Sáng 15/4, Tập đoàn Hoa Sen công bố ước kết quả kinh doanh hợp nhất tháng 3/2021 với mức doanh thu thuần ước đạt 4.522 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 501 tỉ đồng. Đây là lợi nhuận tháng lớn nhất từ trước tới nay của Hoa Sen, đưa lợi nhuận quý 1/2021 lên cao gấp 4 lần cùng kỳ năm trước, bất chấp các biến động kinh tế do dịch Covid. Đúng như lời khẳng định tại một kỳ đại hội cổ đông của Chủ tịch Lê Phước Vũ, rằng Hoa Sen sẽ tiếp tục lãi dù “không còn lệ thuộc vào Lê Phước Vũ”.
Cách đây 2 năm, ông Vũ chia sẻ mình đã lên núi ở ẩn và điều hành tập đoàn từ xa, mỗi tháng chỉ ghé tập đoàn 2 lần, mỗi lần chỉ khoảng 2 tiếng. Ông đồng thời khẳng định, mình sẽ xuất gia sau năm 2026 – năm kỷ niệm 25 năm ngày thành lập tập đoàn và sẽ là sự “ra đi trong trách nhiệm”.
Cũng tại đại hội cổ đông năm 2019, ông giải thích đơn giản về quyết định của mình: “Chủ tịch hai mấy năm nay đi công trình, đi đòi nợ... cũng phải cho chủ tịch nghỉ chứ, nếu không thì chết sao?! Mình sống thanh tịnh, cái trí mình sáng, cái lòng mình vui!”
"TÔI TỪNG ĐI ĐÒI NỢ, NHIỀU ĐÊM KHÔNG DÁM NGỦ Ở NHÀ"
Ông Lê Phước Vũ sinh năm 1963 trong một gia đình nghèo ở tỉnh Bình Định. Sau khi tốt nghiệp Trung cấp Giao thông vận tải tại Quy Nhơn, ông có thời gian lập nghiệp rất vất vả, thất bại nhiều lần, phiêu bạt qua nhiều nơi từ TP HCM cho đến Tây Ninh, Buôn Mê Thuột… Ông Vũ cùng vợ con đã từng phải ở trong một căn phòng thuê 9m2 với giá 50.000 đồng/tháng. Bắt đầu từ hai bàn tay trắng, ông bươn chải đủ nghề.
Tại một buổi giao lưu với sinh viên trường FPT, ông Vũ kể: “Tôi đã từng là anh lái xe, hay là phải đi cắt tôn, đòi nợ... Có nhiều hôm không dám ngủ ở nhà!”.
Bước ngoặt trong sự nghiệp đến với ông Vũ khi ông đang là quản đốc cho Công ty Gỗ Đức Thành (tiền thân của Công ty CP Gỗ Đức Thành hiện nay). Tại đây, ông tình cờ gặp lãnh đạo của một công ty thép nước ngoài. Quý mến tư chất thông minh và ý chí vươn lên mạnh mẽ của chàng trai Bình Định, người lãnh đạo nọ gợi mở cho Vũ con đường tự kinh doanh.
Tháng 4/1994, ông quyết định mở cửa hàng cắt tôn. Nhưng khi tìm được mặt bằng phù hợp thì vợ chồng ông không có đủ 5 triệu đồng tiền đặt cọc, mà chỉ có trong tay 2 chỉ vàng và 200 ngàn đồng (tương đương 1,2 triệu đồng). Với quyết tâm khởi sự, ông chạy vạy vay mượn thêm 50 triệu đồng với cam kết sẽ “cắt tôn trừ nợ dần”.
Ông Vũ từng kể, mình sẽ còn nhớ mãi cảm giác “mừng rơi nước mắt” khi lần đầu tiên cầm 650.000 đồng tiền lãi vào ngày 18/05/1994. Để có được những đồng lãi đó, ông đã phải lao động cật lực, tự mình bán hàng, thu tiền, cắt tôn, khiêng tôn vì không có tiền thuê thêm người phụ.
Đến năm 1997, trong bối cảnh tôn cắt sẵn gần như không còn đất sống, ông Vũ tính toán đầu tư xưởng cán tôn máy. Thời điểm đó, máy móc công nghiệp thường phải nhập từ Đài Loan, và chiếc máy ông nhắm đến có giá đến 120.000 USD - con số quá lớn so với một cửa hàng tôn cắt tôn nhỏ.
Theo thông tin từ Dân trí, ông Vũ đã tự chế máy cắt tôn bằng cách tìm tòi các bản vẽ thiết kế, cóp nhặt linh kiện Đài Loan và trong nước, thuê gia công lắp ráp, cải tiến và hiệu chỉnh dần. Được biết, chiếc máy tự chế còn gắn bó với nhiều bước đường phát triển mang tính nền tảng của Tập đoàn Hoa Sen sau này.
