Thời gian gần đây, ứng dụng đặt và giao đồ ăn Now đã vấp phải làn sóng phản đối từ các tài xế vì chính sách ghép đơn mới. Chính sách này được cho là đã giáng đòn nặng lên thu nhập của cánh tài xế, trong bối cảnh họ đã ức chế với chính sách ép nhận đơn ghép từ trước đó.
Cụ thể, ghép đơn là tính năng mới hỗ trợ tài xế giao nhiều đơn trên cùng một chuyến đi, thực chất đã được hầu hết các ứng dụng GrabFood hay Baemin áp dụng phổ biến. Tuy nhiên, trong khi tính năng ghép đơn tại GrabFood sẽ ghép sao cho các đơn đặt tại cùng nhà hàng hoặc nhà hàng của đơn hàng ghép tiếp theo nằm trên cùng hành trình, nhằm đảm bảo cả trải nghiệm của tài xế lẫn khách hàng, thì Now bị các tài xế tố ghép đơn các nhà hàng cách nhau có khi tới 3 - 5km, cộng thêm việc phải chờ đồ ăn lâu khiến các tài xế ức chế dồn nén.
Những bất cập trong chính sách làm việc với đối tác tài xế chỉ là một trong nhiều thách thức đối với Foody - doanh nghiệp sở hữu ứng dụng Now, hiện đang phải gồng khoản lỗ ngày càng phình to, trong cuộc đua khốc liệt với các đối thủ quốc tế sừng sỏ như Grab Food, GoFood và Baemin.
BÌNH QUÂN MỖI NGÀY LỖ 2 TỶ ĐỒNG
Now (tiền thân là Delivery Now) được biết đến là một trong những ứng dụng giao đồ ăn phổ biến tại Việt Nam hiện nay, ra mắt từ năm 2016 bởi Công ty Cổ phần Foody.
Công ty mẹ Foody được thành lập từ năm 2012, khởi đầu là một trang tìm kiếm và đánh giá địa điểm ăn uống tại Việt Nam. Ông Đặng Hoàng Minh (SN 1984) là nhà sáng lập kiêm đại diện pháp luật, hiện đang giữ chức Chủ tịch HĐQT. Trước khi những đối thủ sừng sỏ từ nước ngoài như Grab, Baemin hay Gojek nhảy vào cạnh tranh, Now cũng từng thống lĩnh thị trường giao đồ ăn Việt trong thời gian khá lâu.
Từ năm 2016 đến 2019, doanh thu của Foody ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể qua các năm, thậm chí năm này tăng 2-3 lần so với năm trước. Cụ thể, nếu năm 2016, Foody chỉ mang về nguồn thu 32 tỷ đồng thì sau 1 năm, con số này đã chạm mức 130 tỷ đồng. Năm 2018 và 2019, doanh thu của Foody tiếp tục tăng trưởng rất tích cực, lần lượt đạt 255 và 519 tỷ đồng.
Tuy nhiên, càng kinh doanh doanh nghiệp này càng lỗ lớn. Đồ thị thể hiện lợi nhuận của startup này hoàn toàn là con số âm, dốc ngược theo thời gian và ngày càng lún sâu. Mức lỗ năm 2019 là 650 tỷ đồng, gấp 1,5 lần mức lỗ năm 2018 và gấp đến hơn 16 lần so với 2016. Bình quân mỗi ngày doanh nghiệp này gánh khoản lỗ 2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, với số lỗ lũy kế của Foody chưa vượt quá vốn điều lệ, doanh nghiệp này vẫn có thể tiếp tục cầm cự. Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp này đạt 672 tỷ đồng (tăng 204 tỷ đồng so với cuối năm 2018), trong đó vốn chủ sở hữu là 244 tỷ, chiếm 36%.
Ngoài đặt và giao đồ ăn, Now - cỗ máy cày tiền cho Foody - hiện đã mở rộng sang các mảng giao thực phẩm, rượu bia, hoa, hàng tiêu dùng nhanh, thuốc và giặt ủi.
CỰU BINH TRÊN THỊ TRƯỜNG KHỐC LIỆT
Tại thị trường Việt Nam, ba cái tên đặt những viên gạch đầu tiên cho dịch vụ gọi món tại Việt Nam là Foodpanda, Vietnammm, Foody - đến nay nếu không đổi chủ, đổi tên thì cũng rút hoàn toàn khỏi thị trường Việt Nam.
Foodpanda "bán mình" cho đối thủ vào cuối năm 2015 và rút hoàn toàn khỏi thị trường Việt Nam sau đó. Đầu tháng 5/2019, Vietnammm cũng thông báo trên fanpage cho biết đã được đổi tên thành "Baemin Vietnam". Baemin thuộc sở hữu của Woowa Brothers, đơn vị đang cung cấp dịch vụ giao nhận đồ ăn Baedal Minjok hàng đầu Hàn Quốc.
Cuối năm 2017, Lala, được đầu tư bởi Scommerce Group, trở thành cái tên tiếp theo tham gia trong lĩnh vực gọi món, giao đồ ăn. Từng được xem là "ngôi sao đang lên" nhờ lợi thế về công nghệ và lực lượng giao hàng trong hệ sinh thái của Scommerce Group, nhưng chưa đầy một năm sau đó, ứng dụng này biến mất.
So với hai cái tên đầu tiên là Foodpanda và Vietnammm, Foody, được xem là trường hợp may mắn khi vẫn giữ nguyên thương hiệu, dù đã được bán lại cho Airview Investment - một công ty được cho là liên quan đến SEA vào cuối năm 2017.
Thời điểm mới ra đời, Foody đã trở thành một startup nổi bật khi nhanh chóng trải qua hàng loạt vòng gọi vốn thành công. Năm 2012, Foody nhận khoản đầu tư giai đoạn đầu từ CyberAgent Ventures (CAV) – một quỹ đầu tư đến từ Nhật Bản. Ít lâu sau startup này cũng nhận được khoản đầu tư series A từ quỹ nói trên.
Vòng gọi vốn Series B, Foody nhận được khoản đầu tư từ Garena (Singapore) vào ngày 7/7/2015. Và chỉ 21 ngày sau đó, Foody tiếp tục thông báo vừa nhận thêm khoản đầu tư series C từ Tiger Global Management – một quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu của Mỹ.
Đến khoảng tháng 9/2017, một nguồn tin từ DealstreetAsia cho biết Sea đã mua lại 82% cổ phần của Foody với giá 64 triệu USD, tương đương gần 1.500 tỷ đồng. Từ năm 2015, Foody mở rộng đầu tư thêm các lĩnh vực mới gồm du lịch, làm đẹp, sức khỏe, mua sắm, giáo dục và dịch vụ cưới hỏi.
Cũng nhờ có công ty mẹ với nguồn vốn dồi dào mà Foody mới có đủ lực để "đốt tiền" giành thị phần và cạnh tranh với những cái tên xuất hiện sau nhưng vô cùng "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" như GrabFood, GoFood và Baemin.
Theo một khảo sát của Q&Me về thị trường giao đồ ăn trực tuyến năm 2020, Now vẫn là ứng dụng phổ biến và được ưa chuộng. Trong số 1.046 người thực hiện khảo sát, tỷ lệ sử dụng Grab Food và Now đều lên tới 73%. Baemin và GoFood (Gojek) khiêm tốn hơn, khoảng 46%. Tương tự, về độ phổ biến của các ứng dụng gọi đồ ăn, Grab Food và Now cùng chia nhau vị trí số 1, với 73% người được hỏi sử dụng.
Ngọc Diệp (Tổng hợp)
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị