vĐồng tin tức tài chính 365

Vietcombank dự kiến tăng vốn điều lệ lên hơn 50.000 tỉ đồng

2021-04-23 11:35

Vietcombank dự kiến tăng vốn điều lệ lên hơn 50.000 tỉ đồng

Hoàng Thắng

(KTSG Online) - Vốn điều lệ của Vietcombank dự kiến tăng từ 37.088 tỉ đồng lên 50.401 tỉ đồng, nếu hai hoạt động gồm phát hành cổ phiếu cho cổ đông và chào báo riêng lẻ cổ phần cho nhà đầu tư được thực hiện thành công.

Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Vietcombank. Ảnh: H. Thắng

Kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 37 ngàn lên 50 ngàn tỉ đồng

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), cho biết sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 37.088 tỉ đồng lên 50.401 tỉ đồng tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021 diễn ra sáng 23-4.

Việc tăng vốn sẽ được tiến hành theo hai cấu phần. Với cấu phần thứ nhất, ngân hàng sẽ phát hành hơn 1,023 tỉ cổ phiếu, tương đương tỷ lệ tối đa 2,76% - cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu VCB tại thời điểm phát hành nhận tối đa 276 cổ phiếu mới.

Nguồn vốn phục vụ hoạt động phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn lại của năm 2019, sau khi chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 8%. Thời gian thực hiện chia cổ tức là trong năm 2021.

Vốn điều lệ của Vietcombank dự kiến tăng từ 37.088 tỉ đồng lên hơn 47.325 tỉ đồng, nếu đợt phát hành diễn ra thành công.

Với cấu phần thứ hai, ngân hàng sẽ chào bán riêng lẻ cổ phần phổ thông cho tối đa 99 nhà đầu tư. Số lượng cổ phần tối đa được Vietcombank dự kiến phát hành ở cấu phần này là hơn 307,614 triệu cổ phần - bằng 6,5% số cổ phần lưu hành tại thời điểm phát hành - sau khi ngân hàng đã hoàn thành việc tăng vốn theo cấu phần thứ nhất.

Giá phát hành cổ phần không thấp hơn định giá của tổ chức định giá và bình quân số học giá đóng cửa của 10 phiên giao dịch liền kề trước ngày nhà đầu tư thông báo mua. Thời gian thực hiện chào bán trong năm 2021 và tiếp tục trong năm 2022, nếu chưa hoàn thành.

Vốn điều lệ của Vietcombank dự kiến tăng từ 47.325 tỉ đồng lên hơn 50.401 tỉ đồng, nếu đợt chào bán diễn ra thành công.

Đáng chú ý, Vietcombank sẽ dành một phần vốn phát hành mới cho đối tác chiến lược Mizuho Bank (Nhật Bản) để giữ tỷ lệ sở hữu tối thiểu 15%. Theo đó, cổ đông ngoại này dự kiến nhận phát hành hơn 46,1 triệu cổ phiếu mới, tương đương 0,92% cổ phần sau phát hành trên cơ sở quyết định đầu tư trước đó.

Lý giải quyết định tăng vốn điều lệ, lãnh đạo Vietcombank cho biết ngân hàng đã hoàn thành phát hành tương đương 3% vốn điều lệ (tỷ lệ sau khi phát hành) cho nhà đầu tư nước ngoài GIC và cổ đông hiện hữu Mizuho vào tháng 1-2019.

Nhưng kết quả này chỉ giúp Vietcombank hoàn thành được 1/3 kế hoạch tăng vốn, theo phương án phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài được NHNN phê duyệt đầu năm 2018. Hiện vốn điều lệ của Vietcombank đang thấp hơn khoảng 21.000 tỉ đồng so mức kế hoạch tại phương án cơ cấu lại đã được NHNN phê duyệt tương ứng cho năm 2020.

Ngoài ra, việc tăng vốn điều lệ sẽ tạo điều kiện để ngân hàng mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế và đầu tư cho các dự án chuyển đổi để nâng cao năng lực quản trị và hoạt động, theo lãnh đạo Vietcombank.

Trước đó, báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết việc việc phát hành riêng lẻ sẽ giúp củng cố bộ đệm vốn của Vietcombank trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng tiếp tục ước ở mức hai chữ số để duy trì tốc độ tăng trưởng GDP 6-8% trong những năm tới.

Số vốn tăng thêm sau các đợt phát hành cổ phiếu, cổ phần dự kiến được Vietcombank sử dụng cho hai mục tiêu.

Thứ nhất, đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư công nghệ và tài sản cố định với vốn đầu tư khoảng 500 tỉ đồng.

Thứ hai, mở rộng hoạt động tín dụng, kinh doanh vốn và các hoạt động kinh doanh khác với vốn đầu tư là toàn bộ số tiền còn lại thu được từ đợt chào bán cổ phần.

Kiểm soát nợ xấu dưới 1%

Cũng tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, HĐQT Vietcombank dự kiến trình cổ đông thông qua mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 25.85 tỉ đồng, tăng 11% so với năm 2020.

Ngân hàng cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế riêng lẻ là 25.000 tỉ đồng. Chỉ tiêu này đã được điều chỉnh theo ý kiến của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính.

Các chỉ tiêu còn lại cũng HĐQT ngân hàng dự kiến trình cổ đông thông qua, gồm:

Chỉ tiêuKế hoạch năm 2021
Tổng tài sản+5%
Huy động vốn từ nền kinh tế+7%
Tín dụng+10,5%
Tỷ lệ nợ xấu< 1%
Tỷ lệ chi trả cổ tức (%/mệnh giá)8%

 

Trước đó, Vietcombank đã kết thúc năm 2020 với lợi nhuận trước thuế hơn 23.000 tỉ đồng, tương đương năm 2019 và đạt 116,3% kế hoạch được ĐHĐCĐ thông qua.

Tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 1,32 triệu tỉ đồng, tăng 8,5% so với năm 2019. Dư nợ tín dụng đạt hơn 845 ngàn tỉ đồng, tăng 14% so với năm trước.

Còn huy động vốn đạt hơn 1,05 triệu tỉ đồng, tăng 10,9% so với năm 2019.

Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu năm 2020 được Vietcombank kiểm soát ở mức 0,62%, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt 380% - cao nhất toàn ngành ngân hàng. 

Về nhân sự, HĐQT Vietcombank dự kiến trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm ông Eiji Sasaki - thành viên HĐQT, kiêm Phó Tổng Giám đốc. Nhân sự được HĐQT ngân hàng đề cử cổ đông bầu thay thế là ông Shojiro Mizoguchi, hiện làm việc ở phòng điều phối doanh nghiệp toàn cầu của ngân hàng Mizuho và giữ vị trí Tổng giám đốc khối kinh doanh khu vực châu Á của ngân hàng.
 

Xem thêm: lmth.gnod-it-00005-noh-nel-el-ueid-nov-gnat-neik-ud-knabmocteiv/476513/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Vietcombank dự kiến tăng vốn điều lệ lên hơn 50.000 tỉ đồng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools