Lượng nước rất nhỏ dồn lại ở khu vực trũng giữa lòng hồ, hai nhà máy nước sử dụng nước tại đây để lọc cấp cho TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương - Ảnh: ĐỨC THỌ
Nếu để hồ Đankia - Suối Vàng tiếp tục khô cạn và ô nhiễm, 10 năm nữa Đà Lạt không có nước uống - đó là cảnh báo được nêu ra trong một kỳ họp HĐND tỉnh Lâm Đồng năm 2017. Nay người Đà Lạt đang lo âu, có vẻ như điều tồi tệ nhất đang đến sớm hơn dự kiến.
Trăm dâu đổ "đầu" Đankia - Suối Vàng
Hồ Đankia - Suối Vàng có cảnh quan tuyệt đẹp dưới chân danh thắng Langbiang. Đó là chuyện ngày trước. Lòng hồ bây giờ nền đất khô nẻ, xe máy, ôtô có thể chạy phăng phăng. Đứng đây, nhiều người cứ liên tưởng như đang đứng giữa vùng rốn hạn Ninh Thuận mùa cao điểm hạn hán.
"Cạn như thế này chưa từng có, những năm thời tiết khắc nghiệt hơn cũng không đến nỗi này" - ông Nguyễn Văn Dũng, người trồng hoa trong nhà kính cạnh hồ Đankia - Suối Vàng, hoang mang.
Ông Hồ Đắc Túc, trồng rau cạnh đó, than vãn: "Năm ngoái, thay vì bơm nước hồ tưới rau, tôi đã phải khoan giếng. Năm nay tệ hơn, hồ cạn không còn giọt nước".
20 năm làm nông ở khu vực dưới chân Langbiang, ông Túc chưa từng chứng kiến cảnh này. Xe tải có thể chạy tốc độ cao, gia súc có thể thả rông trên mặt hồ. Chiếc canô từng chở khách đi vào "cây thông cô đơn" đã bị kéo lên bờ nằm chỏng chơ trên nền đất nẻ.
"Hồ cạn vầy, chạy xe máy băng qua hồ vào chỗ cây thông luôn. Nhưng chắc chẳng còn chút đẹp đẽ, lãng mạn nào giữa khô cạn thế này", Trương Thành Long (du khách TP.HCM) nói.
Phần lớn hồ Đankia - Suối Vàng không còn nước, lượng nước còn lại dồn về phía thung lũng Vàng, ông Trần Quang Tuyến (người dân Đà Lạt) lo lắng: "Cạn thế này thì chắc không bao lâu nữa Đà Lạt không có nước sinh hoạt. Chất lượng nước sẽ không đảm bảo an toàn".
Hồ Đankia - Suối Vàng nằm trong vùng lõi khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang. Đây là nơi khởi nguồn hệ thống sông Đồng Nai. Hồ có diện tích lưu vực khoảng 13.000ha, độ sâu trung bình 6m, phần lớn thuộc huyện Lạc Dương, còn lại thuộc TP Đà Lạt.
Hồ còn cung cấp nước cho Nhà máy thủy điện Ankroet, mỗi ngày cung cấp 74.000m3 nước sinh hoạt cho TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương. Đây cũng là nguồn nước tưới cho khu vực xung quanh hồ.
Lượng nước rất nhỏ dồn lại ở khu vực trũng, 2 nhà máy nước sử dụng nước tại đây để lọc cấp cho TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương - Ảnh: ĐỨC THỌ
Phần lớn lòng hồ Đankia - Suối Vàng đã cạn khô, nông dân không chỉ trồng cây đơn thuần mà còn dựng nhà kính với diện tích lớn - Ảnh: ĐỨC THỌ
Phân bón người dân tập kết ở khu lòng hồ để chuẩn bị trồng hoa màu - Ảnh: ĐỨC THỌ
Ruộng nông sản của dân được mở ngay trên lòng hồ Đankia - Suối Vàng - Ảnh: ĐỨC THỌ
Nước ít nên chỉ dồn lại ở khu vực trũng của hồ - Ảnh: ĐỨC THỌ
Hồ đang chết dần chết mòn
Hồ cạn, nông dân dựng nhà chứa nông sản ở lòng hồ. Máy cày, máy đào, máy ủi, xe tải lớn thường hiện diện dưới lòng hồ. Một số hộ dân còn chở đất màu mỡ hơn ở nơi khác đến phủ lên trên nền hồ thành những khu vườn rộng lớn, bằng phẳng.
Theo các chuyên gia thủy lợi, việc này gây nên những biến đổi rất lớn kết cấu lòng hồ, sau này muốn khắc phục phải tốn kém gấp nhiều lần so với lợi nhuận từ việc trồng nông sản ở lòng hồ.
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, hiện nay các nhà máy cấp nước sinh hoạt cho TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương đã sử dụng lượng nước vượt quá kế hoạch cấp nước của hồ (24.000m3/ngày đêm). Điều này khiến hồ càng mau chóng rơi vào tình trạng cạn kiệt nước mặt.
Thủy điện Ankroet có kế hoạch sử dụng 133 triệu m3/năm, hiện nước hồ chỉ đáp ứng được 90%.
Quanh hồ trước kia là vùng trồng cây lâu năm, nay đã thành vùng nhà kính trồng hoa, cây ngắn ngày. Việc thay đổi này cần nhiều nước, làm giảm lượng nước ngầm. Ước tính mỗi năm, cây ngắn ngày đã tiêu tốn hơn 30 triệu m3 nước từ hồ này.
Theo đánh giá của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, ngoài việc thất thoát nước, lòng hồ có 8 triệu m3 chất rắn sau nhiều năm không được nạo vét. Tốc độ bồi lắng đang ở mức độ nghiêm trọng và đang tăng nhanh theo diện tích đất nông nghiệp quanh hồ và ở thượng nguồn.
Người dân đi lại bằng xe máy ngay trên lòng hồ Đankia - Suối Vàng - Ảnh: ĐỨC THỌ
Đàn gia súc đi kiếm ăn trên lòng hồ Đankia - Suối Vàng - Ảnh: ĐỨC THỌ
Lòng hồ Đankia - Suối Vàng khô nứt đất, chuyện hi hữu nhưng xảy ra ngay tại rốn nước của Đà Lạt - Ảnh: ĐỨC THỌ
Người dân trồng hoa màu ngay bên trong lòng hồ Đankia - Suối Vàng - Ảnh: ĐỨC THỌ
Người dân thuê máy ủi san gạt đất bên trong lòng hồ để trồng cây - Ảnh: ĐỨC THỌ
"Đà Lạt thứ 2" đã không còn hấp dẫn
Năm 2019, UBND tỉnh Lâm Đồng công bố quy hoạch vùng Đankia - Suối Vàng (huyện Lạc Dương) được xem là đô thị vệ tinh của Đà Lạt, phát triển mạnh du lịch nghỉ dưỡng cùng với khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm. Theo đó, đến năm 2025 nơi này trở thành khu du lịch có thể thu hút 3 triệu du khách/năm.
Đây được xem là "Đà Lạt thứ 2" chuyên khai thác du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao, với hồ Đankia - Suối Vàng nằm bên cạnh núi Langbiang làm trung tâm cảnh quan du lịch nghỉ dưỡng.
Tại thời điểm đó, ông Phan Văn Đa, phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, chỉ đạo: "Tuyệt đối cấm việc phá rừng, san gạt đất để làm các công trình trái phép, không phép hoặc làm các công trình có mục đích kinh doanh ngoài du lịch. Hoạt động nông nghiệp cũng phải quản lý chặt, không để việc san gạt đất đai làm nông có thể tàn phá cảnh quan. Nếu mất mặt nước và rừng thì không còn gì để tỉnh Lâm Đồng thu hút đầu tư!".
Và hồ Đankia - Suối Vàng đang bị tàn phá dữ dội bằng các kiểu gây hại đến lòng, bờ hồ.
Trao đổi về điều này, ông Lê Chí Quang Minh, phó chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, cho biết: "Khi triển khai quy hoạch, vùng nông nghiệp và các hoạt động khác ở lòng hồ, bờ hồ sẽ di dời. Tuy nhiên, sự thay đổi cảnh quan hồ đã làm giảm mất sự hấp dẫn của khu vực vốn có cảnh quan đẹp".
Trả lại lòng hồ để còn nước uống
Người dân đổ đất trồng hoa màu ngay bên trong lòng hồ Đankia - Suối Vàng - Ảnh: ĐỨC THỌ
Việc hồ Đankia - Suối Vàng cạn khô cần phải nhìn nhận từ 2 hướng: nguồn cấp suy giảm và dung tích hồ chứa thu hẹp. Giảm diện tích rừng, nước từ thượng nguồn chảy về Đankia - Suối Vàng không còn điều hòa. Mùa mưa, lượng nước đổ về quá nhanh và lớn, hồ quá tải phải xả bỏ. Mùa khô thì mất nguồn nước cấp.
Sản xuất nông nghiệp cây ngắn ngày, lạm dụng nhà kính dẫn đến gia tăng tốc độ bồi lắng và suy giảm nước ngầm cục bộ.
Đà Lạt dù mùa khô vẫn có mưa, thậm chí mưa lớn, nhưng không thấm vào đất quanh hồ bởi mặt đất đã bị nhà kính che lấp. Nước theo mái nhà kính chảy thành dòng với tốc độ cao cuốn theo đất bồi, cát đá xuống lòng hồ.
Khu vực lòng hồ có hơn 360ha thì có đến hơn 150ha đang canh tác cây ngắn ngày, hầu hết đã phủ nhà kính. Bờ hồ, phía đỉnh Langbiang là cả nghìn hecta đất đang phủ trắng nhà kính. Mưa xuống, nước đỏ ngầu từ nhiều phía đổ về lòng hồ, nhưng lượng nước này không làm cho hồ Đankia - Suối Vàng "no" nước, trái lại hồ càng thêm kiệt nước vì bồi lắng.
Tỉnh Lâm Đồng đang có kế hoạch nạo vét toàn bộ lòng hồ và xây dựng các hồ lắng hỗ trợ Đankia - Suối Vàng.
Tổng kinh phí dự kiến hơn 150 tỉ đồng, tuy nhiên tỉnh còn đang nghiên cứu phương án cũng như nguồn cấp vốn. Việc nạo vét rất cần thiết, nhưng cần kết hợp nâng chiều cao đập nước, tăng mảng xanh ở thượng nguồn, giải tỏa vùng nông nghiệp trồng cây ngắn ngày quanh hồ, khôi phục hoạt động trồng cây lâu năm như trước kia.
Để đảm bảo cấp nước đủ và sạch cho TP Đà Lạt thì cần trả lại độ thông thoáng cho lòng hồ.
Ngưng thủy điện để cứu suối vàng
Ông Lê Chí Quang Minh, phó chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, cho biết: "Nhà máy thủy điện Ankroet phải ngưng phát điện trong tháng 3-2021, sau ba tháng giảm công suất hơn 80% vì không có đủ nước. Để ưu tiên cấp nước sinh hoạt, nhà máy có thể phải tiếp tục ngưng, giảm phát điện".
Chất lượng nước cấp sinh hoạt cho TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương có bị ảnh hưởng? Về vấn đề này, ông Minh cho biết do phần lớn hồ đã cạn trơ đáy nên hiện nay các nhà máy nước chỉ có thể dùng nước còn lại nằm ở phần trũng (hồ Suối Vàng).
Lượng nước giảm nên chất lượng nước thô cũng giảm, tạp chất, chất rắn, chất thải nông nghiệp (bao gồm thuốc bảo vệ thực vật) tăng cao.
Tiến sĩ môi trường LÂM NGỌC TUẤN (Đại học Đà Lạt)
TTO - Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng công bố quy hoạch vùng Đankia - Suối Vàng (huyện Lạc Dương) được xem là đô thị vệ tinh của Đà Lạt phát triển mạnh du lịch nghỉ dưỡng cùng với khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm.
Xem thêm: mth.50382008042401202-tehc-gnad-tal-ad-coun-nor/nv.ertiout