Có ý kiến cho rằng đây là tình trạng “chảy máu chất xám” từ khu vực Nhà nước sang khu vực tư nhân, đồng thời cũng đặt ra không ít câu hỏi trong việc giữ chân người tài trong khu vực Nhà nước. Xung quanh câu chuyện này, PV đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực lao động.
PV: Từ câu chuyện hơn 200 cán bộ, bác sĩ ở bệnh viện Bạch Mai nghỉ việc, chuyển việc có ý kiến cho rằng, đây là hiện tượng “chảy máu chất xám” từ khu vực hành chính công sang khu vực tư nhân. Là chuyên gia nhiều năm trong lĩnh vực lao động, bà đánh giá thế nào về việc này?
TS Nguyễn Thị Lan Hương: Tôi cho rằng đây là điều bình thường khi hình thức quản lý lao động thay đổi. Theo tôi được biết, Bệnh viện Bạch Mai hiện đã được giao quyền tự chủ, thì họ sẽ có những chính sách thay đổi liên quan đến tiền lương, tiền thưởng, chế độ đãi ngộ. Họ có quyền chủ động hơn trong tiếp nhận và sa thải người lao động. Trước đây họ là bệnh viện Nhà nước, cơ chế quản lý khác hoàn toàn, Giám đốc bệnh viện không thể toàn quyền, còn người lao động muốn nghỉ không dễ mà muốn vào cũng thế.
TS. Nguyễn Thị Lan Hương. |
Bây giờ thay đổi phương pháp quản lý, đi theo định hướng của thị trường lao động thì việc số lượng lớn lao động như thế luân chuyển cũng là bình thường. Bởi vì khi thay đổi hình thức quản lý thì có người lao động không hài lòng với chế độ đãi ngộ ở yêu cầu mới thì người ta ra đi. Nhóm ra đi có hai loại, một loại là tự nguyện ra đi, một loại là buộc phải ra đi. Tôi cho rằng, đây chính là đòn bẩy để bệnh viện đánh giá rằng người ra đi là người giỏi chuyên môn thì phải có các giải pháp giữ chân lao động, kích thích được lao động.
Đặc biệt tôi nhấn mạnh một điều, đừng nghĩ đó là “chảy máu chất xám” bởi những người ra đi này họ chỉ từ khu vực này sang khu vực khác. Đứng về mặt quyền lợi chung của cả ngành y tế thì họ vẫn phục vụ công tác của ngành. Chẳng qua từ xưa đến nay chúng ta có suy nghĩ mặc định rằng, cơ quan đó là chủ sở hữu của những lao động đó, nên muốn đối xử thế nào thì đối xử và Nhà nước là một cái gì đó rất màu mỡ. Thế nhưng thực tế không phải, đó là chuyện bình thường của thị trường lao động.
PV: Trường hợp của bệnh viện Bạch Mai tôi đưa ra cũng chỉ là một ví dụ gần đây, còn ở rất nhiều cơ quan Nhà nước khác, nhiều năm qua cũng đã có không ít người đi ra khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh làm việc?
TS Nguyễn Thị Lan Hương: Tất nhiên là những người ở trình độ cao người ta cũng muốn có những đãi ngộ cả về vật chất và phi vật chất cao hơn. Nếu ở trong cơ quan Nhà nước người ta được hưởng những thứ đó phù hợp với năng lực thì người ta ở lại, còn không thì người ta ra đi. Tôi còn cho rằng đó là hiện tượng lành mạnh của thị trường lao động. Các cơ quan Nhà nước muốn giữ được những người đó thì phải đảm bảo các điều kiện cho người ta, đặc biệt là những người làm chuyên môn
PV: Nhưng có câu chuyện cũng cần phải đặt ra, ở các cơ quan hành chính công nếu không giữ được những người đó thì chất lượng công việc sẽ giảm sút. Ví dụ như trường hợp bệnh viện Bạch Mai, nếu những người có chuyên môn cao ra đi thì những người nghèo, người có thu nhập trung bình đa số trong xã hội hiện nay sẽ thiệt thòi vì không được khám chữa bệnh ở trạng thái tốt nhất mà ra ngoài bệnh viện tư thì lại không đủ khả năng chi trả?
