Đề xuất bổ sung nhiều đối tượng tham gia BHXH bắt buộc
T.H
(KTSG Online) - Dự thảo xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với một số nhóm như chủ hộ kinh doanh cá thể; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương...
Ảnh minh họa: TTXVN |
Theo Tờ trình của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, Bộ này đề xuất bổ sung nhiều quy định liên quan đến mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Dự thảo sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm. Mức hưởng lương hưu được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội. Mục tiêu nới rộng quy định này nhằm mở rộng đối tượng tham gia BHXH, góp phần hạn chế rút BHXH một lần.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng có điều kiện và khả năng như chủ hộ kinh doanh cá thể; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương.
Đồng thời, dự thảo quy định cụ thể việc tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động làm việc không trọn thời gian; bổ sung quy định việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với trường hợp công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đồng thời là người giao kết hợp đồng lao động.
Dự thảo cũng điều chỉnh quy định điều kiện hưởng BHXH một lần theo hướng có lộ trình tiến tới chỉ giải quyết đối với người lao động khi đã hết tuổi lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà không có nhu cầu đóng tiếp. Trừ trường hợp ra nước ngoài để định cư hợp pháp hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà có nhu cầu nhận một lần hoặc quy định trường hợp chưa hết tuổi lao động mà nhận bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng thấp hơn.
Dự thảo sửa đổi Luật sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua trong các kỳ họp năm 2022 và 2023. Thời gian Luật có hiệu lực dự kiến từ ngày 1-1-2024.
Theo TTXVN, Bộ LĐTBXH
Xem thêm: lmth.coub-tab-hxhb-aig-maht-gnout-iod-ueihn-gnus-ob-taux-ed/076513/nv.semitnogiaseht.www