiệp vẫn để ngỏ cơ quan quản lý nhà nước chung cho hệ thống các trường cao đẳng (CĐ), CĐ nghề, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề sau khi đã hợp nhất về một đầu mối.