TS Nguyễn Thị Lan Hương: Tôi cho rằng lý luận đó là chưa hẳn đúng. Ví dụ như ngành Y tế, các bệnh viện Nhà nước vẫn tập trung rất nhiều người giỏi, không chỉ có những người ra đi. Người ta đến các bệnh viện vì khả năng chuyên môn của bệnh viện tốt chứ không phải đến vì bác sĩ nào. Chẳng hạn người ta đến Bệnh viện Bạch Mai không phải vì ông A, ông B mà người ta đến vì đó là cơ sở khám chữa bệnh hàng đầu. Tôi cũng từng làm việc trong cơ quan Nhà nước nên tôi hiểu, những người làm việc trong đó cũng được đào tạo bài bản, nhưng chưa có điều kiện phát huy. Khi những người giỏi ra đi thì người ta có điều kiện pháp huy, sẽ tạo ra lớp kế cận mới có trình độ. Đây chính là cơ hội để thị trường lao động lành mạnh hơn. Chẳng hạn như trong trường hợp của ngành y tế này, những người giỏi ra làm ở khu vực tư nhân, năng suất sẽ cao hơn thì bệnh viện tư nhân sẽ hạ giá thành, chi phí khám chữa bệnh xuống. Điều đó sẽ dẫn đến cạnh tranh lành mạnh trong ngành y tế và chi phí khám chữa bệnh cũng phải giảm.
PV: Đó là câu chuyện của ngành Y tế, còn rất nhiều ngành khác, nếu không có người giỏi thì chất lượng công việc sẽ giảm?
TS Nguyễn Thị Lan Hương: Quan điểm của tôi là từ xưa đến nay, khu vực Nhà nước cũng chẳng dựa vào người giỏi. Khu vực này tồn tại không phải vì có nhiều người giỏi mà vì khu vực Nhà nước có nhiều đặc quyền, đặc lợi. Vì có nhiều đặc quyền đặc lợi nên những người giỏi mới vào đó. Nguồn nhân lực khu vực Nhà nước có trình độ khá cao và tính chất khá đồng đều. Từ xưa đến nay, khu vực Nhà nước có phải dựa hoàn toàn vào người giỏi đâu.
PV: Thế nhưng ai cũng phải thừa nhận là người giỏi quan trọng chứ, thưa bà?
TS Nguyễn Thị Lan Hương: Người giỏi quan trọng nếu như người đứng đầu cơ quan Nhà nước đó được toàn quyền quyết định. Ngành nào cũng thế, trước nay nhân lực là do Sở Nội vụ quản lý, các cơ quan Nhà nước đâu có được toàn quyền để tuyển. Người kém thì không được quyền sa thải, người giỏi thì không được toàn quyền đãi ngộ. Hiện nay khi thị trường lao động đã cạnh tranh lành mạnh thì nó sẽ tự điều tiết sao cho phù hợp.
PV: Qua câu chuyện này, chúng ta đều thấy, mấu chốt ở đây là chế độ đãi ngộ, phúc lợi. Theo bà, để khu vực Nhà nước giữ chân được những người tài thì cần phải có những điều chỉnh gì?
TS Nguyễn Thị Lan Hương: Theo tôi, điều đầu tiên là phải giao quyền tự chủ. Khu vực công, hành chính công phải đi theo hướng phân cấp, phân quyền. Những người ở cơ sở phải được giao quyền đánh giá, đãi ngộ, sử dụng những lao động giỏi. Chứ cơ chế hiện nay thì rất khó. Ví dụ, hiện nay một ông vụ trưởng nhưng có được quyền tuyển lao động đâu. Chính vì thế mới sinh ra hiện tượng “con ông cháu cha”, rồi người vào theo cửa nọ, cửa kia, không cạnh tranh bình đẳng. Do đó nếu khu vực công muốn sử dụng được người tài phải đưa ra cơ chế cho những người sử dụng lao động. Thêm nữa là hệ thống chức danh, tiêu chuẩn việc làm phải rõ ràng. Ví dụ như anh cần tuyển một cô kế toán trưởng, chỉ cần người ta đủ tiêu chuẩn là tuyển, chứ không cần phải từ một nhân viên kế toán, rồi lên phó phòng kế toán rồi mới lên kế toán trưởng.
Thêm nữa là trong tuyển dụng phải cho phép cả tư nhân họ tham gia, cạnh tranh lành mạnh thì sẽ tuyển được những người tốt. Chế độ đãi ngộ tuy vẫn còn phải ràng buộc theo cơ chế nhà nước nhưng cũng cần phải có sự vận dụng linh hoạt. Chứ còn cứ theo chính sách tiền lương của Nhà nước thì làm sao mà tuyển dụng và giữ chân được người giỏi. Như vậy thì người đứng đầu cơ quan phải có quyền, phải được phân cấp, phân quyền cụ thể.
Xin cảm ơn bà!
Xem thêm: /615836-ioig-iougn-nahc-uig-ohk-hcas-hnihc-hnihc-ueid-gnohK/us-ioht/nv.moc.dnac