Với sự nhẫn nại, quyết tâm, không ngại khó khăn và có lẽ là cả duyên nợ với tôn, công việc làm ăn của ông ngày càng mở rộng và thuận lợi. Năm 2001, Công ty Cổ phần Tôn Hoa Sen ra đời với vốn điều lệ 30 tỷ đồng và 22 nhân viên, sản xuất các sản phẩm tấm lợp kim loại, tôn mạ màu, tôn mạ kẽm, tấm lợp kinh loại, gỗ thiếp, nhựa... và các loại vật liệu xây dựng khác.
"MẠNH DÙNG LỰC, YẾU DÙNG THẾ"
Bù lại với tuổi đời non trẻ khi đó, ông Vũ sử dụng phương châm đúng đắn “mua tận gốc, bán tận ngọn”, cất công xây dựng hệ thống phân phối bán trực tiếp tới người dùng để giảm thiểu chi phí; từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn trong ngành.
Chính “độc chiêu” này đã giúp Hoa Sen đứng vững qua khủng khoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 khi giá thép cán nóng giảm xuống dưới 500 USD/tấn; không những thế, công ty còn có lãi trên 1.000 tỉ đồng và tấn công thị trường với việc đầu tư dự án Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ với công suất lớn gấp 3 lần tổng công suất của Hoa Sen lúc bấy giờ.
Ông Vũ nổi tiếng trên thương trường nhờ những quyết định táo bạo. Khi Hoa Sen đứng trước nguy cơ bị phá sản trong khủng hoảng kinh tế, ông đã bất ngờ bán tháo tất cả hàng trong kho, rồi sau đó mua lại với giá rẻ hơn, nhu cầu tới đâu mua tới đó.
Cũng chính vào năm 2008, công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen chính thức lên sàn chứng khoán với mã HSG. Vốn điều lệ ban đầu của công ty khoảng 570,4 tỷ đồng. Hiện, HSG đang lưu hành hơn 440 triệu cổ phiếu, tương đương mức vốn hóa thị trường gần 13.986 tỷ đồng.
Thời điểm đó, trong lúc nhiều doanh nghiệp khác còn đang gượng dậy sau khủng hoảng thì Lê Phước Vũ đã đẩy mạnh xây dựng hàng loạt dự án lớn như: Nhà máy Thép cán nóng Hoa Sen, Nhà máy Cán thép Xây dựng Hoa Sen, Nhà máy Ống thép Hoa Sen…, và thu hút được các nhà đầu tư tài chính quốc tế lớn như Red River Holding, Deutsch Bank, STIC Investments, Dragon Capital, KITMC…
Doanh nhân gốc Bình Định cũng tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu ra nhiều quốc gia như Lào, Thái Lan, Myanmar…, duy trì tốc độ tăng trưởng và trở thành doanh nghiệp xuất khẩu tôn – thép hàng đầu Đông Nam Á với doanh thu gần 300 triệu USD vào năm 2014. Đây cũng được xem là hệ thống bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng có quy mô và hiệu quả nhất hiện nay trong ngành Tôn – Thép Việt Nam.
Khi được hỏi có mạo hiểm quá hay không khi đưa thương hiệu tôn Hoa Sen ra thị trường thế giới thì ông cho rằng, "mạnh dùng lực, yếu dùng thế". Ông thường ví von các tập đoàn nước ngoài như người khổng lồ trên võ đài tung những cú đấm mạnh, nhưng nếu mình khôn ngoan, biết cách “né đòn” thì họ sẽ không đánh tới ta được.
Theo ông Vũ yếu tố quan trọng để vượt qua mọi khó khăn là phải có một tầm nhìn tốt, biết cái “thế” của mình để đưa ra chiến lược đúng và biết thích nghi với mọi hoàn cảnh.
“Ba nguyên tắc mà tôi rút ra trong quá trình thành lập và phát triển để tạo được sự thành công của Tập đoàn ngày hôm nay, có khả năng cạnh tranh ở khu vực và thế giới, đó là: Lấy sáng tạo để thắng kinh nghiệm, lấy năng động để thắng quy mô, và lấy nỗ lực và tốc độ để bù cho vị thế của người đi sau.”, ông Vũ có lần chia sẻ với VOV.
"TÔI LÀ PHẬT TỬ THỰC SỰ. 'GẶP' ĐỨC PHẬT LÀ NHÂN DUYÊN LỚN NHẤT TRONG ĐỜI TÔI"
Ông Vũ kể, từ thuở nhỏ mình đã hay lên chùa. Và sau này, trải qua càng nhiều biến cố, đức tin của ông về Phật pháp lại càng trở nên mạnh mẽ hơn. Do đó, con đường và hoạt động kinh doanh của ông gắn liền với Đạo Phật. Điển hình là logo của Hoa Sen với hình hoa sen 8 cánh, biểu trưng cho Bát chánh đạo: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định; cùng văn hoá doanh nghiệp dựa trên 10 chữ T: “Trung thực – Trung thành – Tận tụy – Trí tuệ – Thân thiện”.
Ông Lê Phước Vũ cho biết, sự kiện đình đám Tôn Hoa Sen chi 36 tỉ tổ chức sự kiện, mời diễn giả khuyết tật nổi tiếng thế giới Nick Vujicic đến Việt Nam vào năm 2013 cũng hoàn toàn vì cộng đồng, phát hành vé miễn phí, lo chi phí đi lại, ăn ngủ cho người ngoại tỉnh đến tham dự… dù gây ra nhiều ý kiến trái chiều về sự tốn kém.
Trong buổi giao lưu của Nick Vujicic với cộng đồng doanh nhân khu vực phía Bắc, Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen Lê Phước Vũ giãi bày: “Tại sao chúng tôi lại tiếp đón Nick nồng hậu như vậy là vì chúng tôi đồng cảm, yêu thương với Nick. Đất nước chúng ta cũng có quá nhiều người khuyết tật do hậu quả của chiến tranh và chất độc da cam…”.
Khoảng thời gian sau khi Nick Vujicic đến Việt Nam, Hoa Sen đã có những tăng trưởng mạnh về kinh doanh. Ông Lê Phước Vũ cho biết kết thúc năm 2013, sản lượng tiêu thụ sản phẩm đạt 634.128 tấn, doanh thu đạt 11.760 tỷ đồng và tăng trường lần lượt 32% và 17% so với niên độ tài chính trước. Đặc biệt lợi nhuận sau thuế có sự tăng trưởng mạnh với 581 tỷ đồng, tăng 58% so với niên độ tài chính trước.
Đối với riêng ông Vũ, với việc nắm giữ gần 43 triệu cổ phiếu HSG tức là hơn 44% cổ phần của Hoa Sen thì trong 4 phiên giao dịch của 4 ngày trùng với khoảng thời gian Nick Vujicic đến Việt Nam, tài sản tính theo vốn hóa thị trường của ông Lê Phước Vũ tăng thêm hơn 170 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đó không phải là mục tiêu của chiến dịch này. Ông Vũ khẳng định với VOV: “Nếu các bạn coi tiền là mục đích thì các bạn sẽ làm ra tiền bằng mọi giá, và điều đó có khi khiến bạn làm tổn hại đến cộng đồng, đến xã hội. Một doanh nhân có đạo đức phải thấy rằng tiền bạc là phương tiện. Không phải là anh giàu đến mức nào mà vấn đề là anh làm được gì cho đất nước này, cho xã hội này, cho cộng đồng này, và giúp tạo được công ăn việc làm cho nhiều người khác, đó mới thực sự là giá trị của doanh nhân.”
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2019, ông Vũ cho biết, 3 năm sau vụ thất bại ở Cà Ná, ông ít lên công ty, chủ yếu là trao đổi công việc từ xa, thời điểm công việc ổn định có khi ông chỉ gọi về doanh nghiệp 2-3 lần/tháng.
Ông Vũ chia sẻ: “Tôi là Phật tử thực sự. ‘Gặp’ Đức Phật là nhân duyên lớn nhất trong đời tôi. Đó là một giá trị vô giá, từ giá trị đó tôi tạo ra giá trị vật chất. Ông Vũ ngày nay dù vẫn còn phàm phu, nhưng đã thánh thiện hơn nhiều so với ông Vũ trước khi giác ngộ đạo Phật cách đây 20 năm”.
“Nếu đang làm Cà Ná thì phải đứng công trường từ sáng đến tối ròng rã 1 tháng 30 ngày. Vì không làm Cà Ná nên giờ tôi ở trên núi, 3 giờ sáng dậy tập công phu đến 5-6 giờ, cuộc sống an lành và vui lắm, tâm an thì trí sáng, quý vị nào thích lên tắm suối, suối của tôi tuyệt vời”.
Theo Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngày 09/07/2020 ông Lê Phước Vũ đã thực hiện nghi lễ quy y Tam Bảo với sự chứng minh truyền thọ của Đức Hòa thượng Đệ Tam Pháp Chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Phổ Tuệ tại Chùa Viên Minh.
Ông cũng khẳng định sẽ chính thức chia tay Hoa Sen vào năm 2026, đúng dịp kỷ niệm 25 năm thành lập tập đoàn để thực hiện ước mong từ năm 30 tuổi, đó là xuất gia. Ông trấn an nhà đầu tư: “Chắc chắn tôi sẽ xuất gia, sống cuộc đời phạm hạnh của một người tu hành. Dù tôi xuất gia nhưng Hoa Sen vẫn có đủ điều kiện trở thành tập đoàn lớn mạnh. Tôi sẽ ra đi trong trách nhiệm chứ không phải ra đi với một mớ tiền."
Hoàng Anh
Theo Nhịp Sống Kinh Tế